Thứ 6, 22/11/2024, 17:11[GMT+7]

TP.HCM: Đồng bộ hệ thống thủy lợi tại các xã nông thôn mới

Thứ 6, 17/09/2021 | 10:37:45
572 lượt xem
Nhằm phục vụ sản xuất và dân sinh, những năm qua TP.HCM đã đầu tư mạnh để đồng bộ hệ thống thủy lợi tại 156 xã đang thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố.

Với lợi thế thuận lợi về hệ thống giao thông nội đồng, lưới điện; nguồn nước từ các công trình thủy lợi như kênh Đông Củ Chi, kênh Hóc Môn - Bắc Bình Chánh còn là tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi thủy sản. Ảnh: Trần Đáng

Hệ thống thủy lợi liên xã được đầu tư đồng bộ

Theo UBND huyện Bình Chánh, trong năm 2020, huyện đã triển khai đầu tư 9 công trình thủy lợi liên xã phục vụ phát triển sản xuất trên địa bàn huyện với tổng kinh phí hơn 205 tỷ đồng.

Ngoài việc đầu tư cho các công trình thủy lợi, huyện Bình Chánh còn đầu tư nạo vét kênh rạch liên xã, khai thông dòng chảy đảm bảo tiêu thoát nước các rạch, như: Cầu Già, rạch Cung, Ông Cốm, Ông Đồ, Cầu Suối; các kênh, như: Liên Vùng, Xáng Ngang, Xáng Đứng, Tua Bể...

Theo anh Nguyễn Văn Dũng, nông dân trồng rau màu tại xã Tân Nhựt, nhờ hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư, khai thông nên nông dân trong xã sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất thuận lợi. "Nước kênh thủy lợi được khai thông nên nguồn nước ít bị ô nhiễm, việc sử dụng nguồn nước để sản xuất cũng ít rủi ro" - anh Dũng chia sẻ.

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, cấp nước chủ động cho 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, áp dụng phương thức canh tác và biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt trên 50% diện tích.

Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Bình Chánh đã tổ chức thực hiện các công trình thuộc đề án nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các xã là 163 công trình, bao gồm: Nạo vét 133 kênh, rạch, mương thoát nước với chiều dài 176,2km; duy tu, sữa chửa nâng cấp 5 công trình đê bao, bờ bao ngăn lũ, triều cường, với chiều dài 13,9km; sửa chữa, xây dựng mới 51 cống.

Thực hiện Đề án 4252, huyện sẽ nạo vét 35 tuyến kênh. Hiện đã hoàn thành 14 công trình, đang thi công 9 công trình; đang triển khai thực hiện 12 công trình.

Tại huyện Hóc Môn, tổng số sông, kênh, rạch trên địa bàn huyện là 276 tuyến, với tổng chiều dài hơn 211km. UBND huyện Hóc Môn cho biết, hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng được sản xuất và dân sinh. Kết nối tiêu thoát nước và đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất tưới và tiêu nước sản xuất nông nghiệp tại các xã đạt trên 80%, cơ bản đảm bảo sản xuất, dân sinh và phòng chống thiên tai.

Cấp nước chủ động 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp

Vừa qua, UBND thành phố ban hành quyết định kế hoạch triển khai chiến lược thủy lợi trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, cấp nước chủ động cho 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2045, cấp nước chủ động cho 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Đảm bảo cấp và tạo nguồn chủ động cho nuôi trồng thủy sản tập trung, công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; vùng sản xuất công nghệ cao, giá trị cao.

Đồng thời, chủ động tiêu, thoát nước ra sông chính, tăng diện tích tưới tiêu bằng trọng lực, đảm bảo tiêu thoát ở vùng đồng bằng, vùng thấp trũng phục vụ dân sinh, nông nghiệp với tần suất từ 5% đến 10%; đáp ứng yêu cầu tiêu, thoát cho khu đô thị vào hệ thống công trình thủy lợi. Cùng với đó, chủ động phòng, chống lũ, ngập lụt cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu dân cư nông thôn và các hoạt động sản xuất khác thuộc lưu vực tiêu, thoát nước của hệ thống công trình thủy lợi. Bảo vệ, kiểm soát và ngăn chặn ô nhiễm nước trong hệ thống công trình thủy lợi, đảm bảo chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi đạt tiêu chuẩn cấp cho các hoạt động sử dụng nước. 

Theo baoangiang.com.vn