Thứ 7, 23/11/2024, 06:20[GMT+7]

Thanh Hóa: Những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới ở “vùng đất học” Hoằng Hóa

Thứ 3, 05/10/2021 | 14:51:36
731 lượt xem
Không những được biết đến là một vùng đất học với nhiều vị khoa bảng nổi tiếng cả xưa và nay, những năm gần đây, Hoằng Hóa còn trở thành một trong những điểm sáng của tỉnh Thanh Hóa về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Với những giải pháp sáng tạo, chủ động, lấy người dân làm chủ thể, Hoằng Hóa đang hướng tới xây dựng đô thị nông thôn, tiến tới mục tiêu trở thành thị xã vào năm 2030.

Cổng làng Phú Khê, xã Hoằng Quý mới được xây dựng.

Sau 10 năm bền bỉ, kiên trì phấn đấu, từ một huyện có xuất phát điểm thấp, hạ tầng chậm phát triển, đời sống nhân dân nhiều khó khăn, năm 2019, huyện Hoằng hóa đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động Hạng III.

Với tinh thần xây dựng nông thôn mới là việc làm thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng, ngay sau lễ đón nhận danh hiệu huyện nông thôn mới, với mục tiêu đưa nông thôn mới của huyện lên tầm cao mới, hướng đến sự hài lòng của người dân, Huyện ủy Hoằng hóa đã ban hành Nghị quyết về đô thị hóa nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cùng với đó, UBND huyện đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy. Đồng thời cho triển khai Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, lựa chọn một số địa phương đăng ký xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao. Huyện cũng xây dựng và triển khai hàng loạt đề án, kế hoạch như xây dựng thôn, tổ dân số kiểu mẫu; Xây dựng vườn mẫu thay thế vườn tạp… nhằm tạo cảnh quan “đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố”, từng bước đô thị hóa khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Một góc thôn Phượng Nghi 2, xã Hoằng Xuân.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, bên cạnh phát triển hạ tầng, nhất là các tuyến giao thông, công tác chỉnh trang, làm đẹp về cảnh quan, sạch về môi trường đã trở thành một phong trào sôi nổi, sâu rộng trong toàn thể các tầng lớp nhân dân và cán bộ, công chức trong huyện. Nhờ đó, từ tháng 9/2019 – 9/2021, toàn huyện đã huy động được 162,821 tỷ đồng, đầu tư cho mục tiêu làm thay đổi diện mạo làng quê, tiến tới đô thị hóa (ngân sách huyện 0,7 tỷ đồng, ngân sách xã 119,359 tỷ đồng).

Từ nguồn kinh phí này, huyện đã xây dựng được 531,24km đường điện chiếu sáng; lát mới 48.848,8m2 vỉa hè trong các khu dân cư; trồng được 200,8km đường hoa và viền cây; trồng 65.292 cây bóng mát; quét vôi ve 246.338,8m2 tường rào. Đáng chú ý, tất cả các khu vực trồng cây, trồng hoa đều được giao cho các tổ chức đoàn thể của thôn, khu phố chăm sóc, tưới nước, nhổ cỏ nên đều tươi tốt, rực rỡ sắc màu, tạo nên bức tranh tươi tắn, đẹp mắt tại các khu dân cư.

Đường trục chính xã Hoằng Giang. 

Bên cạnh việc làm đẹp cảnh quan, để giữ vệ sinh môi trường, các hộ dân đã mua mới 8.944 thùng đựng rác; làm mới 154,4km rãnh thoát nước có tấm đan phía trên; giải phóng, san ủi hành lang, lòng lề đường, tạo sự thông thoáng 322,2km đường. Cũng về công tác vệ sinh môi trường, 100% số xã, thị trấn đã đầu tư kinh phí, tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Việc thu gom rác thải, xén tỉa cây, dọn cỏ trên các tuyến đê, đường giao thông, kênh mương thủy lợi nội đồng ngoài khu dân cư được thực hiện định kỳ 2 tháng một lần.

Đối với kế hoạch cải tạo vườn hộ, xây dựng vườn mẫu, với nhận thức khu vườn là bộ phận tạo nên không gian kiến trúc và sinh sống của mỗi hộ gia đình. Vừa mang tính văn hóa, cảnh quan, môi trường, vừa đem lại nguồn thu cho hộ gia đình ở nông thôn. Trên cơ sở phong trào chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các loại có giá trị kinh tế cao đã được tiến hành từ trước, Đề án xây dựng vườn mẫu và tiếp đó là kế hoạch thực hiện Đề án được Huyện ủy, UBND xây dựng, ban hành đã nhanh chóng được triển khai ở khắp các xã, thị trấn trong toàn huyện. Điển hình như các xã Hoằng Xuân, Hoằng Tiến, Hoằng Thái…

Cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu ở xã Hoằng Xuân.

Để phong trào mang lại hiệu quả thiết thực, các xã đã chọn một số hộ có điều kiện, làm mô hình điểm trước khi nhân rộng. Trong quá trình thực hiện, các hộ đã được xã hỗ trợ từ 5-10 triệu đồng/hộ tùy theo diện tích vườn, cùng với hỗ trợ về lựa chọn cây trồng, quy trình chăm sóc, quy hoạch vườn bài bản, khoa học, đẹp mắt. Theo hướng vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa tạo môi trường xanh, thoáng mát, trở thành nơi nghỉ ngơi, thư giãn cho chủ vườn sau mỗi ngày làm việc.

Với mục tiêu giai đoạn 2021-2025, mỗi xã, thị trấn trong 1 năm xây dựng được 1 thôn hoặc 1 tổ dân phố kiểu mẫu. Cùng với bám sát Bộ tiêu chí của tỉnh, Hoằng Hóa đã xây dựng thêm 7 tiêu chí mang đặc trưng của huyện nhằm đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nông thôn, theo hướng hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống. Dựa trên 7 tiêu chí đặc trưng, Hoằng Hóa phấn đấu đến năm 2025, có 70% số thôn, tổ dân số đạt chuẩn thôn, tổ kiểu mẫu; 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10 xã đạt nông thôn mới nâng cao.

Thực hiện mục tiêu trên, hầu hết các địa phương trong huyện đã rà soát, đánh giá, đặt mục tiêu cụ thể, phù hợp với thực tế, đề ra kế hoạch phù hợp trong quá trình thực hiện. Vào tháng 9 vừa qua, trên cơ sở báo cáo của các xã và qua kiểm tra thực tế cũng như tổ chức hội nghị thẩm tra, đánh giá. Đoàn thẩm tra nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của huyện đã thống nhất đề nghị Chủ tịch UBND huyện ra quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho các xã Hoằng Xuân, Hoằng Tiến, Hoằng Thái; Công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đối với xã Hoằng Đồng.

Theo baoxaydung.com.vn