Nỗ lực tạo việc làm cho người lao động
Điểm sáng sau đại dịch
Nền kinh tế toàn cầu vừa mới nhen nhóm hồi phục sau đại dịch Covid-19 thì xung đột quân sự Nga - Ukraine lại tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng xuất khẩu như dệt, may mặc, da giày. Đây là những ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, vốn và khan hiếm nguyên liệu. Trong khó khăn chung của nền kinh tế, có những doanh nghiệp vẫn duy trì đều đặn hoạt động sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Công ty TNHH Thanh Hương, xã Vũ Hòa (Kiến Xương) chuyên gia công hàng may mặc xuất khẩu. Không giống như nhiều doanh nghiệp dệt may khác phải cắt giảm nhân công, giảm giờ làm do khan hiếm đơn hàng, Công ty vẫn duy trì sản xuất 9 chuyền may với khoảng 550 công nhân làm việc.
“Thời gian qua, Công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn cố gắng, nỗ lực hết sức để bảo đảm đời sống, việc làm cho người lao động. Từ năm ngoái đến năm nay, chúng tôi vẫn duy trì số lượng công nhân làm việc. Chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa để tạo việc làm cho người lao động” - ông Trần Văn Doanh, Phó Giám đốc Công ty chia sẻ.
Công ty TNHH Tadashi Việt Nam (xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình) kinh doanh về dầu nhớt. Công việc thuận lợi cộng với việc mở rộng thị trường bán hàng nên Công ty thường xuyên đăng thông tin tuyển dụng nhân sự.
Bà Nguyễn Thị Minh Khuyên, kế toán trưởng Công ty cho biết: Công ty thường xuyên tuyển dụng nhân sự nữ trong mảng kinh doanh dầu thủy lực, dầu động cơ. Một tháng bình quân chúng tôi tuyển dụng từ 5 - 6 nhân viên nữ để đảm nhận nhiệm vụ tư vấn bán hàng.
Theo ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho hơn 26.700 lao động, trong đó 2.680 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Thời gian qua, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh cơ bản bảo đảm, không xuất hiện việc mất cân bằng. Nhiều doanh nghiệp đã thích ứng linh hoạt, tái cơ cấu hoạt động, sắp xếp lại lao động, thay đổi mẫu mã sản phẩm, tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu mới, cắt giảm chi phí không cần thiết và tăng năng suất lao động để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
“Phao cứu sinh” của người lao động
Trong thời điểm nhiều khó khăn, tìm được công việc phù hợp với mức thu nhập ổn định là điều hết sức quan trọng, đó thực sự là “phao cứu sinh” đối với người lao động. Chị Lê Thị Huê ở xã Vũ Hòa (Kiến Xương) có 10 năm làm việc cho Công ty TNHH Thanh Hương. Dù tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có khó khăn nhưng chưa bao giờ chị bị tạm nghỉ việc. Mức lương ổn định cộng với công việc phù hợp ở vùng nông thôn nên chị tương đối hài lòng. Chị Huê cho biết: Làm việc ở đây nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến các doanh nghiệp dệt may khó khăn như thời điểm vừa qua. Nhiều công ty lớn đã cắt giảm giờ làm, giảm nhân công nhưng riêng Công ty TNHH Thanh Hương vẫn giữ nguyên và vẫn tạo việc làm cho chúng tôi với mức lương bảo đảm.
Ông Trần Văn Doanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thanh Hương cho biết: 90% hàng xuất khẩu của Công ty là vào thị trường Hàn Quốc, 10% còn lại xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhờ luôn duy trì 7 - 10 khách hàng truyền thống nên đối với Công ty đơn hàng lúc nào cũng sẵn. Ở Công ty chúng tôi, thu nhập bình quân của người lao động từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng. Dù có lúc hoạt động sản xuất gặp khó khăn do khan hiếm đơn hàng, giá sản phẩm giảm nhưng chúng tôi luôn nỗ lực để duy trì sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Còn bà Nguyễn Thị Minh Khuyên, kế toán trưởng Công ty TNHH Tadashi Việt Nam chia sẻ: Mức lương cứng cho nhân viên bán hàng là 4 triệu đồng/người/tháng nhưng hầu hết người lao động làm việc tại Công ty đều có mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Tại Công ty chúng tôi chưa có trường hợp phải nghỉ việc giữa chừng do thu nhập không ổn định.
Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ người lao động
Thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã tăng cường thực hiện đa dạng hình thức thông tin về thị trường lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội tư vấn học nghề và việc làm, giới thiệu việc làm trực tuyến để kết nối cung - cầu lao động cho người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn. UBND tỉnh đã tổ chức phát động, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật; các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp, nhất là các nội dung về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động theo quy định.
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, trong đó có chính sách phát triển thị trường lao động. Dự báo tại Thái Bình thời gian tới, bên cạnh những doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng còn có nhiều doanh nghiệp sản xuất ổn định và có nhu cầu tuyển dụng khoảng 22.000 lao động vào làm việc.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Chúng tôi sẽ thường xuyên chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình thực hiện linh hoạt các biện pháp để kết nối cung - cầu lao động đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động cũng như của người lao động trên địa bàn tỉnh. Mục đích là không để người lao động gặp khó khăn về việc làm, cũng không để doanh nghiệp gặp khó khăn do không tuyển được lao động theo yêu cầu.
Ông Lê Văn Côn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tổ chức được 22 phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối, chia sẻ thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước, qua đó giúp người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu và năng lực của bản thân. Thông qua hoạt động này cũng giúp các doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.Anh Trần Quang Trường, xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình Vừa qua tôi đã vượt qua các vòng thi ngoại ngữ và đánh giá năng lực tay nghề của nhà tuyển dụng. Tôi đang làm các thủ tục, hồ sơ để chuẩn bị cho việc đi xuất khẩu lao động. Hy vọng công việc mới sẽ giúp tôi cải thiện thu nhập, có điều kiện chăm lo cho gia đình. |
Hồng Gia
Tin cùng chuyên mục
- Niềm vui từ “mái ấm công đoàn” 17.11.2024 | 08:32 AM
- Tiền Hải: Thành lập Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Hongxi Technology Việt Nam 10.07.2024 | 15:36 PM
- Liên đoàn Lao động huyện Tiền Hải: Phát động tháng công nhân năm 2024 10.05.2024 | 17:05 PM
- Quỳnh Phụ: Phát động tháng công nhân năm 2024 26.04.2024 | 18:24 PM
- Công đoàn Thái Bình: Tích cực đổi mới, sáng tạo, vì lợi ích đoàn viên, người lao động 14.02.2024 | 10:20 AM
- Trên 300 người đăng ký tham gia chương trình lao động thời vụ tại Hàn Quốc 02.01.2024 | 17:51 PM
- Thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị tai nạn lao động tại Thái Thụy 13.12.2023 | 19:54 PM
- Kiểm tra công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố vụ tai nạn lao động tại thị trấn Diêm Điền 12.12.2023 | 20:39 PM
- Phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII 02.12.2023 | 17:08 PM
- Thông báo tuyển dụng 21.11.2023 | 10:44 AM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng