Thứ 6, 22/11/2024, 04:37[GMT+7]

Bắc Ninh: Đoàn kết, đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Thứ 5, 18/11/2021 | 15:43:44
775 lượt xem
Nêu cao truyền thống 'Tốt đời đẹp đạo', những năm qua, đồng bào Công giáo Bắc Ninh đã luôn đoàn kết, đồng lòng cùng tham gia có hiệu quả Cuộc vận động 'Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh', từ đó có những đóng góp to lớn vào sự phát triển, khởi sắc của quê hương...

Đồng bào Công giáo thôn Ngọc Cục, xã Tân Lãng, huyện Lương Tài phát triển kinh tế từ hoạt động dịch vụ, buôn bán. (Ảnh: XM).

Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 55 xứ, họ đạo với 15.307 giáo dân cư trú 55 thôn, khu phố thuộc 39 xã, phường, thị trấn ở 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”, thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo hiện thực hóa các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Cuộc vận động đã lan tỏa sâu rộng trong các giáo xứ, giáo họ với nhiều mô hình hay, cách làm mới, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội; xây dựng đời sống văn hóa; giữ gìn an ninh trật tự tại các địa phương”. 

Là một trong những địa phương tiêu biểu về phát huy vai trò của đồng bào Công giáo trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, đông đảo bà con giáo dân ở các họ đạo của huyện Lương Tài luôn thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, sống tốt đời đẹp đạo” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Trên địa bàn huyện hiện có 8 họ đạo (trong đó có 5 họ đạo toàn tòng); số lượng đồng bào Công giáo nhiều nhất các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh với khoảng hơn 7.000 người. Bám sát chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Ủy ban Đoàn kết Công giáo cấp trên, Ủy ban Đoàn kết công giáo huyện Lương Tài thường xuyên vận động các chức sắc, chức việc, giáo dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy ước của cộng đồng; phát huy truyền thống đoàn kết lương giáo, nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, sống tốt đời đẹp đạo”, với 10 tiêu chí “7 tốt đời, 3 đẹp đạo”.

Đến nay, đồng bào Công giáo trong huyện đã có nhiều đóng góp vào chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tiêu biểu như nghề làm mỳ gạo, bánh đa, dịch vụ, cây cảnh ở giáo xứ Tử Nê, xã Tân Lãng; nghề thợ nề, chăn nuôi ở họ giáo Lương La, Bái Giang, xã Tân Lãng; nghề sản xuất chài lưới, dịch vụ giao thông ở giáo xứ Lai Tê, xã Trung Chính; buôn bán kinh doanh ở giáo xứ Phượng Giáo, thị trấn Thứa... góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào Công giáo. Hiện tỷ lệ hộ khá, giàu trong đồng bào Công giáo của huyện Lương Tài chiếm tới hơn 98%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 2%. Đồng bào Công giáo đã trực tiếp tích cực góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trong câu chuyện cởi mởi, đồng chí Nguyễn Văn Triển, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, với phương châm “Tốt đời đẹp đạo”, 5 năm qua, các xứ, họ đạo tích cực tham gia phong trào “Dồn điền đổi thửa”, xây dựng cánh đồng lớn, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi có giá trị thu nhập cao. Đến nay, toàn tỉnh có 288 trang trại VAC của người Công giáo với các mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, gia súc gia cầm, nuôi thả cá, đà điểu... Tiêu biểu như: Giáo dân Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Văn Hồng ở giáo xứ Xuân Hòa, xã Đại Xuân (Quế Võ) với mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây các loại; giáo dân Nguyễn Thị Hoán, Nguyễn Văn Huy ở họ giáo Nghĩa La, xã Trung Chính (Lương Tài) với mô hình nuôi cá thương phẩm kết hợp trồng cây ăn quả... Ngoài ra, nhiều xứ, họ đạo còn chú trọng khôi phục và phát triển nghề thủ công truyền thống, như nghề sản xuất giấy dó ở khu phố Ngô Khê, phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh); nghề làm mì gạo ở thôn Tử Nê, xã Tân Lãng (Lương Tài); nghề ngư cụ truyền thống ở thôn Lai Tê, xã Trung Chính (Lương Tài)... Từ đó, bộ mặt Nông thôn mới ở các xứ, họ đạo ngày càng chuyển biến rõ rệt: 100% các xứ, họ đạo đều có đường bê tông, 100% kênh mương nội đồng được cứng hóa; các công trình tôn giáo như nhà thờ, nhà nguyện được tu sửa, nâng cấp; 100% gia đình giáo dân đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa” và nghiêm túc thực hiện tốt Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tân gia. Hằng năm, có hơn 95% hộ gia đình giáo dân đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Có thể thấy, đoàn kết giáo lương là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Phát huy truyền thống đó gắn với điều kiện, đặc điểm địa phương, những năm qua, đồng bào Công giáo Bắc Ninh đã hưởng ứng mạnh mẽ Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”. Kết quả tích cực thu được từ những hoạt động, việc làm thiết thực đã vừa giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Công giáo Bắc Ninh; cải thiện cơ sở vật chất các xứ, họ đạo; đồng thời cũng tạo động lực quan trọng để Bắc Ninh thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh./.

Theo dangcongsan.vn