Thứ 2, 25/11/2024, 10:07[GMT+7]

Dấu ấn nông thôn mới ở Bạc Liêu

Thứ 2, 18/01/2021 | 14:36:27
1,393 lượt xem
Sau 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm mạnh tỉ lệ hộ nghèo ở ĐBSCL.

Nhiều vùng ở tỉnh Bạc Liêu đã thay da đổi thịt nhờ chương trình nông thôn mới

Tỉnh Bạc Liêu được xem là điển hình trong xây dựng NTM ở ĐBSCL. Qua 10 năm, tất cả xã, phường, thị trấn ở Bạc Liêu đều đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 huyện đạt chuẩn NTM. Bạc Liêu đề ra chỉ tiêu trong 5 năm tới, tất cả xã, phường, thị trấn đều đạt chuẩn NTM nâng cao.

Để có được kết quả này, tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình NTM lên đến trên 12.000 tỉ đồng. Trong số này, vốn dành cho chương trình mục tiêu quốc gia gần 2.000 tỉ đồng, còn lại là nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình khác, huy động sức dân, vốn vay... Đáng chú ý, tỉ lệ giảm nghèo của Bạc Liêu đạt rất cao. Năm 2010, Bạc Liêu có tỉ lệ hộ nghèo chiếm trên 20% nhưng đến năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%.

Còn tại Cà Mau, nhiều xã đặc biệt khó khăn thoắt chuyển mình thành xã NTM chỉ sau vài năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Điển hình như từ một xã "5 không" (không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, không chợ), chỉ sau 5 năm nỗ lực, xã Tân Hải (huyện Phú Tân) đã "lột xác" trở thành xã NTM vào cuối năm 2015. 

Tân Hải thực sự đổi thay như một giấc mơ: 100% đường nhựa về trung tâm xã, trên 99% số hộ dân sử dụng điện, 3/4 trường học xây dựng cơ bản, 100% người dân tham gia BHYT; tỉ lệ hộ nghèo từ trên 16% năm 2010, giảm còn 4,6% cuối năm 2015 và tiếp tục giảm chỉ còn 2,59% vào cuối năm 2019. Thu nhập bình quân đầu người từ chỉ 8,5 triệu đồng/người/năm thời điểm năm 2010, tăng lên 34 triệu đồng vào năm 2015 và tiếp tục tăng lên mức 45,5 triệu đồng trong năm 2020. Đặc biệt, hiện Tân Hải tiếp tục vươn đến chinh phục được 8/13 tiêu chí NTM nâng cao.

Tương tự, "vùng đất len trâu" xã Tân Lộc Đông (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) một thời cực kỳ khó khăn đã vươn lên xã NTM chỉ sau vài năm nỗ lực. Đây là xã mới, được thành lập năm 2001, trên cơ sở chia tách từ xã Tân Lộc. Nhắc lại cái thời "sơ khai", ông Trần Chí Cường, Chủ tịch UBND xã, kể hồi ấy cuộc sống người dân rất khổ, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ tầm 5-10 triệu đồng/người/năm; đường sá chia cắt; đất nhiễm phèn, chỉ cỏ năn mới sống nổi, trồng lúa không hiệu quả, đất bỏ hoang rất nhiều... "Đến năm 2010, chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, kết hợp nuôi trồng đa cây đa con trên cùng diện tích, nhất là khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, Tân Lộc Đông mới có cơ hội vươn lên. Giờ đây, việc xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM phải nói là kỳ tích. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người là 50 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo từ 15%-20%, nay giảm còn 1,23%".

Từ phong trào xây dựng NTM, vùng ĐBSCL đã xây dựng nhiều mô hình, chuỗi liên kết, sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân; giảm dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị bằng nhiều cơ sở hạ tầng được hoàn thiện.

Theo nld.com.vn