Chủ nhật, 05/05/2024, 12:58[GMT+7]

Thấy gì từ những con số?

Thứ 6, 03/09/2021 | 09:21:20
342 lượt xem
Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa bền vững; điều kiện sống của một bộ phận lớn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới vẫn còn khó khăn; hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ đã bao trùm trên tất cả các lĩnh vực nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế… Đây là thực tế được chỉ ra sau 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14-1-2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc, đòi hỏi phải có giải pháp đột phá, thúc đẩy lĩnh vực công tác dân tộc trong tình hình mới.

Điều kiện sống của đồng bào các DTTS rất ít người còn rất khó khăn Trong ảnh: Một hộ đồng bào dân tộc Mảng ở xã Vàng San, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu được sử dụng nước sạch. Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021. Ảnh: Tùng Nguyên

Giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững

Hiện, số hộ nghèo là đồng bào DTTS vẫn chiếm hơn một nửa tổng số hộ nghèo cả nước, nguy cơ tái nghèo luôn thường trực, nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp. Điều này cho thấy, các chính sách về giảm nghèo ở ) ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới này cần có sự điều chỉnh phù hợp.

Khởi sắc vùng khó

Pa Vệ Sử là xã vùng cao, biên giới của huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), có trên 30km đường biên giới. Toàn xã có 679 hộ, với khoảng 2.595 nhân khẩu, sinh sống tại 12 bản. Trong đó, dân tộc La Hủ chiếm 90,2% dân số, dân tộc Mảng chiếm 4,0%, còn lại là một số dân tộc khác (Hà Nhì, Thái, Mường, Mông, Kinh...).

Năm 2011, khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), Pa Vệ Sử gần như xuất phát từ con số không. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn nghèo đơn chiều theo năm 2011 theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ) gần như tuyệt đối; thu nhập bình quân đầu người toàn xã chưa đạt 9 triệu đồng/người/năm.

Vậy nhưng, đến hết năm 2020, Pa Vệ Sử đã hoàn thành 13/19 tiêu chí. Mặc dù mức sống của người dân còn thấp so với mặt bằng chung, nhưng thu nhập bình quân đầu người toàn xã cũng đã được nâng lên 21 triệu đồng/người/năm.

Đặc biệt, đời sống của đồng bào La Hủ - một trong 16 DTTS rất ít người, trên địa bàn xã được cải thiện một cách rõ rệt; có nơi còn cao hơn mặt bằng chung của xã. Như ở bản Seo Thèn - bản có 83 hộ (100% là dân tộc La Hủ), hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở đây đã đạt trên 22 triệu đồng/người/năm.

Khởi sắc rõ nét ở Pa Vệ Sử trước hết là nhờ nguồn lực từ các chương trình đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng DTTS và miền núi, nhất là nguồn lực từ chương trình xây dựng NTM và chương trình giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, Pa Vệ Sử còn được trợ sức từ các chương trình, chính sách dân tộc đặc thù, từ đó tạo đột phá trong giảm nghèo.

Đáng chú ý là Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” theo Quyết định 1672/QĐ-TTg, ngày 26-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Thụ hưởng đề án, xã Pa Vệ Sử có thêm nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng (điện lưới, đường giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng…), từ đó, người dân có điều kiện phát triển kinh tế, tăng tốc xóa đói giảm nghèo.

Pa Vệ Sử là một trong rất nhiều địa bàn đặc biệt khó khăn đã “thay da đổi thịt” nhờ các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Nhất là khi có Nghị định 05/2011/NĐ-CP, hàng loạt chính sách đã được ban hành, tập trung thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh ở các địa bàn đặc biệt khó khăn.

Theo Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10-6-2021 của Ủy ban Dân tộc về “Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020” (gọi tắt là báo cáo 732), so với năm 2011, hiện, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn vùng DTTS và miền núi đã tăng 5 lần, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2011-2020 giảm 4,3%/năm. Riêng giai đoạn 2015-2019, đã có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi danh sách huyện 30a; 124/2.139 xã, 1.322/20.176 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Vẫn là vùng “lõi nghèo”

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong giảm nghèo, nhưng tình trạng nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn đang là một thách thức lớn nhất hiện nay. Thống kê của các cơ quan hữu quan gần đây cho thấy, hộ nghèo, hộ cận nghèo của cả nước hiện nay chủ yếu là hộ đồng bào DTTS.

Theo Quyết định số 576/QĐ-LĐTBXH ngày 18-5-2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hết năm 2020, cả nước còn 761.339 hộ nghèo thì có 466.610 hộ là người DTTS (chiếm tỷ lệ 61,29%). Các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục là “lõi nghèo” của vùng DTTS và miền núi khi có tới 284.453 hộ DTTS thuộc diện hộ nghèo.

Vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện vẫn là “lõi nghèo” của cả nước. Trong ảnh: Một góc thôn Khe Sán, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021. Ảnh: Văn Hoa

Đáng chú ý là hộ nghèo đang tập trung ở các DTTS rất ít người. Từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019 của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện, dân tộc Hoa, dân tộc Ngái hầu như không còn hộ nghèo. Ngược lại, dân tộc Co, Xinh Mun, La Hủ, Chứt, Mảng, Pà Thẻn… lại có số hộ nghèo và cận nghèo lên tới 70%.

Trở lại xã Pa Vệ Sử của huyện Mường Tè (Lai Châu) để rõ hơn vấn đề này. Mặc dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện vẫn ở mức 66,1%. Ngay ở bản Seo Thèn của xã Pa Vệ Sử, dù thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc La Hủ đã được nâng lên 22 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của xã, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của bản vẫn chiếm 60% tổng số hộ, đó là chưa tính hộ cận nghèo.

Một vấn đề đáng đáng lưu tâm là, theo báo cáo 732 của Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS trong tổng hộ nghèo cả nước đang gia tăng đáng báo động. Cụ thể, năm 2015, hộ nghèo người DTTS chiếm 45,25% tổng số hộ nghèo cả nước; năm 2016 là 48,22%; năm 2017 là 52,66%; năm 2018 là 55,27%; đến hết năm 2020, tỷ lệ này là 61,29%; trong khi dân số người DTTS chỉ chiếm 14,7% dân số cả nước.

Rõ ràng, tình trạng nghèo của người DTTS đang là thách thức lớn hiện nay. Bên cạnh nghèo về thu nhập thì đồng bào DTTS còn thiếu hụt nhiều chỉ số đo lường khác, theo chuẩn nghèo đa chiều. Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, việc “đạt chuẩn” nhiều chỉ số để thành hộ nghèo sẽ khiến cho việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững ở vùng DTTS và miền núi càng thêm nhiều áp lực.

Theo bienphong.com.vn