Thứ 6, 22/11/2024, 21:36[GMT+7]

Thách thức với Bluezone

Thứ 6, 04/06/2021 | 09:48:05
1,752 lượt xem
Ứng dụng truy vết Bluezone đạt hơn 35 triệu lượt cài, hơn 21 triệu người dùng nhập số điện thoại, nhưng vẫn cần gia tăng lượng người dùng thực sự.

Ứng dụng Bluezone giúp phát hiện tiếp xúc gần nhưng vẫn đảm bảo quyền riêng tư của người dùng. Ảnh: Lưu Quý.

Thống kê đến ngày 1/6, tổng số lượt tải Bluezone trên các nền tảng đạt 35,24 triệu. Số người dùng đã nhập thông tin liên hệ là 21,56 triệu. Tính từ thời điểm dịch bùng phát trở lại - cuối tháng 4 vừa qua, lượng người tải và sử dụng Bluezone liên tục tăng, có ngày đạt hơn 760 nghìn lượt cài đặt. Bluezone hiện cũng là ứng dụng được tải về nhiều nhất trên cả iOS và Android tại Việt Nam.

Tương tự các ứng dụng truy vết trên thế giới, ứng dụng truy vết tại Việt Nam cũng gặp thách thức về việc thu hút người sử dụng thực sự, để đảm bảo ứng dụng hoạt động hiệu quả.

Theo tính toán của các chuyên gia công nghệ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bluezone sẽ phát huy hiệu quả truy vết khi đạt tỷ lệ 50% dân số sử dụng. Hiện tại, tỷ lệ này đạt khoảng 30%.

Dù chưa đạt được số người dùng như kỳ vọng, đại diện Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc cài đặt Bluezone trước mắt giúp người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, đồng thời giúp phát hiện thêm các F1, F2 trong trường hợp cần thiết. "Khi cộng đồng người dùng đủ lớn, hiệu quả của các ứng dụng công nghệ sẽ được thấy rõ", đại diện Cục nói.

Trên thực tế, không phải toàn bộ số người tải về đều là người sử dụng. Trong số những người tải Bluezone về điện thoại, có người tải từ những đợt dịch trước nhưng sau đó không tiếp tục dùng, xóa ứng dụng; có người sử dụng không đúng cách, như tắt Bluetooth, đóng ứng dụng chạy ngầm. Những yếu tố này dẫn đến số lượng người dùng hoạt động thực tế thấp hơn so với tổng lượt tải được ghi nhận.

Về phía người dùng, nhiều vấn đề của Bluezone đã được chỉ ra. "App còn nhiều lỗi, mong được sửa sớm", "ứng dụng liên tục thông báo, mà bấm vào lại không đọc được", "điện thoại tôi nhanh hết pin hơn sau khi cài ứng dụng này"... là những bình luận xuất hiện nhiều trên trang đánh giá ở Apple Store và Play Store. Trong bài viết về Những bất cập trong các ứng dụng phòng chống dịch, nhiều độc giả cũng phản ánh về những vấn đề tương tự, gây băn khoăn khi muốn sử dụng ứng dụng truy vết này.

"Mình cài Bluezone nhưng 'ngốn' pin quá và spam thông báo rất nhiều. Hy vọng đội ngũ phát triển có thể điều chỉnh lại", độc giả Quang Duy viết.

Độc giả Nhật Thanh cho biết xung quanh anh nhiều người tải xong không dám bật vì sợ Bluetooth làm tốn pin và nghĩ "F0 sẽ chừa mình ra". Anh cũng đề nghị Bluezone cần đưa ra thêm những hiệu quả của ứng dụng, để người dùng thấy được lợi ích hơn là việc "tốn pin, nóng máy" không có cơ sở.

Ngoài ra, nhiều người thắc mắc về tính hiệu quả của Bluezone. "Ứng dụng không hiển thị lịch sử tiếp xúc nữa, chẳng biết nó có chạy thật sự không", người dùng tên Minh Sang đặt câu hỏi. Các bình luận về vấn đề này cũng liên tục xuất hiện thời gian gần đây, đặc biệt sau khi phiên bản mới không còn hiển thị lịch sử tiếp xúc, khiến nhiều người hiểu nhầm ứng dụng không hoạt động.

Bluezone là giải pháp bắt buộc

Dù gặp phải nhiều thách thức trong việc thu hút người dùng, theo đại diện Bộ Thông tin Truyền thông, "ứng dụng công nghệ là giải pháp buộc phải thực hiện để phòng chống dịch". Công nghệ bắt buộc cũng là một trong ba mũi tấn công dịch được Chính phủ đưa ra, bên cạnh xét nghiệm chủ động và vắc-xin quyết định.

Trong công nghệ truy vết, giải pháp dùng sóng Bluetooth như Bluezone hiện nay là giải pháp tối ưu để vừa đảm bảo hiệu quả, vừa đảm bảo quyền riêng tư cho người dùng. Việc "tốn pin, nóng máy" cũng chỉ được ghi nhận ở một số ít người. Đơn vị phát triển khẳng định ứng dụng sử dụng Bluetooth năng lượng thấp, nên chỉ tiêu hao ít hơn 10% pin trên máy dù bật cả ngày.

Ngoài ra, mới đây, Bluezone cũng bổ sung thêm các tính năng, như khai báo y tế, quét mã QR, trong bối cảnh các điểm công cộng được yêu cầu gắn mã QR để kiểm soát người ra vào cũng như khai báo y tế. Với các tính năng mới, các chuyên gia cũng kỳ vọng Bluezone được mở thường xuyên hơn và tăng lượng người dùng hoạt động.

Nhiều biện pháp khuyến khích cài Bluezone đã được thực hiện trong thời gian qua, như nhắn tin, gọi điện hướng dẫn người dân tại các vùng dịch cài ứng dụng. Tại Bắc Giang và Bắc Ninh, các phương pháp này đã phát huy hiệu quả, giúp tăng thêm hàng trăm nghìn lượt sử dụng Bluezone trong hơn 10 ngày.

Ở Việt Nam, Bluezone đã phát huy tác dụng tại Đà Nẵng và Hải Dương, hai tỉnh thành có tỷ lệ người sử dụng Bluezone/dân số lớn nhất cả nước (đều đạt trên 40%). Trong các đợt dịch trước ở đây, ứng dụng truy vết nhiều lần giúp tìm ra các trường hợp F1, mà phương thức khai báo truyền thống có thể bỏ sót. Các trường hợp bỏ sót đến từ việc người dùng không nhớ, hoặc khi đến nơi công cộng, không biết mình đã tiếp xúc với ai, nhưng Bluezone có thể ghi nhận được.

Ứng dụng truy vết đã giúp nhiều quốc gia phòng chống dịch thành công. Tại Singapore, người dân nước này sử dụng TraceTogether - giải pháp tương tự Bluezone của Việt Nam. Khi lượng người dùng đạt 80% dân số vào tháng 1/2021, thời gian truy vết các F1, F2 với một ca dương tính Covid-19 tại Singapore giảm từ 4 ngày xuống bằng giờ. Ngoài ra, nước này cũng ứng dụng giải pháp dùng thiết bị đeo TraceTogether Token, có tác dụng tương tự ứng dụng truy vết, nhưng không cần smartphone.

Theo vnexpress.net