Thứ 5, 26/12/2024, 20:45[GMT+7]

Đổi thay ở vùng nông thôn miền núi Nam Trung bộ

Thứ 2, 18/04/2022 | 18:34:23
927 lượt xem
Trong những năm qua, phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trên khắp các vùng nông thôn, miền núi các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi… Ngoài nguồn vốn ngân sách của Trung ương, các tỉnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh.

Một góc thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa hôm nay

Ý Đảng hợp lòng dân đã tạo nên sức mạnh, đưa Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) khu vực Nam Trung bộ gặt hái nhiều thành tích. Bộ mặt nông thôn ở nhiều vùng quê đổi thay từng ngày, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng cao. Để phát huy hơn nữa Chương trình xây dựng NTM, các tỉnh đang tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo bước phát triển đột phá.

Đổi thay đi lên

Đến thăm xã Sơn Hạ, một trong những xã đi đầu trong việc xây dựng NTM của huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi), Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hạ Nguyễn Thị Thúy Viên cho biết, khi xây dựng NTM, xã còn nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 2.711 hộ với 10.063 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Hre chiếm hơn 80%, tỷ lệ hộ nghèo gần 48%.

Sau gần 8 năm kiên trì thực hiện từng tiêu chí dựa trên cơ sở nền tảng của một xã miền núi với nguồn lực hiện có của địa phương là chính, đồng thời lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2020, xã Sơn Hạ đã về đích NTM. Kinh tế - xã hội phát triển, cơ sở hạ tầng được xây dựng ngày càng khang trang, đời sống Nhân dân được nâng cao với mức thu nhập bình quân hơn 41 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,17% (năm 2020).

Dẫn chúng tôi đi trên những con đường bê tông thoáng đãng, sạch sẽ, ông Nguyễn Vàng, Trưởng thôn Trường Khay (xã Sơn Hạ) cho biết, người dân và cộng đồng dân cư giữ vai trò là chủ thể trong việc xây dựng NTM. Họ được biết, được bàn, được quyết định, tự làm, tự giám sát và được thụ hưởng. Chính từ việc hiểu được ý nghĩa thiết thực của việc xây dựng NTM, người dân trong xã đã nỗ lực, vượt khó, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung, trồng cây keo lai hom, ớt, sắn cho hiệu quả cao. Nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, cây cối hoa màu làm đường bê tông, kênh mương thủy lợi, trồng cây cảnh quan trên đường làng, ngõ xóm, làm bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc.

Tương tự như xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà của tỉnh Quảng Ngãi, hàng trăm địa phương khác trong khu vực Nam Trung bộ đều có xuất phát điểm thấp, nhưng với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của người dân trong chương trình xây dựng NTM đã làm cho đời sống người dân miền núi thật sự chuyển mình. Như tại tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM đạt hơn 38.000 tỷ đồng, riêng người dân trong tỉnh đóng góp hơn 261 tỷ đồng; còn lại vốn Trung ương hơn 739 tỷ đồng và vốn huy động các đơn vị doanh nghiệp, địa phương hơn 37.000 tỷ đồng.

Người dân huyện An Lão (Bình Định) tham gia làm đường NTM 

Bà Lê Mô Hờ Um (tên thường gọi Mí Cách) là già làng, Người có uy tín tại buôn Zô, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên cho biết, tham gia làm đường giao thông nông thôn mỗi người đều góp một phần nhỏ, góp công sức và ai cũng nhường một phần diện tích đất ven đường để mở rộng đường giao thông trong buôn. “Nhờ có đường giao thông, việc vận chuyển mía, sắn của bà con được dễ dàng hơn, bà con chúng tôi tiếp tục tham gia cùng Nhà nước xây dựng NTM đạt kết quả cao hơn”, bà Mí Cách nói.

Tại tỉnh Ninh Thuận, 20/37 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn NTM; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân hằng năm giảm từ 3 - 4%, hiện còn 14,46%; thu nhập bình quân đầu người tăng lên 30,4 triệu đồng (năm 2021), tăng 1,19 triệu đồng so với năm 2020. Đồng chí Tà Thía Banh, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hà, huyện Thuận Nam cho biết: Ý thức xây dựng NTM của bà con được nâng lên, nhiều mô hình sản xuất được triển khai phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương đã đem lại hiệu quả cao. Đến nay, Phước Hà đã hoàn thành 13/19 tiêu chí về NTM.

Cần quyết tâm mạnh mẽ

Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều nơi khó khăn của vùng đất Nam Trung bộ, chúng tôi ghi nhận, một trong những thành công lớn của chương trình xây dựng NTM ở miền núi, vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn là người dân đã từng bước khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Hầu hết những hộ có đất sản xuất, được hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật để phát triển sản xuất, biết học hỏi, chịu khó làm ăn đều thoát nghèo bền vững, nhiều hộ còn sắm được cả xe ô tô.

Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) Nguyễn Văn Nhuận cho biết, Khánh Sơn là huyện nghèo, xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế còn khó khăn, doanh nghiệp hoạt động nhỏ lẻ... cho nên địa phương gặp khó khăn trong huy động đóng góp từ Nhân dân và doanh nghiệp vào xây dựng NTM. Trong khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách còn hạn chế so với nhu cầu, nhất là trong đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn. Mặt khác, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương cũng gặp một số khó khăn do sản xuất nông nghiệp chưa bền vững, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, thị trường tiêu thụ nông sản bấp bênh…

Theo ông Bùi Văn Dự, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, dù địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng vẫn còn một số người dân chưa thật sự nhiệt tình tham gia. Năm 2021 do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến tiêu chí thu nhập, đồng bào DTTS trên địa bàn xã không được hưởng chính sách bảo hiểm y tế, nên tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế chưa đạt so với chỉ tiêu…

Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, tại một số địa phương xây dựng NTM chưa quan tâm nhiều đến tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững… Công tác chỉ đạo của một số địa phương có nơi, có lúc chưa thật sự sâu sát, quan tâm đúng mức, chưa phát huy được khả năng huy động nguồn lực tham gia tự nguyện từ Nhân dân, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ ngân sách nhà nước cấp trên.

Diện mạo NTM huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) ngày càng khởi sắc

Để phát huy hơn nữa Chương trình xây dựng NTM, các tỉnh khu vực Nam Trung bộ đang tập trung xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo đà phát triển đột phá. Như Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành Chương trình hành động về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025; với mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 7 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM (chiếm tỷ lệ 63,63%), trong đó có một huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; có 85% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó: có 20% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10% số xã đạt NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, cùng với ngân sách Trung ương, tỉnh đã chủ động cân đối bố trí ngân sách địa phương, đồng thời huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp và mọi tầng lớp Nhân dân cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, đến thời điểm này, toàn tỉnh có hai huyện là Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và 93 xã đạt chuẩn NTM. Điều đáng ghi nhận, sau khi đạt chuẩn NTM, nhiều địa phương ở Quảng Ngãi tiếp tục chú trọng phát triển các khu dân cư kiểu mẫu, các xã NTM nâng cao gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Điển hình như huyện Mộ Đức, chính quyền huyện chỉ đạo các xã tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí của 12/12 xã NTM và 6 khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, đồng thời phấn đấu xây dựng thêm 5 khu dân cư kiểu mẫu và 2 xã NTM nâng cao trong năm 2022…

Theo baodantoc.vn