Thứ 3, 10/09/2024, 14:30[GMT+7]

Khoa học công nghệ tập trung phục vụ xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật, 23/05/2021 | 17:37:03
706 lượt xem
Bước sang giai đoạn 2021-2025, Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ nông thôn mới hướng đến mục tiêu tiếp tục hoàn thiện cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững; nông thôn văn minh; nông dân giàu có, hạnh phúc.

Chương trình Khoa học công nghệ đã có nhiều đóng góp quan trọng cho phục vụ xây dựng nông thôn mới (Ảnh minh họa: ĐH)

Nhiều kết quả nổi bật

Theo Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2017-2020, chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, chương trình đã tạo được cơ chế phối hợp, thu hút đông đảo lực lượng khoa học công nghệ (KHCN) thuộc nhiều chuyên ngành của cả nước, trong đó có 83 Giáo sư, Phó Giáo sư; 271 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học; 406 thạc sĩ và hàng nghìn cán bộ KHCN khác tham gia Chương trình.

Nhờ tập hợp được các nguồn lực trên, trong thời gian qua, Chương trình đã đạt được những kết quả rất thiết thực, phục vụ kịp thời các yêu cầu của xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Chương trình đã đóng góp thiết thực cả về cơ sở lý luận (7 đề tài); cơ chế, chính sách (22 đề tài); đề xuất các giải pháp KHCN và chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (56 đề tài) vào sản xuất có hiệu quả thông qua các mô hình liên kết chuỗi giá trị.

Đồng thời, đã có 147 kiến nghị giải pháp chính sách đã được tiếp nhận sử dụng, 85 công nghệ mới được tạo ra, 232 công nghệ đã chuyển giao cho sản xuất và 236 mô hình đã được triển khai.

Từ đây, các kết quả nghiên cứu đã góp phần làm rõ hơn cơ sở lý luận xây dựng nông thôn mới, làm rõ hơn tư tưởng của Đảng về vai trò chủ thể của nông dân và các tổ chức của nông dân; bổ sung căn cứ khoa học cho điều chỉnh bộ tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, đề xuất một số cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, phát huy động lực của KHCN trong xây dựng và phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, Chương trình đã đề xuất được các giải pháp cụ thể về vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đổi mới và hoàn thiện thể chế phát triển nông nghiệp, thể chế chính trị nông thôn một cách đồng bộ; các giải pháp quy hoạch, kiến trúc, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường cảnh quan nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội nông thôn.

Các kết quả nghiên cứu đã đóng góp kịp thời cho Trung ương Đảng tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới và cho tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2019.

Trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình Khoa học công nghệ sẽ tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện xây dựng nông thôn mới (Ảnh minh họa: BT)

Tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới

Bước sang giai đoạn 2021-2025, Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ nông thôn mới hướng đến mục tiêu tiếp tục hoàn thiện cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững; nông thôn văn minh; nông dân giàu có, hạnh phúc.

Trong đó, Chương trình sẽ đề xuất được các giải pháp khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số và thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ; các giải pháp bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá, cải thiện cảnh quan nông thôn gắn với bảo vệ môi trường; giải pháp quản trị và kết nối các cộng đồng gắn với cải thiện dịch vụ công và cải cách hành chính trong nông thôn.

Đặc biệt, xây dựng và nhân rộng được một số mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn gắn với điều kiện đặc thù và phát huy được thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ. Thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm đặc thù địa phương của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Về các chỉ tiêu cụ thể, phấn đấu, các đề tài nghiên cứu, dự án ứng dụng tiến bộ KHCN đảm bảo tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 25%; tối thiểu 50% mô hình được các địa phương tiếp tục triển khai, nhân rộng. Tối thiểu 80% mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn có sự liên kết liên ngành và đa ngành, hợp tác công - tư.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, theo Ban Chủ nhiệm chương trình, cần tập trung vào các đề tài, dự án các mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập, nhất là mô hình hỗ trợ cho thôn, bản khó khăn xây dựng nông thôn mới; mô hình OCOP,…Trong đó, phát huy vai trò của các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu trong nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn xây dựng nông thôn mới, tổ chức các đoàn nghiên cứu đi thực tế để phát hiện, đề xuất các vấn đề thiết thực, nẩy sinh từ thực tiễn.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu trong xây dựng cơ chế chính sách ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy nguồn lực và triển khai các mô hình chuyển đổi sản xuất để nâng cao thu nhập để đề xuất với Ban chỉ đạo chương trình các đề tài, dự án cụ thể.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai các đề tài, dự án và ứng dụng chuyển giao kết quả các đề tài, dự án vào thực tiễn; thường xuyên kiểm tra đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nội dung, chất lượng đề tài, dự án; nghiên cứu lồng ghép, huy động các nguồn lực từ các chương trình hợp pháp khác để cùng thực hiện Chương trình./.

Theo daihoi13.dangcongsan.vn