Thứ 2, 06/05/2024, 03:50[GMT+7]

Quảng Ninh: Đảm bảo công tác an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS

Thứ 4, 30/03/2022 | 14:34:16
537 lượt xem
Những năm qua, công tác an sinh xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được tỉnh triển khai, thực hiện mạnh mẽ. Điều này góp phần giúp bà con nơi đây vơi bớt khó khăn, có thêm động lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Các thầy, cô trường mầm non xã Quảng Đức, huyện Hải Hà chỉnh trang lại khuôn viên trường học trong năm học 2021- 2022.

Quảng Sơn là xã vùng DTTS của huyện Hải Hà. Thời gian qua, công tác đảm bảo an sinh xã hội, lao động, việc làm và giảm nghèo ở xã đặc biệt được quan tâm. Dịp tết Nguyên đán 2022, Đảng, Nhà nước cùng các cơ quan đoàn thể và các nhà hảo tâm đã quan tâm hỗ trợ, tặng quà Tết cho hơn 300 hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã. Năm 2021, có 141 hộ nghèo, hộ chính sách của xã được hỗ trợ tiền điện. Ngoài ra, xã còn thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, của tỉnh, của huyện trong công tác giảm nghèo, giảm hộ cận nghèo trên địa bàn. Chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn được duy trì hiệu quả; riêng năm 2021, trạm y tế xã đã khám và điều trị cho 15.987 lượt người...

Không chỉ với Quảng Sơn, mà công tác an sinh xã hội được tỉnh triển khai mạnh mẽ ở vùng đồng bào DTTS trong suốt những năm qua. Giáo dục đào tạo được quan tâm với việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học, sắp xếp lại hệ thống trường học, lớp khu vực đồng bào DTTS đảm bảo phù hợp, hiệu quả. Năm 2021 đã có 5 trường học vùng DTTS được xây dựng, sửa chữa lại các công trình, hạng mục với tổng mức đầu tư 41,76 tỷ đồng; việc hỗ trợ tiền ăn, tiền ở cho học sinh vùng DTTS theo quy định của Trung ương, của tỉnh cũng được các địa phương thực hiện tốt.

Cán bộ xã Húc Động, huyện Bình Liêu tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của các hộ dân trong xã, từ đó đề xuất cụ thể các giải pháp giúp đỡ người dân phát triển kinh tế gia đình.

Cùng với đó, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh vùng DTTS trên địa bàn, tỉnh giao Sở Y tế xây dựng dự thảo chính sách ưu tiên thu hút, đãi ngộ đối với nguồn nhân lực bác sĩ tại các đơn vị y tế vùng khó khăn, đặc thù giai đoạn 2021- 2025. Các sở, ngành liên quan và các địa phương thường xuyên rà soát, quản lý, cấp thẻ BHYT kịp thời cho các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT. Đến nay, BHXH tỉnh đã thực hiện chi trả 100% kinh phí hỗ trợ cấp thẻ BHYT theo quy định cho 64.655 người dân sinh sống tai các xã, thôn mới ra khỏi vùng khó khăn và người đang sinh sống tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí hỗ trợ 21,5 tỷ đồng. Tỉnh còn tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ từ Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh, qua đó năm 2021, có 4.509 người DTTS đang sinh sống tại các xã mới ra khỏi vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn được hỗ trợ từ quỹ này với tổng kinh phí 2,562 tỷ đồng.

Các địa phương cũng hỗ trợ đầy đủ, kịp thời, trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đối tượng là trẻ em, người cao tuổi thường trú tại các xã vùng DTTS và miền núi trên địa bàn theo quy định của Trung ương và của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai một loạt các giải pháp để giảm nghèo cho người dân vùng đồng bào DTTS; rà soát lại hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh cụ thể của các hộ để có phương pháp hỗ trợ phù hợp. Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2021 theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 1.525 hộ nghèo, chiếm 0,41% tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó có 952 hộ nghèo là DTTS. Việc giúp hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất cũng được các đoàn thể, chính quyền địa phương hỗ trợ tích cực. Năm 2021, tại 67 xã vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh có 36.400 hộ vay vốn với dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 1.472,3 tỷ đồng.

Người dân huyện Ba Chẽ phấn khởi khi có khu khám chữa bệnh mới được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Nguyễn Hoa

Quảng Ninh còn tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS; hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân vùng DTTS. Năm 2021 có 420 người DTTS được đào tạo nghề lao động nông thôn. Để thúc đẩy phát triển du lịch vùng DTTS, tỉnh đã xây dựng 4 làng DTTS gồm: Làng người Tày ở Ba Chẽ, Làng người Sán Chỉ ở Bình Liêu, Làng người Dao Thanh Y ở Móng Cái và Làng người Sán Dìu ở huyện Vân Đồn. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ đầu tư 26 công trình giao thông, 30 công trình thủy lợi, 15 công trình giáo dục, 6 công trình y tế, 10 công trình văn hóa, 2 công trình chợ thương mại, 12 công trình nước sạch tại các xã vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn.

Việc đảm bảo chính sách an sinh xã hội tiếp tục là động lực để bà con vùng đồng bào DTTS nỗ lực đầu tư sản xuất, từ đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Theo baoquangninh.com.vn