Thứ 6, 22/11/2024, 12:39[GMT+7]

Huyện Văn Chấn (Yên Bái): Quyết tâm tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 7, 12/06/2021 | 10:44:07
787 lượt xem
Ngay sau khi huyện Văn Chấn tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Một trong những khâu đột phá là quyết tâm thực hiện thành công Đề án Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Văn Chấn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện vào cuộc sống (Ảnh: Hiếu Anh)

Theo đó, Đề án đã đặt ra 3 mục tiêu cụ thể, gồm:

Thứ nhất: Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đối với 05 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 01 xã nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn 2016 - 2020. Xây dựng thêm 03 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao và xây dựng 03 xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Thứ hai: Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, để trên địa bàn huyện có 80% số xã (17/21 xã) đạt chuẩn nông thôn mới và các xã còn lại đạt từ 14 tiêu chí trở lên (4 xã). Cụ thể thời gian phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới của 11 xã như sau: Năm 2021 hoàn thành 03 xã (Tú Lệ, Sơn Lương, Minh An); Năm 2022 hoàn thành 02 xã (Nậm Búng, Gia Hội); Năm 2023 hoàn thành 02 (Bình Thuận, Suối Giàng); Năm 2024 hoàn thành 03 (Nậm Lành, Suối Bu, Cát Thịnh); Năm 2025 hoàn thành 01 (An Lương). Đồng thời phấn đấu xây dựng 4 xã đạt từ 14 tiêu chí trở lên gồm các xã: Nậm Mười, Sùng Đô, Suối Quyền, Nghĩa Sơn.

Thứ ba: Hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới cấp huyện giai đoạn 2026 - 2030 để đăng ký huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2030 đảm bảo hệ thống giao thông từ huyện đến trung tâm xã, đường liên xã được cứng hóa đạt 100%, tỷ lệ đường thôn, liên thôn được cứng hóa đạt 75%; thu nhập của người dân nông thôn đạt 1,5 lần so với năm 2025; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50%; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12%; nâng cao chất lượng y tế, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phấn đấu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 85%; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao mức hưởng thụ đời sống tinh thần cho nhân dân; môi trường sinh thái được đảm bảo; hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đội ngũ cán bộ đạt tiêu chuẩn có năng lực và bản lĩnh chính trị vững vàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Để thực hiện được 3 mục tiêu, Đề án đã đề xuất 9 nhóm giải pháp, trong đó chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành là giải pháp quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định. Để làm được việc đó, huyện huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện theo các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Công tác chỉ đạo triển khai xây dựng nông thôn mới phải thực hiện đồng bộ, toàn diện đối với tất cả các xã trên địa bàn huyện. Thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng nông thôn mới theo hướng: Các cơ quan cấp huyện tập trung vào nội dung kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao vai trò, trách nhiệm điều phối của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới huyện. Chuyển mạnh nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của Chương trình cho Ban Chỉ đạo cấp xã đảm nhiệm; phát huy vai trò chủ động sáng tạo của người dân để thực sự là chủ thể trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền vận động để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung tư tưởng chỉ đạo, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, của huyện về xây dựng nông thôn mới, gắn với đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới chính là để phục vụ chính mình. Tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại; tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Đồng thời huyện tăng cường thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân. Khuyến khích hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp, phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất hình thành chuỗi giá trị phù hợp. Mỗi xã cần phải xác định được những sản phẩm, ngành nghề chủ lực, thế mạnh của địa phương mình, từ đó có giải pháp và lộ trình cụ thể để tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả theo chuỗi giá trị gắn với hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, góp phần tạo sự chuyển biến trong tư duy và cách thức tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả cao cho người dân khu vực nông thôn.

Huyện Văn Chấn quyết tâm cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện phải vào cuộc với tinh thần cao nhất để thực hiện thành công các nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XX của huyện đã đề ra, trong đó có Đề án Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó xây dựng huyện Văn Chấn thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn, phát triển nhanh, hài hòa và bền vững./.

Theo daihoi13.dangcongsan.vn