Thứ 7, 23/11/2024, 05:59[GMT+7]

Thanh Hoá: Xây dựng nông thôn mới ở xã Quảng Minh

Thứ 2, 30/08/2021 | 14:02:58
626 lượt xem
Xã Quảng Minh (TP Sầm Sơn) bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2011, với xuất phát điểm thấp. Vốn là xã thuần nông nhưng sản xuất nhỏ lẻ, đồng ruộng manh mún; các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản còn thiếu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; dịch vụ, ngành nghề nông thôn chưa đa dạng, quy mô nhỏ...

Trường Mầm non Quảng Minh được đầu tư xây dựng khang trang.

Do vậy, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 10,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 24% (năm 2010). Sau khi rà soát theo Bộ tiêu chí NTM, xã mới đạt 6/19 tiêu chí; các tiêu chí còn lại thuộc nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội, cần nguồn vốn lớn để thực hiện... Với tinh thần nhìn thẳng vào những khó khăn nội tại để tìm giải pháp tháo gỡ; đồng thời, phát huy tối đa các lợi thế, đặc biệt là hệ thống chính trị vững mạnh, tinh thần đoàn kết nội bộ và đặc biệt là sự đồng thuận, thống nhất cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; qua 10 năm triển khai xây dựng NTM, xã Quảng Minh đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng.

Với phương châm “Phát huy nội lực là chính, lấy Nhân dân làm chủ thể trung tâm trong xây dựng NTM”, đảng ủy, HĐND, UBND xã chú trọng đa dạng hóa các nguồn lực, thông qua việc lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, kêu gọi sự hỗ trợ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; đồng thời, khuyến khích, động viên, khơi dậy tinh thần tự giác, vai trò chủ thể của Nhân dân để cùng chung tay đóng góp xây dựng NTM. Qua đó, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn đạt 241,1 tỷ đồng. Để tạo cơ sở cho việc thúc đẩy sản xuất, cải thiện diện mạo nông thôn, xã Quảng Minh đã ưu tiên đầu tư nguồn lực xây dựng các công trình phục vụ dân sinh và phục vụ sản xuất. Theo đó, từ năm 2011 đến 2019, xã đã nhựa hóa và bê tông hóa được 8,4 km đường trục xã và liên thôn; bê tông và cứng hóa 14,86 km đường thôn xóm; 4,1 km đường chính nội đồng. Cùng với đó, đầu tư xây dựng khu trung tâm xã khang trang; cải tạo, nâng cấp, xây mới nhà văn hóa, trường mầm non, tiểu học, THCS, trạm y tế, trung tâm văn hóa – thể thao xã, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ... với tổng vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng.

Với mục tiêu xây dựng NTM để nâng cao đời sống Nhân dân, việc phát triển sản xuất, tăng thu nhập và chuyển đổi cơ cấu lao động được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định là nhiệm vụ cốt lõi. Theo đó, trong nông nghiệp, địa phương chú trọng chuyển đổi ruộng đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình cá – lúa; chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng (như ếch, gà), vật nuôi (như cây thanh long ruột đỏ); khuyến khích tăng quy mô sản xuất, phát triển HTX, trang trại, gia trại; đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... Đặc biệt, vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hiện chiếm 90% tổng diện tích đất sản xuất lúa, với năng suất đạt từ 60 tạ/ha trở lên. Ngoài ra, xã Quảng Minh cũng chú trọng đa dạng hóa các ngành nghề nông thôn như dịch vụ thương mại, vận tải, mộc, cơ khí, xây dựng... Nhờ đó, bình quân thu nhập đầu người đã tăng từ 10,8 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên 41,7 triệu đồng/người/năm (năm 2019).

Cùng phát triển kinh tế - xã hội, việc đầu tư cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường cũng được xã Quảng Minh quan tâm. Trong đó, địa phương hết sức chú trọng sự nghiệp giáo dục, nhằm nâng cao dân trí và khơi dậy truyền thống hiếu học. Đến nay, 3/3 trường (mầm non, tiểu học, THCS) đạt chuẩn quốc gia, 100% giáo viên đạt chuẩn; công tác khuyến học, khuyến tài được triển khai rộng khắp. Đặc biệt, năm 2017, địa phương có 1 học sinh đạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế môn Hóa học... Để tạo dựng diện mạo NTM mới sạch, đẹp, văn minh, thì thực hiện tiêu chí 17 về môi trường được xem là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, từ năm 2016, xã đã thành lập HTX dịch vụ môi trường để gom và ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ môi trường để vận chuyển rác về nơi tập kết. Ngoài ra, xã cũng giao các tuyến đường tự quản cho các đoàn thể chính trị - xã hội để quản lý và bảo vệ môi trường; huy động Nhân dân thực hiện tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm 1 lần/tuần... Đặc biệt, TP Sầm Sơn đã quy hoạch xây dựng khu nghĩa trang tập trung tại xã Quảng Minh, với quy mô khoảng 40 ha. Việc mai táng, cát táng, quản lý, sử dụng nghĩa trang được thực hiện theo quy định, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn.

Với sự nỗ lực, quyết tâm và tinh thần đoàn kết, chung sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, xã Quảng Minh đã cán đích NTM. Song, để giữ vững các tiêu chí, tiến tới nâng cao cả về lượng và chất của NTM, thì còn nhiều việc phải làm. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Mùi, Chủ tịch UBND xã Quảng Minh, cho biết: Trong quá trình xây dựng NTM, tiêu chí khó nhất vẫn là môi trường, bởi không phải cứ có tiền là làm được, mà cần xuất phát từ ý thức và tinh thần tự giác cao của người dân. Đồng thời, giáo dục không chỉ là tiêu chí cần hoàn thành, mà phải được xác định là chiến lược lâu dài và đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững. Ngoài ra, các tiêu chí khác đều đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng diện mạo NTM trên địa bàn. Để giữ vững các tiêu chí và hướng tới xây dựng NTM nâng cao, địa phương nhất quán phương châm hành động “huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp là quan trọng và sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là cần thiết”.

Theo baomoi.com