Thứ 6, 22/11/2024, 18:36[GMT+7]

Điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới ở Thạch Thất (Hà Nội)

Thứ 3, 21/12/2021 | 09:13:58
705 lượt xem
Mặc dù là địa phương có thế mạnh về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, nhưng huyện Thạch Thất (Hà Nội) luôn chú trọng phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết các giá trị trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Mô hình trồng rau hữu cơ tại huyện Thạch Thất.

Để nâng cao đời sống người dân, ngoài phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, huyện Thạch Thất tập trung tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện công tác dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo. Ðến nay, huyện Thạch Thất đã hoàn thành dồn điền đổi thửa hơn 2.000 ha, đạt 105,5% diện tích thực hiện dồn điền đổi thửa so với kế hoạch. Hiện nay, toàn bộ diện tích gieo cấy lúa của huyện đều bằng các giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao. Ðặc biệt, địa phương đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa.

Ðến hết năm 2020, toàn huyện có hơn 50 hợp tác xã (HTX). Tất cả các HTX đã chuyển đổi theo luật hoặc thành lập mới theo Luật HTX năm 2012. Trong đó, không ít HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, huy động vốn góp của các thành viên, cung ứng vật tư, giống, phân bón có chất lượng cho thành viên, hình thành các tổ sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên như việc liên doanh, liên kết trong tiêu thụ nông sản, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân.

Về thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, Thạch Thất luôn nằm trong nhóm các địa phương có nhiều sản phẩm OCOP của thành phố với 122 sản phẩm của 15 hộ sản xuất, kinh doanh và hai HTX nông nghiệp. Huyện tiếp tục nâng hạng các sản phẩm đã được đánh giá, phấn đấu đến hết năm 2025 có thêm 150 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, sau hơn bốn năm triển khai áp dụng mô hình hệ thống quản lý chất lượng, bảo đảm nông sản an toàn (PGS), đã hình thành cho bà con nông dân trồng rau an toàn thói quen làm việc nhóm, ghi chép nhật ký đồng ruộng, lên kế hoạch sản xuất. Ðến nay trên địa bàn Hà Nội có hàng trăm mô hình PGS, trong đó Thạch Thất có hơn 200 ha. Các hộ sản xuất rau theo mô hình PGS đều có thu nhập từ hơn 300 triệu đồng đến hơn 440 triệu đồng/ha/năm. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết: Qua thực tế triển khai mô hình tại các xã cho thấy, sản phẩm khi được đưa ra thị trường bảo đảm các tiêu chí về an toàn thực phẩm, hình thành cho nông dân trồng rau an toàn thói quen làm việc nhóm, ghi chép nhật ký đồng ruộng, lên kế hoạch sản xuất. Từ đó nâng cao kỹ năng cũng như kinh nghiệm trong sản xuất một cách bền vững.

Trang trại rau hữu cơ Hoa Viên nằm ở xóm Dục, xã Yên Bình (Thạch Thất) cải tạo mảnh đất hoang thành mô hình trồng rau hữu cơ. Trang trại trồng hơn 50 loại rau khác nhau ở sáu chủng loại: rau đặc sản, rau ăn lá, củ quả, rau gia vị, hoa quả, thảo mộc. Chị Trương Kim Hoa, chủ trang trại Hoa Viên chia sẻ: Quy trình trồng rau hữu cơ được thực hiện nghiêm ngặt từ khâu chọn giống đến thu hoạch. Rau được canh tác trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, bảo đảm tiêu chuẩn 5 không: không bón phân hóa học; không phun thuốc bảo vệ thực vật; không phun thuốc kích thích sinh trưởng; không sử dụng thuốc diệt cỏ; không sử dụng sản phẩm biến đổi gen. Rau được thu hái vào khoảng 4 giờ đến 5 giờ sáng hằng ngày và vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ trong nội thành Hà Nội. Mùa hè, trang trại đạt sản lượng 0,5 tấn/ngày, mùa đông đạt 1 tấn/ngày.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng NTM và NTM nâng cao của huyện. Ðể thực hiện mục tiêu này, địa phương luôn đẩy mạnh và khuyến khích đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời khuyến khích nông dân duy trì, phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, sản xuất rau an toàn. Có như vậy sản phẩm mới tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng, cũng như đáp ứng được nhu cầu của người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa khâu quảng bá, tiêu thụ, tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Cùng với sự quyết tâm đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng tinh thần toàn dân chung sức xây dựng NTM, với nhiều cách làm hay sáng tạo, công khai dân chủ, huyện Thạch Thất đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Có thể thấy thông qua các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp đã tạo thêm nguồn lực xây dựng NTM, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, hướng tới là đô thị xanh của Thủ đô Hà Nội.

Theo nhandan.vn