Thứ 6, 22/11/2024, 14:32[GMT+7]

Xây dựng NTM ở Cao Bằng: Ưu tiên đầu tư cho tiêu chí phát triển kinh tế

Thứ 4, 17/11/2021 | 16:35:06
759 lượt xem
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đem lại hiệu quả thiết thực, tiếp thêm luồng sinh khí mới cho những vùng quê ở Cao Bằng. Trong quá trình xây dựng NTM, đối với tiêu chí kinh tế, Cao Bằng đã ưu tiên và tập trung nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, hướng đến nền nông nghiệp bền vững.

Đường giao thông nông thôn ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh được bê tông hóa

Chú trọng phát triển kinh nông nghiệp

Đàm Thủy là xã biên giới, với 10 xóm, 1.259 hộ với 4 dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao cùng sinh sống. Với địa bàn rộng, dân cư phân tán, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, tỷ lệ hộ nghèo cao... công tác xây dựng NTM ở đây gặp không ít trở ngại.

Với mục tiêu phấn đấu về đích NTM trong năm 2021, xã Đàm Thủy đã khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ Nhân dân, phát triển sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản; xây dựng các mô hình tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch.

Theo ông Trần Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy, cùng với đầu tư nâng cấp hạ tầng nông thôn, địa phương đã đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ, tập trung phát triển các sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương, như: lúa cao sản, cây hạt dẻ, chăn nuôi lợn đen, nuôi dê…

 Bên cạnh đó, xã đã vận động Nhân dân tổ chức sản xuất theo quy mô trang trại, gia trại, thâm canh cỏ trồng, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. 

Chị Triệu Thị Át, xóm Bản Giốc chia sẻ: "Nhờ được tập huấn về kiến thức chăn nuôi, gia đình tôi đã đầu tư nuôi bò. Trung bình mỗi con bò, bán được khoảng 30 triệu đồng, trừ chi phí, gia đình cũng có nguồn thu nhập ổn định".

Tỉnh Cao Bằng chú trọng phát triển kinh tế từ nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững 

Theo báo cáo của xã Đàm Thủy, hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 32 triệu đồng/người/năm; 98,4% lao động có việc làm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 115 hộ, chiếm 9,13%. Hiện nay, xã đã đạt 13/19 tiêu chí NTM.

Còn tại xã vùng cao Quang Thành, huyện Nguyên Bình đã phát huy lợi thế của địa phương; tận dụng tối đa các nguồn lực, hỗ trợ người dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng NTM. Theo đó, xã Quang Thành thực hiện mô hình sử dụng giàn thép cố định vin cành, tạo tán cho cây lê tại xóm Nà Lèng. Với mô hình này, người dân xóm Nà Lèng đã áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc, tạo được chất lượng quả lê ngon, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Bà Chu Thị Mai, xóm Nà Lèng, xã Quang Thành cho biết, gia đình bà trồng hơn 100 cây lê giống VH6 và bắt đầu cho quả. Do chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên quả lê phát triển tốt, mọng nước, vị ngọt, được nhiều khách hàng vào tận vườn mua. Vụ đầu tiên, gia đình bà thu hơn 4 tạ quả lê, thu nhập được khoảng 20 triệu đồng.

Hiện nay Quang Thành đang xây dựng sản phẩm quả lê thành sản phẩm OCOP. Đây là một trong những hướng đi để bảo đảm, quả lê Quang Thành định vị được thị trường tiêu thụ; hướng tới mở rộng diện tích trồng và phát triển theo hướng bền vững.

Chị Triệu Thị Át, xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh cắt cỏ voi về chăn nuôi bò 

Nhiều giải pháp đồng bộ

Để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, Cao Bằng đã triển khai thực hiện Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 - 2025. Đề án đã triển khai các giải pháp phát triển nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đó, nâng cao giá trị và phát triển bền vững theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng NTM.

Việc triển khai Đề án nông nghiệp thông minh, đã hỗ trợ thành lập mới 22 doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng được 63 chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa trên toàn tỉnh với 6 mô hình liên kết cấp tỉnh và 57 mô hình liên kết cấp huyện, với tổng kinh phí thực hiện 58,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến, như: Sản phẩm gạo nếp Hương Bảo Lạc, vịt cỏ Trùng Khánh, lê Đông Khê, thạch đen Thạch An; công nhận 24 sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chí sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Từ thực hiện Chương trình, đã xuất hiện nhiều sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu được đưa vào Chương trình OCOP ở địa phương. Các hoạt động thương mại, dịch vụ nông thôn phát triển, nhiều làng nghề được duy trì và mở rộng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Một số địa phương xây dựng làng nông thôn văn hóa tiêu biểu tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 17 xã đạt chuẩn NTM.

Theo ông Nguyễn Ngọc Truân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng, hiện nay địa phương đang thực hiện đổi mới cơ cấu và cơ chế đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công phục vụ tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM.

Theo baodantoc.vn