Làng bên bến nước
Thực tế, nước là nguồn sinh dưỡng và cũng là thế lực có thể hủy diệt mọi thứ khi nó tràn qua. Nước là yếu tố “đánh thức” sự hồi sinh của vạn vật, cụ thể hơn, lũ lụt là một trong những nỗi kinh hoàng nhất đến từ thiên nhiên đối với con người. Sự tàn phá của lũ lụt là hiểm họa thiên nhiên được xếp trước cả hỏa hoạn trong bốn cái đáng sợ nhất trên đời (thủy, hỏa, đạo, tặc). Nước là nguồn cảm hứng vô tận đối với cuộc sống con người, làm cho con người vừa muốn chế ngự vừa muốn sùng bái. Dân gian vùng Hưng Hà có câu ca: “Nhất cao là núi Tản Viên/Nhất sâu là nước Thủy Tiên - Phú Hà (Phú Hà thuộc xã Tân Lễ)” hay: “Trăm cửa bể phải nể cửa Vường (cửa sông Hồng đổ vào sông Trà Lý), cửa Vường phải nhường cửa Luộc”…
Đất đai, cương vực Thái Bình từ ngàn xưa đã được các bậc vương triều xếp vào “ven bờ, cuối bãi” có đặc điểm ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển. Nhưng, vùng đất này lại có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong công cuộc bảo vệ và dựng xây giang sơn gấm vóc. Lẽ thường, con người từ miền trung du xuống hạ lưu phải thích nghi với môi trường sông nước, đối mặt với “bão lũ” mà tồn tại. Nhờ nước mà có tôm, cá. Vì thế, nước vừa là “thủy tặc, thủy quái”, nước lại là ân nhân, hóa thành “thủy thần” nhập thế. Dư ảnh của xã hội ấy còn đến đời sau, ở tỉnh ta miếu “Long thần” nhiều hơn lầu “Thổ địa”, thần Hà Bá, Long Vương nhiều hơn thần núi và các đền đài tiêu biểu đều gắn với Long thần như: Mẫu Thoải (Mai Diêm, Thái Thụy), Trần Đông, Trần Điển (đền Tam Tòa), Nam Hải Đại Vương - Phạm Hải (An Cố, Thái Thụy). Bích Ba Đại Vương, Vua Cha Bát Hải (Quỳnh Phụ), Lại Tân Đại Vương, mẫu cửa Luộc (Hưng Hà), Thủy Tề, Long Vương (Vũ Thư) đều có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống tâm linh người dân ven biển tỉnh nhà, thậm chí nhiều vị thần còn ảnh hưởng tới cả vùng bến sông, cả đồng bằng Bắc Bộ như thần “Vua cha Bát Hải” và 9 Quan Hoàng với các Long Vương cửa Hát, cửa Bạch Hạc, cửa Giám, cửa Tuần Vường...
Đi theo dải đất sa bồi, những xóm làng được hình thành gắn với những câu chuyện về những con người hiệt kiệt xen gối đời nọ, đời kia, vương triều nọ, vương triều kia. Chuyện làng Mẽ (khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) có từ thời các vua Hùng còn được kể rằng “vào năm 1943 một người đi lấy đất sét về làm đầu rau (ông vua bếp) tình cờ đã tìm thấy những mũi tên đồng, lưỡi tuyết đồng, lục lạc đồng có niên đại cách ngày nay 2500 năm”. “Khi Pháp đánh đến Thái Bình (1950) người dân ở đây đào hầm tránh Pháp đã gặp những đường hầm cao, rộng, người có thể giang hai tay đi thẳng đứng, dưới đường hầm, tường hầm xây toàn bằng đá hình lưỡi búa. Có người nói đó là những mộ Hán nhưng cũng có người bảo đó là đường hầm do vua Chiêu Tông đào để chống nhà Mạc”.
Cụ cố Nguyễn Văn Bân, người được coi là “có chữ” ở làng Mỹ Xá xưa và nhiều người còn nói đất Mỹ Xá, nơi xây Thuần Mỹ điện, nếu đứng trước cửa điện thì nhìn thấy hình chữ vương, đứng phía sau điện lại nhìn ra hình chữ đế. Cạnh làng Mỹ Xá có sông cầu Nại, còn gọi sông Thái sư vì do Thái sư Trần Thủ Độ cho đào để thuận tiện cho thuyền bè từ sông Hồng vào sông Luộc, theo sông Thái sư về Tinh Cương nơi có mộ tổ nhà Trần. Trần Thủ Độ cho đào sông ấy còn để cho Ngự Thiên, Long Hưng đất phát tích, đất dựng nghiệp nhà Trần mùa màng tốt tươi, cho hậu phương vững mạnh. Có người nói Trần Thủ Độ cho đào sông ấy vì nghe thầy địa lý bảo “đào sông cầu Nại, vạn đại đế vương”. Dân gian trong vùng còn truyền tụng về thế đất của lộ Long Hưng và một số vùng trong lộ: “Bách nhạn quần cư/Long Khê trường mạch/Nham Lang bàn Thạch/Hoàng giang thuận phương/Đại phát đế vương/Trung phát tể phụ/Tiền phát công khanh/Thiên thu dằng dặc/Thế thế viên thành”. Thời Lý, đất Lưu Xá được phân phong cho Lưu Ngữ công thần của nhà Tiền Lê. Theo ngọc phả đền Lưu Xá được biết Lưu Ngữ người Cửu Chân (châu Ái) “giỏi thi thư, văn võ kiêm toàn”.
Lưu Ngữ được tuyển làm quan Thì tụng thăng đến chức Thái Bảo được ban lộc điền ở vùng ngã ba sông (sông Hồng chia chi lưu, sông Luộc) thuộc châu Đằng (từ năm 1005 là phủ Thái Bình). Lý Cao Tông (1176 - 1210) kinh thành Thăng Long có loạn Quách Bốc vua Cao Tông phải chạy đi Quy Hóa Giang (vùng Phú Thọ ngày nay) Thái tử Sảm chạy về Ngự Thiên (Thái Bình). Theo sách Việt sử lược thì đức nguyên tổ Trần Lý đã đốc suất thủy quân đến kinh thành rước Thái tử Sảm và mẹ là bà nguyên phi Đàm Thị và hai người em gái cùng mẹ đưa về nhà Đàm thị ở Hải Ấp. Trần Lý cùng Phạm Ngu đưa thái tử Sảm về Mang Nhân (nơi có cung Ngự Thiên) lên ngôi, xưng là Thắng Vương, ít lâu sau lại đưa Thắng Vương đến ở nhà công quán thôn Lưu Gia. Sử cũ chỉ ghi: “Hoàng Thái tử (Sảm) đến thôn Lưu Gia ở Hải Ấp nghe tiếng con gái Trần Lý có nhan sắc bèn lấy làm vợ”. Cuộc gặp gỡ giữa Thái tử triều Lý với cô gái họ Trần đã mở ra một kỷ nguyên mới cho họ Trần ở Tinh Cương, kỷ nguyên họ Trần thiết lập vương triều Đại Việt rực rỡ.
Chuyện bản kê khai công trạng của họ Đinh ở tổng Y Đún (năm Cảnh Hưng năm thứ 8 (1747) là ví dụ điển hình, từ buổi đầu tụ nghĩa ở Lũng Nhai đến thời Lê Trung hưng, công lao sự tích của họ Đinh (Đô Kỳ - Y Đún) được nhà Lê thừa nhận, sách phong. Tên làng Đô Kỳ từ xưa đã lưu truyền sự tích: Khi Tư Thành vào tuổi niên thiếu, Đinh Liệt và các đại thần đã cho xây dựng một cứ địa để tập hợp lực lượng. Các ông đã chọn vùng đất khi ấy còn nhiều hồ ao, sông nước giữa các làng Đồng Phó, Duyên Trường, Khánh Lai... cho dựng ở đây một ngôi chùa, cổng chùa được trồng hai cây thị để lên cao quan sát (nay đã ngoài 600 tuổi) xung quanh cho đắp thành lũy... Bốn góc làng có 4 đội binh canh giữ, dân gian quen gọi “Tứ trấn” (sau thành 4 miếu: Am Sách, Tây Thành, Bắc Long, Đông Lãng). Tin trên bay về kinh thành, bà Thái hậu Nguyễn Thị Anh cho người về dò la, những người được cử về thấy cảnh lạ liền thốt lên “quả là một kỳ đô”. Từ đó, nơi ấy có địa danh Đô Kỳ.
Về dòng họ Đinh ở Đô Kỳ cùng hai cây thị được truyền ngôn lại: “Đinh Tôn Nhân (Đinh Lan) người tổng Đô Kỳ làm quan thời Lê Nhân Tông. Thời đó có tên Nghi Dân giết vua Nhân Tông và Thái hậu rồi lên làm vua trong 7, 8 tháng Đinh Tôn Nhân cùng với Đinh Liệt đã đánh đuổi được Nghi Dân và đưa Lê Thánh Tông lên ngôi. Đinh Tôn Nhân lập được nhiều công lớn được phong “Bình Chương quân quốc trọng sự” thường về quê thăm gia đình nên dân làng đã trồng hai cây thị để mỗi lần ông về có nơi cột dây đỏ. Tại làng Đô Kỳ, hai cây thị ấy nay vẫn xanh tốt. Từ đó truyền tụng câu “Bàng Khánh Mỹ, thị Đô Kỳ” tạo thương hiệu cho những giống cây nổi tiếng.
Sách “Văn hóa và cư dân vùng đồng bằng Sông Hồng” do Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội ấn hành năm 2000 đã đưa ra bản đồ lịch sử phát triển sông Hồng, trong đó nhấn mạnh: “Đất đai thuộc huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ và phần lớn đất đai thuộc các huyện Tiên Hưng, Thư Trì, Thụy Anh (nay là Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư, Thái Thụy) có lịch sử từ 3000 - 2000 năm. Hầu hết đất đai các huyện Vũ Tiên, Đông Quan, Thái Ninh (nay thuộc Vũ Thư, Đông Hưng, Thái Thụy) có lịch sử 2000 - 1000 năm. Vùng Nam Kiến Xương, Tiền Hải và một phần Thái Ninh (Thái Thụy) có lịch sử từ 1000 năm trở lại đây theo xu hướng muộn dần”. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam