Thứ 6, 22/11/2024, 16:09[GMT+7]

Làn gió mới ở những xã nghèo

Thứ 3, 20/07/2021 | 09:58:21
746 lượt xem
Gặp nhiều khó khăn khi bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM) bởi địa bàn rộng, dân cư phân tán, tỷ lệ hộ nghèo cao, song bằng cách làm phù hợp, sáng tạo, diện mạo tại các xã nghèo đang có sự khởi sắc. Phong trào xây dựng NTM như làn gió mới giúp các xã nghèo thu hẹp khoảng cách với miền xuôi, đời sống của người dân no ấm, đủ đầy hơn.

Vóc dáng nông thôn mới ở xã Long Sơn, huyện Sơn Động

Thay đổi nhận thức

Gần chục năm trước, mỗi khi nhắc đến xã Dương Hưu, huyện Sơn Động (Bắc Giang), nhiều người ái ngại bởi tuyến đường từ Tỉnh lộ 279 vào xã nhỏ hẹp, quanh co, mặt đường lởm chởm đất đá và bụi cuốn mù mịt… Đến trung tâm xã đã vậy, đường về các thôn còn gian nan gấp bội, do phần lớn chỉ là các lối mòn, nhiều đoạn xe máy phải chật vật mới có thể di chuyển. Vào mùa mưa, sau mỗi trận mưa, nhiều thôn bị cô lập; hầu hết các thôn không có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, mỗi khi tổ chức hội họp phải mượn tạm nhà dân làm địa điểm.

Đường đi khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn là vậy, dẫu không nói cũng có thể hình dung cuộc sống người dân nơi đây khó khăn thế nào, tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn cao... ngất ngưởng. “Người dân còn phải lo ăn từng bữa nói gì đến đóng góp đểxây dựng NTM. Để thay đổi nhận thức của đồng bào, làm cho mọi người hiểu rồi tin theo chủ trương xây dựng NTM không hề dễ và là câu hỏi khó đối với những người đứng đầu địa phương”, ông Lã Xuân Giang, Chủ tịch UBND xã Dương Hưu chia sẻ.

Thổi luồng gió NTM đến khắp các ngõ, xóm, lãnh đạo xã đến từng thôn, vào từng nhà tuyên truyền, vận động người dân chung tay. Nêu gương, từng cán bộ, đảng viên vận động gia đình, người thân hiến hàng trăm mét vuông đất cùng nhiều cây xanh các loại để mở rộng trục đường chính dẫn vào khu di tích lịch sử trận đánh bắn rơi máy bay Mỹ tại thôn Thán cũng như một số tuyến đường khác trong thôn, xã.

Thấy cán bộ làm, bà con cũng làm theo, tạo thành phong trào chung trong toàn xã. Chỉ trong 3 năm qua, người dân trong xã đã hiến gần 4.400m2 đất nông nghiệp, hơn 11.500mđất lâm nghiệp cùng gần 4.000 cây các loại xây dựng NTM. Kết thúc năm ngoái, xã Dương Hưu hoàn thành 12/19 tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí khó, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 20% (năm 2015 hơn 50%).

“Dù không trong kế hoạch về đích ở giai đoạn 2021 - 2025, song tại các buổi vận động bầu cử vừa qua, nhiều cử tri của xã đều mong muốn địa phương tập trung cao để hoàn thiện các tiêu chí còn lại. Không chỉ thay đổi nhận thức, nhiều người còn sẵn sàng hiến đất, cây trồng để mở rộng đường làng, xây dựng bãi tập kết, xử lý rác thải… Đây chính là động lực để Dương Hưu phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2024”, ông Lã Xuân Giang nói.

Không chỉ ở Dương Hưu, có dịp đi thực tế tại các thôn, bản khó khăn mới thấy những thay đổi từ nhận thức đến hành động của đồng bào các dân tộc thiểu số trong xây dựng NTM. Về xã Đồng Cốc (Lục Ngạn) hôm nay, nhìn khung cảnh nhà cửa khang trang, đường bê tông sạch sẽ trải dài đến các ngõ xóm, cây cối xanh tươi, trù phú, ít ai nghĩ cách đây 3 năm, địa phương này vẫn là một trong những xã nghèo của huyện.

Vùng sản xuất chè sạch tại bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế. (Ảnh: AT) 

Khi được hỏi, động lực nào để Đồng Cốc thay da đổi thịt, Chủ tịch UBND xã Lưu Văn Phú cho biết, khi có chủ trương hỗ trợ xi măng làm đường giao thông, xã tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân góp công, góp của thực hiện. Nhờ đó từ một xã “trắng” về đường bê tông (ngoại trừ tuyến đường trục chính của xã), đến nay tất cả trục xã, thôn và hầu hết đường ngõ xóm được cứng hóa; các thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,32%, giảm hơn 61 so với năm 2011... Thành quả ấy góp phần đưa Đồng Cốc cán đích NTM vào năm 2020, sớm hơn kế hoạch 4 năm.

Tương tự, ít ai nghĩ bản Đồng Vương, xã Đồng Vương - xã đặc biệt khó khăn duy nhất của huyện Yên Thế cũng đã cán đích vào cuối năm ngoái, sau hơn 2 năm đặt ra mục tiêu. Theo Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Nguyễn Văn Trang, xuất phát chính từ sự thay đổi về nhận thực của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, bản đã vượt mục tiêu đề ra.

Theo đó, 10 đảng viên trong bản được giao phụ trách từng nhóm hộ, chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay. Đặc biệt, cán bộ, Nhân dân thống nhất khởi động lại tiếng kẻng triệu tập dân bản. “Tiếng kẻng như một lời hiệu triệu với đồng bào. Mỗi khi có một chủ trương mới, một nội dung cần tập trung thực hiện, Trưởng bản sẽ đánh kẻng và dù đang đi làm rừng hay bận việc gia đình, các hộ đều cử đại diện có mặt và sẵn sàng “xắn tay” tham gia mọi phần việc”, anh Nguyễn Văn Trang chia sẻ.

Thu hẹp khoảng cách vùng miền

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, đến hết tháng 6 năm nay, toàn tỉnh có 127/184 xã có quyết định công nhận đạt chuẩn, trong đó chỉ có 29 xã thuộc các huyện miền núi: Lục Nam, Lục Ngạn và Yên Thế. Tuy nhiên, chưa có xã nào tại địa bàn đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, dù số địa phương vùng khó khăn được công nhận đạt chuẩn không nhiều, song từ phong trào này đã mang đến những luồng gió mới về sự đổi thay. Minh chứng sống động nhất là trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm bình quân 5,2%/năm, hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 7,2%/năm, nhiều xã giảm hơn 9%/năm. Dù tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương này còn cao so với mặt bằng chung song những đổi thay tích cực về diện mạo cũng như đời sống người dân đã cho thấy hiệu ứng tích cực từ phong trào xây dựng NTM.

Căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tiễn, các địa phương đã sử dụng, khai thác hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ. Ví như ở huyện Yên Thế, từ các nguồn, 5 năm qua, huyện hỗ trợ 5 xã đặc biệt khó khăn (Canh Nậu, Đồng Vương, Đồng Tiến, Đồng Hưu và Tiến Thắng) 147 tỷ đồng. Tiếp tục đồng hành cùng các xã, 5 năm tới huyện tiếp tục dành gần 120 tỷ đồng từ ngân sách địa phương xây dựng 40 nhà văn hóa thôn, bản; 45 khu thể thao thôn, bản cùng 130km kênh mương nội đồng cho các địa bàn khó khăn.

Còn tại huyện Sơn Động, với quyết tâm “xóa trắng” xã đạt chuẩn NTM, lần đầu tiên Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có 4 xã đạt chuẩn, bình quân tiêu chí tăng lên 17 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 15 tiêu chí.

Bí thư Huyện ủy Sơn Động Ngụy Văn Tuyên cho biết: “Sau khi xã Tuấn Đạo (cũ) đạt chuẩn vào năm 2015, việc xây dựng NTM trên địa bàn gần như “đóng băng”, huyện không đưa ra mục tiêu cụ thể, các xã có tư tưởng trông chờ vào nguồn hỗ trợ nên thiếu năng động, sáng tạo. Khắc phục tình trạng này, Huyện ủy sẽ có những chỉ đạo sát sao, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện, đặc biệt ưu tiên cho đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hơn… Tuy nhiên để hoàn thành chương trình, mỗi người dân cần chung sức, từ đó tạo diện mạo mới ngay từ gia đình, ngõ xóm”.

Để tiếp sức cho các xã nghèo về đích NTM, cùng với nguồn hỗ trợ, nỗ lực của các địa phương, hằng năm, tỉnh bố trí kinh phí, quan tâm hoàn thiện hạ tầng; trong đó sẽ có những chính sách đột phá, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng cao, miền núi; thu hẹp khoảng cách miền núi với miền xuôi./.

Theo baodantoc.vn