Thứ 5, 28/03/2024, 19:05[GMT+7]

Một số kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Tháp Mười

Thứ 7, 26/09/2020 | 08:36:59
776 lượt xem
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của huyện Tháp Mười có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân chú trọng đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn có bước phát triển, hệ thống thủy lợi được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển sản xuất. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng lên.

Xây dựng trạm bơm điện ở huyện Tháp Mười, góp phần giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp

Hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn huyện Tháp Mười ngày càng hoàn thiện phủ đều khắp trên địa bàn, phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt phục vụ tốt cơ giới hóa trong nông nghiệp như: đường N2; đường Hồ Chí Minh; nâng cấp - mở rộng các tuyến đường tỉnh lộ (ĐT) 844, ĐT 845, ĐT 846, ĐT 850; nâng cấp mở rộng các đường vào trung tâm các xã, các tuyến huyện lộ, tuyến liên xã, tuyến xã, các đường trục chính nội đồng. Song song đó, hệ thống điện cũng được cải tạo, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất cho đời sống Nhân dân, hoàn thành đường dây trung thế, hạ thế, trạm biến áp; mạng viễn thông đáp ứng đến tất cả các ấp.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển sâu, rộng, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Tính đến nay, toàn huyện có 12/12 xã đạt chuẩn văn hóa - nông thôn mới, 1 thị trấn đạt văn minh đô thị; 59 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa - nông thôn mới, 4 khóm được công nhận khóm văn minh đô thị (đạt 100%). Tháp Mười có 32.008/34.986 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (chiếm 91,4%); có 129/129 cơ quan, trường học đạt đơn vị văn hóa (đạt 100%); 8/8 chợ văn minh (đạt 100%).

Hệ thống mạng lưới trường lớp được bố trí, sắp xếp khoa học, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương và hệ thống giao thông, các cụm, khu dân cư. Trường lớp từ Mầm non, Tiểu học được phủ khắp đến các khóm ấp, mỗi xã có 1 trường THCS, bình quân 3 xã có 1 trường THPT. Đây là điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đến trường và duy trì tốt sĩ số học sinh. Huyện có 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó 92,33% trên chuẩn, có 8 nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. Tỷ lệ học huy động học sinh đến trường hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu đề ra: nhà trẻ đạt 35,32%, mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi đạt 92,11%, mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%, tiểu học đạt 100%, THCS 99,87%, THPT đạt 99,36%.

Công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe Nhân dân không ngừng được chú trọng, từ việc triển khai tốt các Chương trình mục tiêu y tế Quốc gia; hệ thống y tế Nhà nước và tư nhân được củng cố, phát triển. Việc quản lý Nhà nước về y tế từng bước được nâng cao; phòng, chống dịch bệnh luôn được quan tâm thực hiện tốt; an toàn vệ sinh thực phẩm được kiểm soát. Các cơ sở khám chữa bệnh, trang thiết bị y tế ngày càng hiện đại; đội ngũ y, bác sĩ không ngừng đào tạo nâng cao đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân.

Hiện nay, huyện Tháp Mười có 13/13 xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế, bằng so với cùng kỳ năm 2011; 100% số trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ làm việc... Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười đưa vào hoạt động phục vụ tốt nhu cầu khám và điều trị bệnh cho Nhân dân; quan tâm giáo dục, chấn chỉnh y đức của đội ngũ y, bác sĩ và cán bộ, viên chức ngành y tế. Qua đó tinh thần, trách nhiệm phục vụ Nhân dân có sự chuyển biến tích cực, nhất là đối với trẻ em, người nghèo; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế ở mức cao.

Nền hành chính huyện ngày càng hiện đại, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới (99,12% CB,CC,VC huyện có trình độ từ đại học trở lên; tỷ lệ CB,CC xã đạt chuẩn 95,16%). Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ CB,CC,VC ngày càng nâng cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư như: sửa chữa trụ sở Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả huyện, trang bị hệ thống camera tại các Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả từ huyện đến xã; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý... nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 trong quản lý, đã rút ngắn thời gian giải quyết công việc của CB,CC,VC; nâng cao chất lượng phục vụ hành chính của huyện, mang đến sự thỏa mãn, hài lòng cho công dân, tổ chức.

Box: Qua khảo sát sự hài lòng của công dân, tổ chức trên địa bàn luôn được đánh giá cao, trong đó nổi bật là cơ chế một cửa, một cửa liên thông được tập trung thực hiện. Đến nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện, xã đã được đưa vào thực hiện tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả huyện, xã và Bộ phận Một cửa huyện chuyển qua bưu điện. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng, trước hạn cho công dân, tổ chức thuộc thủ tục hành chính cấp huyện đạt trên 98%; cấp xã tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng, trước hạn đạt 99,98%, số hồ sơ trễ hạn chủ yếu trên lĩnh vực đất đai. Hàng tuần tổ chức họp trực tuyến với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Theo baodongthap.vn