Thứ 7, 23/11/2024, 10:34[GMT+7]

Động lực xây dựng nông thôn mới ở Đầm Hà (Quảng Ninh)

Thứ 3, 12/04/2022 | 07:41:37
708 lượt xem
Đầm Hà xác định công tác giảm nghèo chính là yếu tố quyết định tạo sự phát triển bền vững, đến nay, huyện Đầm Hà không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo chỉ còn 0,25% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2021). Và xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những giải pháp tiên quyết góp phần vào thành công này.

Mô hình trồng cam của gia đình ông Lương Vĩnh Khiêm, thôn Tân Lương, xã Tân Bình.

Triển khai chương trình xây dựng NTM, Đầm Hà được xác định là một địa phương khó khăn bởi hầu hết các tiêu chí, chỉ tiêu phải làm từ đầu, nhất là về đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, về nâng cao mức thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, diện mạo huyện Đầm Hà ngày càng khang trang, sạch, đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, có sự phân công, phân cấp quản lý, đầu tư cụ thể với phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

Trong hơn 10 năm qua, Đầm Hà đã huy động được hơn 4.300 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM từ nhiều nguồn vốn khác nhau cho đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế... Đến nay, toàn huyện 100% đường từ trung tâm các xã tới huyện được nhựa hóa, bê tông hóa; 114,83/125,84km đường trục thôn được bê tông hóa; hệ thống kênh mương thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho 86% diện tích đất nông nghiệp...

Đến hết năm 2021, huyện có 8 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là Quảng Tân, Tân Bình, Dực Yên, Đầm Hà, Tân Lập. Kinh tế tiếp tục duy trì và phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2021 của huyện đạt trên 15%/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 62,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%; tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, nước sạch đạt 73,29% tại khu vực nông thôn... Đặc biệt, đến hết tháng 11/2021, huyện Đầm Hà không còn hộ nghèo và là huyện được chính phủ công nhận hoàn thành chương trình NTM.

Chị Nguyễn Thị Hiền (HTX Tuyền Hiền) là người đã thực hiện thành công nhân giống gà bằng công nghệ thụ tinh nhân tạo. Mỗi năm cung cấp từ 250.000-300.000 con gà giống bản địa Đầm Hà ra thị trường.

Huyện xác định, tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, đây là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài. Do đó, ngoài nhân rộng những mô hình liên kết phát huy hiệu quả như: Chăn nuôi gà bản Đầm Hà, xuất khẩu quế, ớt... đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thì hai lĩnh vực mũi nhọn là chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển nhanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định cho người dân... Nhiều chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật được tổ chức, đã làm thay đổi cơ bản tư duy sản xuất của bà con nông dân. Ngày càng có nhiều nông dân biết đầu tư thâm canh, sản xuất theo hướng hàng hóa để cung ứng cho thị trường. Hiện huyện đã xây dựng được 655 vườn đạt chuẩn NTM, 5.078 hộ gia đình NTM kiểu mẫu.

Những giải pháp của huyện Đầm Hà về khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến kỹ thuật vào sản xuất; phối hợp với các ngành, các viện nghiên cứu khoa học ở Trung ương và địa phương để xây dựng và triển khai các đề án, dự án phát triển kinh tế ứng dụng công nghệ cao đã góp phần tích cực tạo động lực, tiếp sức giúp cho người nông dân thêm nhiều cơ hội mới trong sản xuất, canh tác nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, vươn lên làm giàu.

Mô hình trồng dưa lưới của gia đình anh Trương Thế Đô, thôn Đông, xã Dực Yên, tạo việc làm cho hàng chục lao động thời vụ tại địa phương.

Từ kết quả giảm nghèo năm 2021, cùng với các giải pháp đồng bộ, huyện Đầm Hà tiếp tục rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo Nghị định số 07/2021/QĐ-TTg ngày 27/1/2021 của Chính phủ “Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025" để từ đó, đưa ra các giải pháp phù hợp giúp người nghèo nỗ lực vươn lên. Theo đó, qua rà soát số hộ nghèo 143 hộ bằng 1,29%; hộ cận nghèo 430 hộ bằng 3,89%. Huyện Đầm Hà đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2024, huyện không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo còn dưới 0,5% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; 8/8 xã đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu và huyện Đầm Hà đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu vào năm 2025.

Việc giảm nghèo đối với một địa phương còn nhiều khó khăn như Đầm Hà đã khó, nhưng để việc giảm nghèo tiến tới con số 0 bền vững vẫn là sự trăn trở của cấp ủy đảng, chính quyền huyện. Vì thế, để biến những trăn trở đó thành hành động cụ thể, huyện Đầm Hà không chỉ tiếp tục hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, mà còn đổi mới cách thức tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị thu nhập trên mỗi diện tích đất thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, liên kết tạo ra chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng những sản phẩm mang thương hiệu của địa phương.

Theo baoquangninh.com.vn