Thứ 7, 04/05/2024, 08:03[GMT+7]

Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống phòng, chống thiên tai (22/5/1946 - 22/5/2021) Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai

Thứ 7, 22/05/2021 | 07:47:07
935 lượt xem
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường với những yếu tố rất cực đoan, bất thường, gây hậu quả cho sản xuất và đời sống nhân dân. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hoạt động hiệu quả trong công tác chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) của các cấp, các ngành, sự chủ động của người dân nên đã giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Dự án xử lý cấp bách một số tuyến kè sạt lở và cứng hóa mặt đê tại những điểm xung yếu thuộc đê tả Trà Lý đoạn qua thành phố Thái Bình.

Với ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, Thái Bình có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của các yếu tố thiên tai bất lợi như bão, lũ, triều cường, sóng, nước dâng do bão, úng lụt, xói lở bờ bãi, xâm nhập mặn... Tỉnh có hệ thống đê sông, đê biển khép kín với 16 tuyến, tổng chiều dài 584,6km (356,3km đê trung ương, 228,3km đê bối, đê bao, đê vùng); 103 kè hộ bờ trên các tuyến đê cấp I, II, III; 12 kè trên các tuyến đê bối; 10 kè trên các tuyến đê cửa sông chưa được phân cấp với tổng chiều dài trên 160km kè lát mái và trên 50 kè mỏ; 189 cống dưới đê cấp I, II, III.

Từ năm 2015 đến nay, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, gần 175,8km đê trên địa bàn tỉnh được đầu tư nâng cấp, tu bổ, sửa chữa; xây mới 20 cống dưới đê; tu bổ kè hộ bờ được 15 tuyến với tổng chiều dài gần 27,4km. Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư nâng cấp một số công trình trên các tuyến đê như đường hành lang chân đê được 2,4km và 21 điếm canh đê; cứng hóa khoảng 343km kênh mương; cải tạo, nâng cấp và xây mới 1.634 cống đập nội đồng, 117 trạm bơm điện; nạo vét 4.375.096m3 sông trục dẫn; từng bước cải tạo, nâng cao năng lực PCTT, cấp và thoát nước cho hệ thống công trình thủy lợi trong tỉnh.

Xác định việc hạn chế và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng năm, tỉnh và các địa phương thường xuyên rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực ban chỉ huy, văn phòng thường trực ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các cấp; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ điều hành ứng phó với thiên tai. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kỹ năng PCTT được các địa phương tổ chức bằng nhiều hình thức với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai của chính quyền, người dân, cộng đồng...

Hàng năm, ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp đã kiểm tra, xác định các trọng điểm PCTT, từ đó làm tốt công tác chuẩn bị, ứng phó kịp thời với mọi sự cố xảy ra trong mùa mưa lũ. Căn cứ dự báo thiên tai hàng năm, ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp tổ chức tập huấn, diễn tập phương án ứng phó với thiên tai sát với tình hình cụ thể và xử lý tình huống an toàn, hiệu quả. Công tác dự báo, cảnh báo sớm được chú trọng thực hiện theo phương châm chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính. Tỉnh đã đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các hệ thống cảnh báo, dự báo sớm về thiên tai như các trạm đo mưa, đo gió tự động tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hạt quản lý đê các huyện: Hưng Hà, Tiền Hải, Thái Thụy; lắp đặt hệ thống camera theo dõi các vị trí xung yếu, nguy hiểm tại đê Nhật Tảo, kè Nhật Tảo (Hưng Hà); thượng lưu, hạ lưu cống Lân I (Tiền Hải). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn phối hợp với Tổng cục Phòng, chống thiên tai lắp đặt 2 trạm đo mưa kết hợp đo gió tại Thái Thụy, Tiền Hải, camera giám sát tại các tuyến đê biển trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện việc nhắn tin cảnh báo thiên tai qua tin nhắn điện thoại. Tình hình, hướng di chuyển của bão được gửi tới người dân thường xuyên, liên tục để người dân biết, chủ động phòng, tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, bảo đảm an toàn cho người và tài sản.

Cùng với việc phòng ngừa, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn tích cực, chủ động tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả do thiên tai gây ra. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, gắn xây dựng cộng đồng an toàn với thực hiện tiêu chí an toàn về PCTT trong xây dựng nông thôn mới, trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương và cơ quan chức năng tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực xung yếu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân; mặt khác, phân công lãnh đạo trực tiếp xuống địa bàn để chỉ đạo, chỉ huy, điều hành công tác ứng phó, khắc phục thiên tai kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả. Nhờ chủ động trong công tác chỉ huy và tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tỉnh không bị động trong mọi tình huống, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo dự báo, thời gian tới, tình hình thời tiết, khí hậu tiếp tục có những diễn biến phức tạp, công tác PCTT và TKCN của tỉnh đã và đang được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng từ phương án, phương tiện, thiết bị, lực lượng. Để công tác PCTT thực sự hiệu quả, giảm bớt thiệt hại về người và tài sản đòi hỏi các địa phương và người dân cần chủ động nắm bắt thông tin thời tiết, chuẩn bị sẵn các phương án phòng, tránh, trong đó lấy phòng là chính, chủ động bảo đảm an toàn trước mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày