Thứ 5, 28/03/2024, 17:15[GMT+7]

Pác Nặm xây dựng Nông thôn mới: Tìm giải pháp trong khó khăn

Thứ 5, 22/07/2021 | 10:23:14
511 lượt xem
Nguồn lực đầu tư nhỏ lẻ, địa hình chia cắt mạnh, các mô hình hỗ trợ sản xuất chưa thực sự hiệu quả,... là những rào cản trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Giải quyết được những vấn đề này, các xã ở huyện Pác Nặm mới có thể "về đích" nông thôn mới.

Những năm qua, nhu cầu vốn đầu tư cho huyện Pác Nặm là rất lớn. Tuy nhiên, việc huy động, đối ứng nguồn lực để xây dựng NTM tại địa phương còn hạn hẹp

Ưu tiên tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp

Theo kế hoạch, xã Bộc Bố, huyện Pắc Nặm đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2021. Ông Quách Văn Thuyết, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bộc Bố thông tin, để "về đích", Đảng ủy, UBND xã Bộc Bố đã có nhiều cuộc họp bàn về triển khai các giải pháp trong điều kiện thực tế khó khăn; trong đó có việc Đảng uỷ xã ra nghị quyết về việc phân công đảng viên giúp đỡ các xóm, hộ thoát nghèo, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm.

"Xã lựa chọn giống cây, con phù hợp mùa vụ, phù hợp nhu cầu của bà con, đầu tư đúng tiến độ thời gian và phối hợp với ngành chức năng tìm kiếm thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Nếu thực hiện tốt vấn đề này, các tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo sẽ đạt, Bộc Bố sẽ có cơ hội để về đích NTM trong năm nay”, ông Quách Văn Thuyết chia sẻ.

Tuy nhiên, trên thực tế đây vẫn là nội dung khó khăn nhất mà xã chưa giải quyết được. Một phần nguyên nhân là mô hình hỗ trợ sản xuất chưa hiệu quả do nhiều yếu tố, trong đó có ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Như ở xóm Nà Hoi, xã Bộc Bố, có ba hộ dân vay vốn ngân hàng để nuôi trâu vỗ béo. Nếu không có dịch bệnh, chợ trâu Nghiên Loan được hoạt động, các hộ dân có thể bán trâu để trang trải cuộc sống, thậm chí mở hướng thoát nghèo. Chưa bán được trâu đồng nghĩa với ba hộ dân Nà Hoi không có thu nhập, trong khi vẫn phải lo trả nợ ngân hàng.

Anh Sùng A Páo, người dân xóm Nà Hoi đề xuất: “Nếu ngân hàng cho hoãn hoặc giãn nợ thì chúng tôi sẽ bớt khó khăn hơn. Hoặc chính quyền xã, huyện có giải pháp về đầu ra cho nông sản, gia súc thì việc xóa đói giảm nghèo là hoàn toàn có cơ sở. Những điều này sẽ tạo động lực để chúng tôi tiếp tục phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.

Tại xã Giáo Hiệu, bà Vy Thị Hoán, Phó Chủ tịch UBND xã băn khoăn:  Xuất phát điểm về điều kiện, mức sống của người dân còn thấp, nguồn lực đầu tư thiếu nên về đích NTM cần có lộ trình, thời gian thực hiện. Hiện xã cũng đã đạt được 15 tiêu chí và đang cố gắng củng cố, duy trì kết quả của các tiêu chí này.

Trao đổi với chúng tôi, chị Tô Thị Niên, xóm Nà Khiên, cho biết: Với các chương trình hỗ trợ sản xuất của Nhà nước, người dân có cơ hội để vươn lên thoát nghèo từ các loại cây con. Nhưng khó nhất là tiêu thụ sản phẩm. Như gia đình chị, được hỗ trợ trồng gừng, nhưng  gừng thu hoạch được rồi, không có đơn vị nào thu mua, phải tự mang ra chợ bán nhỏ lẻ. 

"Tôi mong rằng, chính quyền sớm có giải pháp tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Như vậy, chúng tôi mới yên tâm mở rộng diện tích và cơ cơ hội để thoát nghèo", chị Niên mong muốn.

Theo bà Vy Thị Hoán, Phó Chủ tịch UBND xã Giáo Hiệu, để đạt các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo (hai tiêu chí khó nhất đối với nhiều xã NTM), xã sẽ đề xuất cơ chế lồng ghép Chương trình NTM với các chương trình giảm nghèo; trong đó bám sát định hướng của huyện để thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Trước mắt, xã đầu tư hỗ trợ bà con tiếp tục trồng các giống cây gừng, cây nghệ; quan tâm hỗ trợ việc kết nối tìm thị trường đầu ra ổn định hơn, đặt mục tiêu đưa 21 hộ thoát nghèo trong năm 2021.

Quyết tâm về đích

Từ thực tế địa phương, đến nay, huyện Pác Nặm chưa có xã nào đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, công bằng mà nói, dù xuất phát điểm thấp, nhưng sau 10 năm xây dựng NTM, huyện Pác Nặm đã đạt được những kết quả nhất định: Kết cấu hạ tầng được chú trọng đầu tư; kinh tế nông thôn có bước phát triển. Tuy nhiên, hiện tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện vẫn còn trên 36%; tỉ lệ hộ cận nghèo vẫn còn trên 15% (cuối năm 2020), với nguy cơ tái nghèo cao, hiện đang là thách thức đối với địa phương này. 

Năm 2021, huyện đang phấn đấu đưa xã Bộc Bố và Giáo Hiệu về đích NTM, bởi đây là hai xã có tiềm năng, điều kiện hơn để có thể về đích NTM; 8 xã còn lại của huyện Pác Nặm mới chỉ đạt từ 5-9 tiêu chí.

Song như đã đề cập, “điểm nghẽn” cản trở các xã về đích NTM của Pác Nặm nằm  ở hai tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Nguyên nhân một phần ở chính quyền cơ sở chưa năng động, chưa quyết liệt trong các giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân, chưa thực sự tìm được loại cây, con có thế mạnh, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, như việc hai xã Bộc Bố và Giáo Hiệu, khuyến khích người dân nuôi trâu bò vỗ béo; phát triển diện tích cây nghệ... trong khi chưa giải được bài toán đầu ra.

Theo ông Nguyễn Đình Điệp, Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm, những năm qua, nhu cầu vốn đầu tư cho huyện Pác Nặm là rất lớn. Tuy nhiên, việc huy động, đối ứng nguồn lực để xây dựng NTM tại địa phương còn hạn hẹp, chủ yếu trông chờ nguồn lực cấp trên.

 Để thúc đẩy quá trình xây dựng NTM trên địa bàn, thời gian tới, Pác Nặm sẽ tranh thủ các nguồn lực đầu tư, vận động các mạnh thường quân tham gia cùng đồng bào các dân tộc huyện Pác Nặm chung tay xây dựng NTM; trong đó chú trọng vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức chính trị, đoàn thể trong việc lãnh đạo, tổ chức và vận động Nhân dân nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế thoát nghèo, cùng chung tay xây dựng NTM. 

"Đồng thời, huyện cũng rà soát các nguồn vốn đã được giao năm 2020 đang triển khai trên địa bàn huyện để tập trung hỗ trợ thực hiện xã, thôn đạt chuẩn NTM. Quan tâm chỉ đạo phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động để thực hiện tốt nhóm tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất...", Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm thông tin thêm.

Theo baodantoc.vn