Thứ 6, 29/03/2024, 02:41[GMT+7]

Chuyển đổi canh tác, tạo sức bật cho nông thôn mới

Thứ 3, 09/03/2021 | 11:34:22
857 lượt xem
Trong những năm qua, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các mô hình sản xuất mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nhờ đó, các mô hình nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao không ngừng được nhân rộng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới (NTM).

Người dân huyện Văn Yên (Yên Bái) thu hoạch quế.

Trong những năm qua, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các mô hình sản xuất mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nhờ đó, các mô hình nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao không ngừng được nhân rộng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới (NTM).

Hiệu quả từ những mô hình chuyển đổi canh tác

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hưng Yên được xem là tỉnh có lợi thế về nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bắt tay vào xây dựng NTM, tỉnh đặt trọng tâm vào tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tích cực chuyển đổi cơ cấu thời vụ, cơ cấu cây trồng theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Nhờ xác định đúng mục tiêu, chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa và chuyển đổi hơn 15.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm, cây hằng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, góp phần đưa giá trị thu được trên 1 ha canh tác đạt 210 triệu đồng. Năm 2020 cơ cấu nông nghiệp của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ khi tỷ trọng lương thực chỉ chiếm 15,5%; rau quả, cây công nghiệp chiếm 26,5%; chăn nuôi, thủy sản chiếm 58%... Riêng lĩnh vực thủy sản được đánh giá có sự phát triển ổn định, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 45 nghìn tấn/năm. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc hợp tác xã (HTX) thủy sản Hạ Lễ, xã Hạ Lễ, huyện Ân Thi (Hưng Yên) Nguyễn Văn Thịnh, hiện đơn vị đang sở hữu gần 50 ha đất nuôi trồng thủy sản, từ khi được chính quyền hỗ trợ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và tạo điều kiện cho HTX tích tụ ruộng đất, quy mô HTX không ngừng được mở rộng. Sản lượng luôn đạt mức cao với hơn 300 tấn cá thương phẩm (trong đó có 70 đến 80 tấn cá giống), cho doanh thu 13 tỷ đồng/năm.

Tại tỉnh Bắc Kạn, nhờ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và chỉ đạo chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cơ cấu cây trồng nên hiệu quả canh tác đã chuyển biến rõ rệt. Theo số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Bắc Kạn, trung bình mỗi vụ, toàn tỉnh trồng khoảng 900 ha dong riềng. Năng suất trung bình 70 tấn/ha, cho tổng sản lượng hơn 63 nghìn tấn, với giá bán từ 1.500 đến 2.500 đồng/kg, tổng giá trị thu về hơn 100 tỷ đồng. Chia sẻ về hiệu quả từ việc áp dụng kỹ thuật trồng cây dong riềng trên luống tại các chân ruộng thiếu nước, Phó Trưởng phòng NN và PTNT huyện Na Rì Hoàng Thị Thu Nguyệt cho biết, năng suất trồng trên luống đạt trung bình hơn 80 tấn/ha, cao hơn gần 20 tấn so với trồng trên đồi theo lối cũ. Theo tính toán, cứ 1.000 m2 trồng dong riềng theo mô hình lên luống chi phí khoảng 1,4 triệu đồng sẽ cho thu hoạch 8,5 tấn củ. Với giá 2.500 đồng/kg, trừ chi phí cho thu về khoảng 19 triệu đồng, tương đương hơn 190 triệu đồng/ha. Ðây là số tiền lớn gấp nhiều lần so với thu nhập từ trồng lúa, ngô trước đây.

Tỉnh Yên Bái cũng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi mùa vụ dựa trên khoa học kỹ thuật, nhằm phát huy thế mạnh của địa phương. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty quế hồi Việt Nam kiêm Giám đốc Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam Nguyễn Quế Anh, đơn vị đã nhìn ra và phát huy thế mạnh của cây quế, hồi tại tỉnh Yên Bái, trở thành cây xóa đói, giảm nghèo bền vững. Ðể có được mô hình sản xuất theo chuỗi, đơn vị đã kết hợp với tỉnh tổ chức các lớp đào tạo cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn organic. HTX cũng cam kết thu mua sản phẩm cao hơn giá thị trường từ 10 đến 15%, góp phần tăng thu nhập cho người dân từ 4,5 đến 7 triệu đồng/lao động/tháng. Cũng nhờ sản xuất theo chuỗi, tuân thủ kỹ thuật và tiêu chuẩn, hiện 500 ha quế ở xã Ðào Thịnh, huyện Trấn Yên đã được cấp chứng nhận organic và được xuất khẩu sang thị trường EU và các nước Mỹ, Ca-na-đa, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên (Yên Bái) Nguyễn Thành Lê cho biết, chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả như lúa, ngô sang canh tác các cây trồng mới như quế, dâu tằm, tre măng bát độ... đem lại thu nhập cao cho nông dân, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, từ đó giúp các xã củng cố nguồn lực kinh tế xây dựng NTM.

Hướng tới những giải pháp trọng tâm

Ðể tăng giá trị kinh tế cho cây dong riềng, tỉnh Bắc Kạn đã phân tích, đánh giá chất lượng củ, từ đó tìm ra hai giống dong riềng DR1, DR49 phù hợp điều kiện của tỉnh, giúp nông dân thâm canh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng/mô hình, áp dụng cho mô hình có quy mô từ 5 đến 10 ha. Nhờ có chính sách linh hoạt, toàn diện trong đổi mới mô hình sản xuất, tại Bắc Kạn đã hình thành những vùng trồng rau chuyên canh; các loại cây đặc sản có thế mạnh như: cam, quýt, chè, hồng không hạt… được cấp chứng nhận VietGAP, đủ điều kiện an toàn thực phẩm và chứng nhận sản xuất hữu cơ. Nhờ đó, diện tích đất nông nghiệp đạt doanh thu 100 triệu đồng/ha/năm đã tăng lên 3.400 ha.

Tại tỉnh Yên Bái, chính quyền địa phương đã cùng doanh nghiệp mở các lớp tập huấn, trang bị khoa học kỹ thuật, giúp người dân chuyển từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ theo kinh nghiệm, sang sản xuất theo chuỗi, trở thành những xã viên có tay nghề cao. Theo chia sẻ của bà Trần Thị Thái (xã Ðào Thịnh, huyện Trấn Yên) xã viên HTX Quế hồi Việt Nam, khi tham gia HTX, bà đã được cán bộ HTX hướng dẫn trồng quế, hồi theo phương pháp hữu cơ. Quá trình chăm sóc không phun thuốc trừ sâu, khi làm cỏ không đốt cỏ mà vun dưới gốc làm phân hữu cơ... cho nên sản phẩm an toàn mà người sản xuất cũng bảo đảm được sức khỏe. Nhờ hiệu quả từ trồng quế theo hướng hữu cơ, gia đình bà Thái đã xây được ngôi nhà khang trang với nhiều tiện nghi đắt tiền. Ông Ðặng Văn Chung (thôn 2, xã Ðào Thịnh, huyện Trấn Yên) xã viên HTX Quế hồi Việt Nam cho biết, hiện xã viên HTX đã sử dụng công nghệ số để ghi nhật ký sản xuất. Ðối với HTX, việc tham gia hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế theo hình thức trực tuyến cũng đang được đẩy mạnh. Nhờ đó, HTX luôn duy trì được chất lượng sản phẩm, sản lượng và thị trường ổn định.

Hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho người nông dân ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi mô hình sản xuất đang được các địa phương triển khai mạnh mẽ, giúp người dân làm giàu trên chính đồng đất quê hương của mình. Chánh Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến cho biết, trong giai đoạn tới, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, rà soát khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương kết hợp với việc các địa phương chủ động ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện các nội dung của Chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững. Bên cạnh đó là bố trí nguồn vốn linh hoạt, hiệu quả để các địa phương chủ động đầu tư, phát triển sản xuất.

Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Bắc Kạn Nguyễn Ngọc Cương, hằng năm, tỉnh đều xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cụ thể, khoanh định rõ vùng cần chuyển đổi và cách thức chuyển đổi. Trọng tâm xuyên suốt trong chỉ đạo triển khai của tỉnh là chuyển đổi phải gắn với liên kết sản xuất, nghĩa là, phải bảo đảm cây trồng mới được bao tiêu với giá trị hiệu quả kinh tế cao hơn. Ðối với các mô hình mới, khi triển khai, trong thời gian đầu, tỉnh sẽ hỗ trợ về cây giống, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật. Ðồng thời, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các diện tích kém hiệu quả bằng những giống mới có chọn lọc, gắn với nhu cầu thị trường.

Từ thực tiễn sản xuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Thủy sản Hạ Lễ Nguyễn Văn Thịnh đề xuất, Nhà nước, chính quyền địa phương cần có cơ chế mở trong tích tụ ruộng đất, hoặc cấp giấy chứng nhận cho phần diện tích ruộng đất các cơ sở, tổ hợp tác đã thu gom được để giúp HTX tăng vốn hoặc vay vốn đầu tư, xây dựng kế hoạch sản xuất lâu dài.

Theo Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới Trung ương, việc chuyển đổi mô hình sản xuất đã đem lại những kết quả nổi bật trong xây dựng NTM như: Thu nhập bình quân đầu người hằng năm ở nông thôn tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, từ mức 12,8 triệu đồng năm 2010 lên mức 43 triệu đồng/người năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm) và đến nay chỉ còn 4,2%,...

Theo nhandan.com.vn