Thứ 7, 04/05/2024, 23:46[GMT+7]

Nông thôn mới, tâm tư cũ

Thứ 4, 17/11/2021 | 09:25:52
569 lượt xem
Thời gian gần đây, cấp ủy, chính quyền, nhân dân nhiều nơi đang rất tâm tư, trăn trở vì... là xã nông thôn mới, nên bà con không còn được hưởng một số chế độ, chính sách hỗ trợ.

Bộ mặt nông thôn mới của mỗi địa phương phải được xây từ chính sức dân. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

Xã Bum Nưa, huyện Mường Tè (Lai Châu) mặc dù có xuất phát điểm thấp, lại thuộc một trong những huyện khó khăn nhất cả nước, nhưng là một trong số ít xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016.

Đây là sự nỗ lực lớn, rất đáng ghi nhận của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã. Ấy thế nhưng, thời gian gần đây, các đồng chí lãnh đạo xã lại đang rất tâm tư, trăn trở vì... là xã nông thôn mới, nên bà con không còn được hưởng một số chế độ, chính sách hỗ trợ.

Đây cũng là tâm tư chung của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các xã thuộc huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã, đang và chuẩn bị được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt danh sách các xã thuộc khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025), các xã khu vực II, III được phê duyệt tại quyết định này nếu đạt chuẩn nông thôn mới thì được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực II, III...

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, một số chính sách hỗ trợ người dân về y tế, giáo dục... bị cắt giảm từ tháng 7-2021, nên bà con không khỏi tâm tư.

Thực tế trên đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Trước hết, do nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn có những hạn chế, nên công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền các địa phương gặp không ít khó khăn.

Trong khi đó, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực ngay khi ban hành, khiến các địa phương rơi vào bị động, chưa kịp tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu thì chính sách đã được thực thi, nên chưa tạo được đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân.

Cùng với đó, đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thường xuyên được cả hệ thống chính trị quan tâm đầu tư nguồn lực, được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong thời gian dài, nên một bộ phận người dân còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Điều đáng suy ngẫm hơn, việc xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi vẫn nặng về hình thức, chạy theo thành tích, số lượng mà chưa chú trọng đến chất lượng. Bộ mặt nông thôn có đổi mới, nhưng chưa thật sự bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của người dân chưa thực sự được nâng cao.

Bởi thế, khi chế độ, chính sách ưu đãi, hỗ trợ không còn thì địa phương gặp khó khăn để giữ được các tiêu chí nông thôn mới. Các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cũng chịu tác động, ảnh hưởng...

Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần sớm thay đổi nhận thức, cách làm trong xây dựng nông thôn mới. Mỗi xã, bản đạt chuẩn nông thôn mới là điều rất đáng mừng, nhưng phải phù hợp với điều kiện của địa phương, mang lại hiệu quả thực chất, làm chuyển biến căn bản đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Bộ mặt nông thôn mới của mỗi địa phương phải được xây từ chính sức dân và nền móng của nông thôn mới phải từ nội lực của địa phương, chứ không phải từ những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Trung ương. Có như thế, nông thôn mới sẽ thực sự bền vững, mỗi xã nông thôn mới thực sự là những miền quê đáng sống và người dân thực sự là chủ thể của nông thôn mới, được thụ hưởng thành quả từ chính bàn tay, khối óc của mình.

Về công tác xây dựng và vận hành chính sách mới, các cơ quan chức năng cần sớm có khảo sát, điều tra xã hội học để xem xét, đánh giá tác động của chính sách, từ đó đề xuất, tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có sự điều chỉnh phù hợp.

Nên chăng, chính sách mới ban hành cần có độ mở, độ “trễ” về hiệu lực thi hành để một số địa phương đặc thù có thời gian tuyên truyền, giải thích, vận động bà con.

Bên cạnh đó, việc cắt giảm các chính sách hỗ trợ cần có lộ trình, theo hướng giảm dần từng bước, từng giai đoạn, vừa để đồng bào thích ứng, vừa giảm thiểu các tác động không mong muốn; qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo qdnd.vn