Thứ 6, 22/11/2024, 17:06[GMT+7]

Năm 2045, sẽ có 100% người dân nông thôn được dùng nước sạch đạt quy chuẩn

Thứ 4, 22/12/2021 | 15:46:45
1,100 lượt xem
Đến năm 2045, sẽ có 100% người dân được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt…

Sáng 22/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để tiếp tục phổ cập nước sạch cho người dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1978/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu chính của Chiến lược là đến năm 2030, 65% dân số được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; 100% hộ gia đình, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Đến năm 2045, có 100% người dân được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt…

Sau 10 năm triển khai, Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 88,5% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; trong đó có 51% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế; 75% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Việc triển khai có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhiều địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, từng bước hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ song nước sạch nông thôn vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Vẫn còn có sự chênh lệch khá lớn về tỷ lệ cấp nước và vệ sinh giữa các vùng, các địa phương và giữa các huyện, xã trong một tỉnh; việc quản lý, cung cấp dịch vụ công về nước sạch nông thôn ở địa phương còn chưa ổn định và hiệu quả.

Số lượng công trình hoạt động kém hiệu quả vẫn còn cao. Kết quả khảo sát trên 16.000 công trình cấp nước tập trung đã xây dựng và vận hành chỉ có 34,7% bền vững, 34,1% trung bình, 16,8% kém hiệu quả và 14,4% không hoạt động. Chất lượng nước ở nhiều công trình cấp nước chưa ổn định, công tác vận hành nhiều nơi còn buông lỏng, chưa được theo dõi giám sát, tổ chức quản lý trách nhiệm không rõ ràng, hoạt động kém bền vững.

Tuy tỷ lệ người dân được cấp nước hợp vệ sinh tương đối cao với 88,5% song mới có khoảng 51% dân nông thôn được cấp nước sạch đạt chuẩn. Nguồn lực đầu tư hạn chế và chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước có hạn và không đáp ứng được nhu cầu đầu tư ngày càng cao cho cấp nước nông thôn.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, nước sạch và vệ sinh nông thôn là vấn đề cốt lõi để phát triển nguồn nhân lực thông minh từ đó thúc đẩy năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế. Tiếp cận với nước sạch, vệ sinh tốt được đồng nghĩa với việc bảo vệ con người trước nguy cơ dịch bệnh. Việt Nam đã đạt được bước tiến lớn trong việc cải thiện nước sạch và vệ sinh nông thôn.

Chiến lược là công cụ chính sách trọng yếu, định hướng hành động nhằm cải thiện nước sạch và vệ sinh nông thôn. Chặng cuối thường là chặng khó nhất, không có một giải pháp chung nào để giải quyết vấn đề.

Bà Rana Flowers cũng đề xuất 3 nội dung khi thực hiện chiến lược là đầu tư đủ và đầu tư sáng suốt; cam kết vững chắc để đảm bảo không ai ở lại phía sau; phương pháp tiếp cận đa dạng và phối hợp liên ngành, cần được lồng ghép vào các kế hoạch quốc gia, cấp tỉnh, ngành… Điều đó đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt và sự phối hợp tốt của các bên liên quan. UNICEF tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến lược này. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trong giai đoạn tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để bố trí nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật, giải pháp triển khai hiệu quả hoạt động nước sạch và vệ sinh nông thôn.
Theo đó, Bộ sẽ tập trung vào việc rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Hoàn chỉnh hệ thống quản lý cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn từ Trung ương đến địa phương; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về nước sạch và vệ sinh nông thôn.
Bộ chỉ đạo hướng dẫn các địa phương thực hiện tổ chức quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn đảm bảo hiệu quả, bền vững, thích ứng thiên tai, biến đổi khí hậu. Hướng dẫn triển khai dự án thành phần cung cấp nước sạch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát, sửa đổi bổ sung chính sách tín dụng về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn…/.

Theo bnews.vn 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày