Thứ 7, 20/04/2024, 12:23[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới trong vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên: Khi nào lấp đầy “vùng trũng”

Thứ 3, 14/09/2021 | 17:07:49
380 lượt xem
Tại Tây Nguyên, sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các buôn làng đã khoác lên mình diện mạo mới. Đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt, hộ nghèo không ngừng giảm, ngày càng có nhiều hộ kinh tế khá giả... Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn, bằng chứng là Tây Nguyên vẫn là “vùng trũng” trong xây dựng NTM so với mặt bằng chung của cả nước. Do đó, để tiếp tục xây dựng NTM hiệu quả, cần thiết phải có những giải pháp đầu tư ,cũng như thay đổi cách triển khai cho phù hợp với tình hình thực tế đặt ra.

Buôn làng Tây Nguyên ngày càng khang trang

Để xây dựng NTM, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, nhằm huy động sức dân và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, để phát triển kinh tế. Song, dù đã có nhiều nỗ lực và đạt những kết quả bước đầu ấn tượng, nhưng so với cả nước, thì tỷ lệ số xã được công nhận NTM của các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Những thành quả bước đầu 

Xã Ea Ral, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) có 15 thôn, buôn, trong đó đồng bào DTTS chiếm gần 1 nửa. Xuất phát điểm chỉ 2/19 tiêu chí, sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã Ea Ral đã có những chuyển mình rõ rệt. Diện mạo cơ sở hạ tầng nông thôn khởi sắc; đặc biệt, đời sống Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS đã được nâng lên...

Ông A Bul Adrơng ở buôn A Riêng chia sẻ: Buôn mình đã thay đổi rất nhiều, đường sá mở rộng, đổ bê tông sạch đẹp thuận tiện cho bà con đi lại sản xuất, giao thương hàng hóa. Không những có đường đẹp, điện cũng đã chiếu sáng trên mọi nẻo đường nông thôn, đêm đến bà con không còn phải cầm đèn soi đường đi nữa.

Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, xã Ea Ral chú trọng thay đổi hình thức sản xuất, tập trung hỗ trợ sản xuất cho Nhân dân từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Đồng thời, vận động bà con chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên 40 triệu đồng/người/năm.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo nhấn mạnh: Toàn huyện có 7 xã đạt chuẩn NTM, số tiêu chí bình quân đạt 17,4 tiêu chí/xã. Chương trình xây dựng NTM không chỉ thay đổi bộ mặt nông thôn, mà đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ. Sản xuất nông nghiệp chuyển đổi theo hướng bền vững hơn, đa dạng các loại hình tổ chức sản xuất. Tất cả đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang, sạch đẹp.

Cũng nhờ triển khai thực hiện Chương trình NTM hiệu quả, diện mạo nông thôn cũng như đời sống Nhân dân xã Ia Phang, huyện Chư Pưh (Gia Lai) từng ngày khởi sắc. Hệ thống đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, điện lưới kéo đến từng nhà dân, chiếu sáng khắp nẻo đưởng.

Ông Trần Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ia Phang chia sẻ: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, người dân được hưởng lợi cả đời sống vật chất, tỉnh thần. Ở các địa phương cơ sở hạ tầng được bảo đảm, thuận liện cho người dân đi lại và giao thương. Giữ vững tiêu chí NTM và xây dựng NTM nâng cao, xã thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp điều kiện, tình hình mới. Hiện nay, xã đã có 2 sản phẩm OCOP 3 sao cùng nhiều sản phẩm khác đang tiến hành đăng ký. Địa phương cũng tạo điều kiện mở nhiều lớp tập huấn và xúc tiến thương mại giúp dân.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2020, Tây Nguyên có 265 số xã đạt chuẩn NTM, chiếm 43,5%, bình quân đạt 13 tiêu chí/xã. Đến nay toàn khu vực Tây Nguyên có 90% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã và 99,39% thôn, buôn có điện; 100% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt hơn 95%; 100% số xã có trạm y tế, trong đó có 67% số xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia y tế…

Vẫn là “vùng trũng”

Mặc dù có nhiều đổi thay, song khu vực Tây Nguyên vẫn là “vùng trũng” trongxây dựng NTM, với số xã đạt chuẩn NTM chỉ đạt 43,5% so với mặt bằng chung củacả nước là 62%, bình quân đạt 13 tiêu chí/xã so với bình quân cả nước là 16,38tiêu chí/xã và nhiều địa phương trong khuvực còn đối mặt không ít khó khăn.

Đơn cử, Ea Súp là một trong những huyện khởi đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM, với số lượng các tiêu chí NTM đạt thấp tỉnh Đắk Lắk. Sau 10 năm xây dựng NTM, dù địa phương rất nỗ lực, nhưng các tiêu chí quan trọng như giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo, môi trường, nhà ở dân cư, giáo dục... vẫn đạt thấp, đặc biệt là giao thông.

Đồng bào DTTS tại Gia Lai chung tay xây dựng NTM 

Theo báo cáo, toàn huyện mới có 3/9 xã đạt đạt tiêu chí giao thông; mới chỉ có 86,52/311,13 km, đạt 32,52% đường xã và liên xã nhựa hóa, bê tông xi măng; 50,24/201,62 km, đạt 29,71% đường thôn, buôn nhựa hóa, bê tông... Giao thông đi lại khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện biên giới này.

Rộng hơn, tại Đắk Lắk, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến nay toàn tỉnh có 66 xã đạt chuẩn NTM chiếm tỷ lệ 43,42%; đạt 2.359/2.888 tiêu chí tỷ lệ 81,7%; bình quân toàn tỉnh đạt 15,52 tiếu chí/xã. Tuy nhiên số xã đạt chuẩn NTM vẫn còn thấp so với cả nước (cả nước có 66,46% xã đạt chuẩn NTM, vùng Tây Nguyên có 52,88% đạt chuẩn NTM)…

Tương tự, tại Đắk Nông, huyện 30a Đắk G’long cũng được xem là “vùng trũng” trong xây dựng NTM của tỉnh. Ngoài thuộc diện được ưu tiên cao nhất theo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ, Đắk G’long còn được ưu tiên phẩn bổ nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhưng đến nay mới chỉ có 1 xã đạt chuẩn NTM.

Theo báo cáo, đến nay toàn tỉnh Đắk Nông có 29 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM và được công nhận đạt chuẩn xây dựng NTM, chiếm 48,3% tổng số xã. Hiện Đắk Nông còn 10 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 28 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí và không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí NTM. Bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh đạt 15,7 tiêu chí NTM.

Sỡ dĩ khu vực Tây Nguyên đạt tiêu chí và tỷ lệ xã NTM thấp là do xuất phát điểm thấp, lại là những tỉnh miền núi có đông đồng bào DTTS; nhiều địa phương sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị còn lỏng lẻo; hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đầu tư chưa được đồng bộ, nhất là giao thông, thủy lợi… Do đó, để tạo sức bật rõ nét trong xây dựng NTM, các tỉnh Tây Nguyên cần thiết phải có những giải pháp đầu tư, cũng như thay đổi cách triển khai cho phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện từng địa phương.

Theo baodantoc.vn