Thứ 6, 22/11/2024, 04:20[GMT+7]

Giải bài toán rác thải sinh hoạt nông thôn

Thứ 4, 22/12/2021 | 10:26:27
4,481 lượt xem
Tại nhiều địa phương trên cả nước, đời sống kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được nâng cao cũng kéo theo tình trạng chất thải rắn sinh hoạt, ô nhiễm môi trường phát sinh ngày càng nhiều. Trong khi đó, nguồn lực, công nghệ xử lý rác thải lại chưa đồng bộ, lạc hậu; ý thức người dân còn hạn chế… Thực trạng này đòi hỏi các bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn.

Thu gom chất thải rắn sinh hoạt bằng xe cơ giới tại khu vực nông thôn tỉnh Hà Nam.

Rác nhiều nhưng xử lý ít

Với hơn 63 triệu người sống ở khu vực nông thôn (chiếm hơn 65% số dân), mỗi ngày tại khu vực này lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng hơn 28 nghìn tấn. Tuy nhiên, hiện công tác quản lý, thu gom, xử lý đang gặp không ít khó khăn và bất cập… khiến tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng ở nhiều địa phương.

Thu gom, xử lý chưa đạt yêu cầu

Tại 131 xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 379,571 tấn/ngày/đêm, nhưng số lượng được thu gom, xử lý khoảng 117,667 tấn/ngày/đêm. Hiện, việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt do các tổ, đội thực hiện bằng xe đẩy tay. Đáng chú ý, việc thu gom, xử lý mới được triển khai tại một số xã ven đô thị và các thị trấn, thị tứ, còn hầu hết các xã nông thôn, các xã vùng núi, vùng xa chưa có dịch vụ thu gom cho nên phần lớn hộ gia đình tự xử lý bằng phương pháp chôn, đốt hoặc tại các bãi chôn lấp, bãi đốt tự phát dẫn đến ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất, nước.

Chi Cục trưởng Bảo vệ môi trường tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Hoa cho biết: Hiện, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt bằng các lò đốt rác. Việc đầu tư các bãi chôn lấp và lò đốt rác đã cơ bản xử lý được lượng rác phát sinh. Tuy nhiên, do các bãi chôn lấp rác thải, lò đốt công suất nhỏ cho nên chưa xử lý được chất thải thứ cấp phát sinh như nước rỉ rác, khí thải từ quá trình đốt; nhận thức của nhân dân về xử lý rác thải chưa cao, nhiều nơi nhân dân vẫn chưa đồng thuận hoặc ngăn cản việc xây dựng, hoạt động của các khu xử lý rác thải. Trong khi đó, việc quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn gặp nhiều khó khăn do đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn, địa phương không đủ nguồn lực đầu tư cho xử lý chất thải rắn tập trung; thiếu nhân lực quản lý; khó khăn trong bố trí quỹ đất, khả năng đầu tư, công nghệ xử lý; thiếu kinh phí cho việc quan trắc, giám sát chất lượng môi trường tại các điểm nguy cơ ô nhiễm, nhất là thiếu kinh phí triển khai các nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại khu vực này.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang mỗi ngày có khoảng 917 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, trong đó tỷ lệ được thu gom, xử lý đạt 89,2% và 93%. Toàn tỉnh hiện đã bố trí được 1.387 điểm tập kết, thành lập 162 công ty, tổ hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường chuyên trách và 1.588 tổ tự quản về bảo vệ môi trường thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu dân cư; tất cả huyện, thành phố đã bố trí các bể thu gom vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại các vườn đồi, cánh đồng… Tuy nhiên, còn một số địa phương thực hiện chưa tốt công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (như huyện Tân Yên), dẫn đến phát sinh điểm tồn lưu rác thải. Việc quy hoạch, bố trí khu xử lý rác thải tập trung, điểm tập kết tạm thời tại một số huyện còn gặp khó khăn, người dân không đồng thuận.

Theo Chủ tịch UBND thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên, Bắc Giang) Đỗ Văn Luân, thị trấn có khoảng gần 50 nghìn công nhân thuê trọ và có làng nghề mổ trâu Phúc Lâm khiến khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn. Tình trạng người dân vứt rác bừa bãi, đổ trộm chất thải vật liệu xây dựng ra đường, khu vực công cộng còn khá phổ biến, khiến cho công tác thu gom, xử lý chất thải gặp nhiều khó khăn. Trong khi nguồn kinh phí đầu tư hằng năm cho công tác vệ sinh môi trường rất hạn hẹp, không đủ để tổ chức dọn rác ở các điểm phát sinh trên địa bàn. Anh Chu Thúc Lực, Tổ trưởng tổ vệ sinh thôn Đông Long (xã Quảng Minh) cho biết: Tổ vệ sinh của thôn có 12 thành viên, thực hiện việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt cho khoảng 12 nghìn nhân khẩu. Tổ tự trang bị ba xe công nông, 90 xe đẩy… mức đóng góp tiền của người dân hiện mới chỉ đạt hơn 200 nghìn đồng cho một ngày công thu gom rác.

Tình trạng đổ chất thải rắn sinh hoạt sai quy định vẫn diễn ra tại tỉnh Hòa Bình.

Đây là công việc rất vất vả, làm việc trong môi trường ô nhiễm, cho nên tìm người làm rất khó… Phần lớn người tham gia công tác này đều có hoàn cảnh khó khăn. Anh Lực mong muốn, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa đối với những người làm công tác vệ sinh môi trường như: Hỗ trợ đồ bảo hộ lao động, phương tiện, đóng bảo hiểm y tế.

Không chỉ Hòa Bình, Hà Nam, Bắc Giang, qua tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương, chúng tôi nhận thấy, phần lớn chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn chưa được phân loại tại nguồn; tỷ lệ chất thải được tái sử dụng, tái chế còn thấp dẫn đến lượng chất thải phải xử lý cao. Đáng lo ngại, chất thải rắn nguy hại từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp như bao bì, chai lọ hóa chất bảo vệ thực vật gần như chưa được thu gom. Bên cạnh đó, chưa có sự hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn. Nếu như tại các khu vực đô thị, các công ty dịch vụ môi trường đô thị là các doanh nghiệp công ích nhà nước, với 80% kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước, 20% còn lại do người dân đóng góp thì các tổ dịch vụ môi trường ở nông thôn, chủ yếu do người dân đóng góp, với mức thù lao chỉ bằng từ 30 đến 40% thu nhập của người thu gom rác ở đô thị. Người thu gom rác tại khu vực này chưa được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhiều nơi không có hợp đồng lao động, dẫn đến tình trạng người lao động bỏ nghề hoặc không thu hút được nguồn nhân lực tham gia công tác này.

Đi tìm mô hình phù hợp

Thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tại nhiều địa phương trên cả nước đã thành lập các đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt, thí điểm các mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ... bước đầu thu được những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.

Những năm gần đây, huyện Kim Bảng trở thành điểm sáng của tỉnh Hà Nam trong thu hút các nhà đầu tư, nhờ thế kinh tế-xã hội phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Nhưng đi liền với đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày trên địa bàn huyện phát sinh khoảng từ 35 đến 40 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Để nâng cao năng lực quản lý, tái chế, tái sử dụng, giảm khối lượng chất thải phát sinh và cải thiện môi trường sinh thái, UBND huyện đã phê duyệt Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, với mục tiêu tất cả các đô thị và khu dân cư nông thôn trên địa bàn huyện triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp công nghệ xử lý tại địa phương. Lúc đầu chưa quen, nhiều người dân thấy ngại phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình. Nhưng khi được chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội vận động, tuyên truyền; thống nhất thời gian, cách thức thu gom, phân loại rác thải đối với từng đối tượng, đến nay, tất cả các hộ gia đình đã thực hiện rất tốt phân loại rác tại nguồn. Toàn bộ rác hữu cơ được thu gom chuyển về bể chứa và được xử lý bằng chế phẩm sinh học.

Tại huyện Lý Nhân, bên cạnh vận động người dân thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, huyện còn triển khai khá hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường, trong đó phải kể đến mô hình “Bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật” trên đồng ruộng do Hội Nông dân huyện khởi xướng. Từ năm 2019, Hội Nông dân xã Xuân Khê đăng ký với Hội Nông dân huyện triển khai mô hình “Bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật”. Từ nguồn quỹ môi trường của UBND xã, sự đóng góp của hội viên, hơn 30 bể chứa rác thải đúc bằng bê-tông được lắp đặt trên các cánh đồng của bốn thôn; đồng thời thành lập tổ thu gom rác thải trên đồng ruộng. Các thành viên của tổ có nhiệm vụ hướng dẫn người dân sử dụng hợp lý thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, nhắc nhở người dân bỏ các vỏ túi, chai, lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa rác. Đến nay rác thải thuốc bảo vệ thực vật cơ bản đã được thu gom đúng quy định, bảo đảm sức khỏe cho người nông dân và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản sau thu hoạch...

Với sự vào cuộc của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Giang, nhiều mô hình bảo vệ môi trường đã được các cấp hội triển khai tại cơ sở như: Mô hình “Thu gom rác tái chế” để bán lấy kinh phí hỗ trợ cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn mua bò giống; mua xe đạp hỗ trợ học sinh nghèo; mua làn phát cho hội viên đi chợ để giảm sử dụng túi nilon được triển khai tại các cấp hội các huyện Yên Thế, Lạng Giang, TP Bắc Giang; hay “Mô hình phân loại rác thải, chế biến phân vi sinh” tại huyện Lạng Giang. Một số cơ sở xử lý rác thải cũng đã tiến hành tách bớt các chất hữu cơ dễ phân hủy để ủ phân compost tại các địa phương Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang. Thông qua các mô hình, nhận thức của người dân trong việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải đã được nâng lên rõ rệt, nhất là không còn tình trạng người dân, doanh nghiệp đổ trộm, đốt rác thải như trước đây; không còn phát sinh các điểm tồn lưu rác thải không đúng quy định tại khu vực công cộng…

Theo nhandan.vn