Thứ 7, 23/11/2024, 01:52[GMT+7]

Quan tâm quyền lợi của người dân trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 5, 08/04/2021 | 16:16:34
762 lượt xem
Khi người dân nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của mình thì xây dựng nông thôn mới sẽ chuyển từ yêu cầu của chính quyền thành nhu cầu tự thân của nhân dân. Thực tế ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã chứng minh điều đó.

Chế biến quế ở HTX xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái.

Ông Nguyễn Văn Quỳnh, bà Phạm Thị Mến (thôn Phú Lan, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên), trước đây là giáo viên, sau khi nghỉ chế độ về địa phương thì lương hưu đủ để hai ông bà sinh sống nhàn nhã. Vậy mà, năm 2020, ở tuổi 75, nhận thấy tiềm năng nguyên liệu quê mình quá dồi dào và nhu cầu muốn tăng thêm thu nhập, ông bà Quỳnh – Mến quyết định khởi nghiệp bằng việc thành lập Hợp tác xã (HTX) trồng, sấy khô nấm linh chi và chuối. Bằng kiên trì, nỗ lực, năm qua, HTX đạt sản lượng 5-6 tấn chuối sấy khô, đồng nghĩa với việc đã thu mua 100 tấn chuối tươi. Với giá thu mua 2.000 đồng/kg chuối tươi, khoảng 200 triệu đồng đã chuyển thành thu nhập cho người dân quanh vùng. Ông Quỳnh, bà Mến rất vui vì tuổi già thêm ý nghĩa, không chỉ bản thân mà dân làng cũng có thêm thu nhập. 

Theo đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết, trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí thu nhập là quan trọng nhất và mọi việc ở cơ sở chỉ xoay quanh tiêu chí này. Do đó, ngoài việc động viên những tấm gương như vợ chồng bác Quỳnh mạnh dạn khởi nghiệp khi bản thân người dân có nhu cầu tăng thu nhập thì phía xã rất chú trọng đến việc thành lập các tổ hợp tác, HTX liên kết giá trị nông nghiệp bền vững nhằm giúp người dân sản xuất, tiêu thụ nông sản thuận lợi. Lãnh đạo xã đã chia địa bàn thành 3 vùng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Trong đó, có vùng chọn quế, vùng chọn trồng dâu, nuôi tằm là hướng chủ lực. Vùng trung tâm xã phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp, mở rộng các cơ sở sản xuất kinh doanh, các hộ thương mại cá thể. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của xã đạt tới 50 triệu đồng/người/năm.

Trong khi đó, xã Đào Thịnh hiện có 700 ha quế, trong đó có 500 ha quế hữu cơ. Vùng sản xuất quế hữu cơ được tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2,5 lần so với cách trồng thông thường. Toàn xã hiện có 4 HTX đang hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, đều kinh doanh có lãi, tham gia vào chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của xã, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, hình thành nên những vùng nguyên liệu gắn liền giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho thành viên và nhân dân địa phương. Điển hình như HTX Quế Hồi có 53 xã viên, sản phẩm chủ yếu là quế điếu, quế sáo, quế thanh, quế cắt tròn… tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…Lương bình quân của xã viên từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Nhiều người vừa là xã viên HTX, vừa là nông dân trồng quế theo hình thức sản xuất hộ gia đình. Chị Nguyễn Thị Vinh, xã viên HTX phấn khởi cho biết, vài năm trở lại đây, giá quế liên tục tăng, người dân thu nhập rất tốt. Bản thân chị vừa có lương của HTX, vừa có tiền từ bán lá quế, vỏ quế, gỗ quế trên diện tích trồng trọt của gia đình nên thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 11 triệu đồng (năm 2011) lên 48,01 triệu đồng, gấp 1,3 lần so với chuẩn nông thôn mới năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 28,01% (năm 2011) xuống còn 2,03 %.

Khi người dân có thu nhập, họ có nhu cầu cải thiện điều kiện sản xuất, điều kiện sống. Do vậy, họ sẵn sàng thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Ở Trấn Yên, nhân dân đã tích cực đóng góp tiền, vật liệu, ngày công xây dựng NTM với giá trị trên 700 tỷ đồng. Hàng ngàn hộ đã hiến trên 54 ha đất để xây dựng các công trình hạ tầng ở khu vực nông thôn. 190 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố, gần 300 km đường điện chiếu sáng nông thôn đều do người dân tự đóng góp xây dựng và mua sắm trang thiết bị; hơn 300 km đường hoa ở khu dân cư, khu trung tâm thôn, xã được nhân dân tham gia trồng, chăm sóc thường xuyên, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp. 

Bằng cách thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó nhân dân là chủ yếu, 100% các tuyến đường từ huyện đến xã, đường liên xã, liên thôn, đường từ xã xuống thôn đã được kiên cố hóa; 80% tuyến đường ngõ, xóm đã được cứng hóa; tất cả các tuyến đường nội đồng, đường vào khu sản xuất được mở mới và nâng cấp đảm bảo đi lại thuận tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp; hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho toàn bộ diện tích sản xuất và phòng chống thiên tai; 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia, hệ thống chợ nông thôn được xây dựng đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân.

Huyện không còn hộ ở nhà tạm, nhà dột nát; 100% các đơn vị trường học và trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã có hội trường văn hóa đa năng, sân thể thao đạt chuẩn theo quy định; các nhà văn hóa, sân thể thao ở thôn được đầu tư đầy đủ trang thiết bị đáp ứng sinh hoạt của cộng đồng; bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc được bảo tồn, gìn giữ, phát huy, đời sống tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được ổn định.

Đồng chí Trần Đông, Chủ tịch UBND huyện cho biết, đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Trấn Yên là huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái và khu vực Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). 6/21 xã và 46/190 thôn, bản đặc biệt khó khăn đã nỗ lực vượt bậc đạt chuẩn NTM bền vững.

Bài học kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM, theo đồng chí Trần Đông là phải tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều phương pháp, hình thức phù hợp và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, phải làm tốt trước khi triển khai các nhiệm vụ khác. Thông qua công tác tuyên truyền và sự gương mẫu, tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người dân nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của mình trong xây dựng NTM. Xây dựng nông thôn mới khi đó sẽ chuyển trạng thái từ yêu cầu của chính quyền thành nhu cầu tự thân của người dân, được người dân đồng tình hưởng ứng và tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, có sức lan tỏa ngày càng sâu rộng./.

Theo dangcongsan.vn