Thứ 7, 27/04/2024, 03:32[GMT+7]

Nam Định: “Chìa khóa” xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu

Thứ 5, 08/07/2021 | 13:49:30
563 lượt xem
Chương trình OCOP theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, tăng số lượng gắn với xây dựng thương hiệu là một trong những giải pháp mang tính “đột phá” quan trọng thực hiện tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu.

Sản phẩm "Tinh bột nghệ" của gia đình chị Vũ Thị Biển, xóm 5, xã Hải Anh (Hải Hậu) được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao.

Tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP

Hải Hậu là huyện dẫn đầu tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình OCOP với 67 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (4 sản phẩm 4 sao, 63 sản phẩm 3 sao). Các sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, 4 sao của Hải Hậu có chất lượng tốt; mẫu mã, nhãn hiệu sản phẩm, hàng hóa đa dạng và là sản phẩm tiêu biểu của các địa phương, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Đồng chí Đỗ Hải Điền, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết: Triển khai thực hiện Chương trình OCOP, huyện Hải Hậu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh hướng dẫn các đơn vị thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP một cách nghiêm túc, bài bản; khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia. Trong 67 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, có 26 sản phẩm ngành thủy sản. Đây là “quả ngọt” từ thực hiện chủ trương phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển, cụ thể hóa các giải pháp “đúng và trúng” trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện nay, huyện có 45 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, với diện tích trên 1.100ha. Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh toàn huyện đạt 650ha (Nuôi thâm canh cho lãi bình quân từ 500- 600 triệu đồng/ha/năm, gấp 4-6 lần so với nuôi quảng canh; nuôi bán thâm canh cho lãi bình quân từ 250-300 triệu đồng/ha/năm). Có trên 200 ao nuôi với diện tích trên 25ha ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chăm sóc ao nuôi (như lắp đặt camera giám sát xung quanh bờ ao, lắp đặt thiết bị cho ăn, điều khiển quạt nước từ xa…) nên đã giảm được chi phí nhân công, nâng cao hiệu quả quản lý ao nuôi. Toàn huyện có 12 trại sản xuất và cung ứng giống, trong đó, 7 trại chuyên sản xuất ngao giống tại các xã Hải Phúc, Hải Đông, Hải Lý, thị trấn Thịnh Long... đã sản xuất được trên 10 tỷ con ngao giống/năm, xuất bán cho người nuôi ngao tại Giao Thủy, Nghĩa Hưng và các tỉnh ngoài. Để nâng cao chất lượng Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Chương trình hành động số 07-CTr/HU ngày 13 tháng 5 năm 2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, có giải pháp phát triển sản phẩm OCOP mới, đảm bảo mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 chuỗi liên kết hiệu quả, bền vững và có ít nhất 1 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; đồng thời nâng cấp một số sản phẩm OCOP để đạt tiêu chuẩn 5 sao. Xây dựng và nhân rộng nhanh mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, an toàn. Ứng dụng nhanh, đồng bộ cơ giới hóa vào các khâu sản xuất chủ yếu. Hỗ trợ doanh nghiệp, các làng nghề xây dựng sản phẩm OCOP trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Hỗ trợ cấp chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các cơ sở chế biến thủy sản và tạo điều kiện để tham gia hiệu quả vào chu trình OCOP, để đến năm 2025 có trên 50 sản phẩm OCOP thủy sản, trong đó có ít nhất 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Tại Trực Ninh, triển khai Chương trình OCOP, các xã, thị trấn trong huyện bước đầu phát triển được các sản phẩm chủ lực có tiềm năng, lợi thế phát triển của địa phương. Bên cạnh kết quả đạt được, Chương trình mỗi xã một sản phẩm của huyện còn gặp khó khăn, hạn chế. Số lượng sản phẩm tham gia chương trình OCOP còn ít; các sản phẩm nông nghiệp chưa được chế biến sâu vì vậy khó tham gia vào chương trình OCOP... Sản xuất nông nghiệp còn phân tán, manh mún, nhỏ lẻ; chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, chủ yếu vẫn là sản xuất nông hộ, chất lượng sản phẩm còn thấp, khả năng cạnh tranh hạn chế. Nguồn lực thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn rất ít; các sản phẩm nông nghiệp chưa được chế biến sâu vì vậy khó tham gia vào chương trình OCOP... Nhận thức rõ các hạn chế nêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng Chương trình phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có khoảng 40 sản phẩm OCOP; mỗi xã, thị trấn phải có ít nhất một sản phẩm OCOP. Để thực hiện mục tiêu trên, huyện đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với đề án, lựa chọn quy hoạch các vùng sản xuất có điều kiện tự nhiên thuận lợi làm địa điểm thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp. Trước mắt, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp đang liên kết sản xuất trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực có tỷ trọng lớn và lợi thế của huyện để xây dựng sản phẩm OCOP. Lựa chọn bộ giống cây trồng, con nuôi đặc trưng có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao thích ứng với biến đổi khí hậu cho các sản phẩm chủ lực. Nhân rộng mô hình sản xuất giống cây trồng, con nuôi của Công ty TNHH Cường Tân (xã Trực Hùng), Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Phúc Hải (các xã Phương Định, Liêm Hải) và các cơ sở ngành nghề nông thôn tại địa phương để hình thành các sản phẩm OCOP mang bản sắc quê hương Trực Ninh.

“Chìa khóa” xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu

Nam Định là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện Chương trình OCOP. Trong chỉ đạo thực hiện UBND tỉnh định hướng các ngành, các địa phương cần nhận thức mục tiêu trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Đến 1-7-2021, toàn tỉnh có 172 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình; có 146 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP các hạng 3 sao và 4 sao. Về cơ cấu sản phẩm OCOP, có 135 sản phẩm OCOP thuộc ngành thực phẩm (chiếm 92,4%); 7 sản phẩm thuộc ngành đồ uống (4,8%); 2 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ (1,4%); 2 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn (1,4%).

Đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Ngày 19-3-2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND thực hiện Chương trình OCOP trong năm 2021. Theo đó, xác định sản phẩm OCOP là nội dung quan trọng của tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; là nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài của chính quyền địa phương. Phát triển các sản phẩm OCOP đa dạng hóa, nâng cao chất lượng theo 6 ngành hàng (Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; thủ công mỹ nghệ trang trí; vải, may mặc; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch). Năm 2021 toàn tỉnh phấn đấu có từ 60 sản phẩm trở lên được công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; đến hết năm 2025 toàn tỉnh có trên 300 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên.

Để triển khai Chương trình OCOP đạt mục tiêu đề ra, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP; đưa tin tuyên truyền các nội dung, ý nghĩa Chương trình OCOP và xây dựng phóng sự về kết quả thành công của một số sản phẩm OCOP. Thường xuyên thông tin trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của các sở, ngành về kết quả triển khai Chương trình. Các chủ thể có sản phẩm cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn để tiếp tục nâng cấp sản phẩm hướng tới đạt hạng cao hơn tại các kỳ đánh giá tiếp theo. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trên các kênh truyền thông; tăng cường kết nối sản phẩm OCOP của tỉnh với các sàn thương mại điện tử. Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP. Hỗ trợ xây dựng, thiết lập mã QrCode, đăng ký sở hữu trí tuệ, hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã bao bì và tem nhãn hàng hóa đúng quy định. Thực hiện quản lý giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, thị trấn: tăng cường công tác chỉ đạo rà soát và có phương án khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng phát triển sản phẩm OCOP; xác định sản phẩm OCOP là tiêu chí đánh giá đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tại địa phương; phân công lãnh đạo theo dõi, quản lý công tác triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại địa phương./.

Theo baonamdinh.com.vn