Thứ 6, 17/05/2024, 16:51[GMT+7]

Quảng Ninh phấn đấu 100% xã hoàn thành xây dựng Nông thôn mới vào cuối năm 2021

Chủ nhật, 31/10/2021 | 14:42:45
513 lượt xem
Lãnh đạo Ban Xây dựng Nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện toàn tỉnh có 92/98 xã hoàn thành xây dựng Nông thôn mới và phấn đấu 100% xã hoàn thành xây dựng NTM vào cuối năm 2021.

Nhờ chương trình Nông thôn mới, người dân xã Việt Dân (Thị xã Đông Triều) phấn khởi dọn dẹp con đường bê tông ngõ xóm.

Hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo sức sống mới ở khắp các vùng nông thôn Quảng Ninh. Những công trình mới, nếp nghĩ mới, cách làm mới, đã làm nên những vùng quê trù phú.

Để đạt kết quả trên, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội tham gia xây dựng NTM gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” làm nền tảng để xây dựng thành công NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đồng thời, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, giảm nghèo nhanh, bền vững.

Đông Triều là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn các vùng quê từng ngày khởi sắc. Có được kết quả đó, ngoài sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân đã thực sự có bước chuyển đổi lớn về tư duy nhận thức, thể hiện rõ vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Đến nay, thị xã đã hoàn thành mục tiêu 11/11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó 5 xã Việt Dân, An Sinh, Bình Khê, Tân Việt, Yên Đức đã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Với cách làm cụ thể “từ nhà ra ngõ, từ thôn đến xã”; lấy xã, thôn, khu dân cư, từng hộ gia đình làm trọng tâm trong chỉ đạo xây dựng NTM; người đứng đầu cấp ủy và chính quyền phải bám vào mục tiêu nhiệm vụ, trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện chương trình từng tháng, quý, gắn với kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm, động viên kịp thời.

Năm 2010, tỉnh Quảng Ninh bước vào xây dựng NTM trong một bối cảnh rất khó khăn. Mặc dù là tỉnh phát triển, song lĩnh vực nông nghiệp có đặc thù địa lý, nhiều xã miền núi, biên giới và hải đảo, toàn tỉnh có đến 52 xã khó khăn, 22 xã đặc biệt khó khăn. Trước những thách thức ấy, tỉnh xác định rõ ràng phải xây dựng NTM "từ dưới đi lên" tức là người dân phải vào cuộc cùng hệ thống chính trị. Do đó, mặc dù nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, nhưng vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn được đặt vị trí quan trọng trong phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Sau hơn 10 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, từ một huyện miền núi xuất phát điểm thấp, đến hết năm 2020, toàn bộ các xã trên địa bàn huyện Hải Hà đã đạt chuẩn NTM. Hải Hà đạt chuẩn 9 tiêu chí huyện NTM, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 56,1 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 0,87%, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt bình quân 18-20%. Quy mô kinh tế hiện nay tăng gấp 3,2 lần so với năm 2015.

Trên quan điểm không có sự đồng lòng nhất trí của người dân, không có sự vào cuộc, sự đóng góp sức người, sức của từ nhân dân... thì không ngân sách nào, không nguồn lực nào có thể thay thế nổi và duy trì được, huyện miền núi Bình Liêu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM.

Trong công tác tuyên truyền, huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đổi mới theo nhiều hình thức khác nhau. Đối với những xã, thôn, bản vùng sâu, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài tuyên truyền vận động, cán bộ được giao phụ trách địa bàn phải là người biết tiếng địa phương, hiểu biết về KHKT sản xuất, canh tác và biết cách truyền đạt tới nhân dân. Năm 2020, bình quân thu nhập đầu người của huyện đạt 55 triệu đồng. Bình Liêu phấn đấu đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,31%, hộ cận nghèo còn 2,36%.

Một điểm nhấn được coi là hạt nhân chiến lược trong xây dựng NTM tại Quảng Ninh là chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) với mục tiêu phát triển các tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm có lợi thế địa phương; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất”, tăng thu nhập cho người dân.

Quảng Ninh là địa phương tiên phong của cả nước trong việc thực hiện chương trình này. 10 huyện, thị xã, thành phố có xã vùng đồng bằng và xã thuộc khu vực I có tổng số 127/148 doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP, chiếm 85,8% toàn tỉnh. Có 311/402 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, chiếm 77,4% toàn tỉnh. Trong đó, có 117/138 sản phẩm đạt sao.

Ngôi trường khang trang được huyện Đầm Hà đầu tư xây dựng với kinh phí trên 30 tỷ đồng.

Mới đây, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 29/10/2021 công nhận huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Đầm Hà có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 56,91 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,14%. Toàn huyện có 6/9 xã, thị trấn không còn hộ nghèo.

Trong năm 2021, Quảng Ninh đặt mục tiêu 6 xã đạt chuẩn NTM và ít nhất có thêm 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Phong trào xây dựng NTM đã mang một sức sống mới, một gam màu mới tươi sáng cho bức tranh nông thôn Quảng Ninh. Nông thôn mới giờ đây không còn là phong trào, mà trở thành nếp sống, nét văn hóa đặc sắc của vùng quê Quảng Ninh.

Theo baophapluat.vn