Thứ 5, 02/05/2024, 10:46[GMT+7]

Quảng Ninh dồn lực gỡ khó tiêu chí môi trường nông thôn

Thứ 2, 25/04/2022 | 09:16:25
456 lượt xem
Để đảm bảo mục tiêu toàn tỉnh về đích nông thôn mới (NTM) năm 2022, một trong những yêu cầu đặt ra cho các địa phương của Quảng Ninh là phải khẩn trương hoàn thành tiêu chí về môi trường nông thôn, vốn luôn được đánh giá là một trong những nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Nhân dân xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà dọn dẹp vệ sinh đường thôn, bản. Ảnh: Thu Nguyệt

Cần sự thay đổi nhận thức

Ngàn Vàng Trên là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Đồng Tâm (huyện Bình Liêu). Từ trung tâm xã phải đi hơn 10km đường dốc núi mới có thể đến nơi. Ghé thăm một căn nhà cấp 4 còn tươi màu sơn mới ở đầu thôn, chúng tôi được chủ nhà là ông Chìu Tắc Phu (62 tuổi) tươi cười chào đón. Ông Phu vừa rót nước mời mọi người, vừa kể không dứt những câu chuyện vui từ khi sống trong căn nhà mới của gia đình.

Căn nhà mới của gia đình ông Chìu Tắc Phu (thôn Ngàn Vàng Trên, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu) hoàn thành năm 2021.

Ông Phu bảo: Được nghe cán bộ xã tuyên truyền, xem thông tin trên truyền hình, tôi đã hiểu việc “thiếu cái nhà vệ sinh” sẽ ảnh hưởng lớn thế nào đến sức khỏe của gia đình mình. Do đó, khi quyết định xây nhà mới, tôi bàn với các con phải xây nhà vệ sinh cho thật cẩn thận, không được giữ tư tưởng lạc hậu, xem đây chỉ là công trình phụ mà coi thường. Việc đầu tư cho hệ thống dẫn nước sinh hoạt, rèn luyện thói quen ăn ở gọn gàng, sạch sẽ từ nhà ra ngõ... cũng được cả gia đình chú trọng hơn. Chỉ có vậy thì cuộc sống mới tốt hơn, con cháu mình mới khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật...

Thay đổi suy nghĩ, xóa bỏ tư tưởng lạc hậu để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng tiếc là không phải toàn bộ các gia đình ở Ngàn Vàng Trên đều nhận thức và làm được như gia đình ông Chìu Tắc Phu. Đơn cử như chỉ cách đó một đoạn dốc, căn nhà của anh Chìu Văn Quay (29 tuổi) lại hiện ra trước mắt chúng tôi vô cùng nhếch nhác, ngoài sân lổn nhổn những vụn gỗ mục, vài mảnh bao bố, miếng bìa các tông đã mủn ra vì ngấm nước... Nhà vệ sinh chỉ được dựng tạm bợ, ẩm thấp, nổi đầy mảng rêu xanh. Hoàn toàn có thể nhìn ra nguy cơ phát sinh mầm bệnh ngay từ trong nhà.

Thấy chúng tôi có ý thắc mắc, anh Quay chỉ cười xòa bảo rằng, do mình và vợ đều phải đi làm vất vả cả ngày, ít có thời gian để chăm lo cho nhà cửa gọn gàng.

Đoàn công tác Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh kiểm tra thực tế công tác vệ sinh môi trường tại xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu (tháng 3/2022).

Có thể thấy, việc phấn đấu hoàn thành tiêu chí môi trường nông thôn luôn là một bài toán khó, cần có được đồng thời sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và sự tham gia tích cực của mỗi người dân, tạo thành nền nếp của cả cộng đồng. Nhất là đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, người dân nhìn chung còn nhiều thói quen lạc hậu cần phải thay đổi như: Chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gần nhà ở, còn giữ nếp sinh hoạt không gọn gàng, sạch sẽ...

Xác định điều này, giải pháp của huyện Bình Liêu những năm qua là liên tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, vận động nhân dân thực hiện giữ gìn vệ sinh từ nhà ra ngõ; vận động xã hội hóa hàng trăm tấn xi măng, gạch và ngày công để hỗ trợ người dân xây dựng công trình nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh; xây dựng phương án thu gom, xử lý rác sinh hoạt phù hợp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thuyết phục của người uy tín, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên...

Kinh nghiệm của các địa phương khác trong tỉnh để giải “bài toán khó” môi trường nông thôn cũng rất phong phú, có thể được vận dụng hiệu quả. Như tại huyện Hải Hà, Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát động phong trào thi đua “Ngày nghỉ cùng nhân dân”, huy động CBCC từ huyện tới cấp xã cùng tham gia những hoạt động chỉnh trang môi trường với nhân dân các khu dân cư, góp phần cổ vũ phong trào thi đua sôi nổi. Còn tại TX Đông Triều, nổi bật với các mô hình, phong trào của các cấp hội phụ nữ, hội nông dân để phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng vào cuộc trong toàn thể hội viên và nhân dân...

Quyết tâm cao trong năm 2022

Tại những địa phương vùng sâu, miền núi, thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM luôn được xem là một nhiệm vụ khó. Bởi không thể giải quyết chỉ bằng nguồn ngân sách đầu tư, mà còn phụ thuộc nhiều vào sự chuyển biến nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, thói quen trong sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tuy nhiên, có thể khẳng định, những giải pháp đồng bộ, quyết liệt đã và đang được triển khai đã tạo sự chuyển biến đáng kể.

Năm 2022, để đảm bảo mục tiêu toàn tỉnh về đích NTM, các địa phương cuối cùng của tỉnh đang phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM cấp huyện là Ba Chẽ, Bình Liêu, Vân Đồn, Hạ Long đều đang rất khẩn trương dồn lực cho việc hoàn thành tiêu chí này.

Như tại huyện Ba Chẽ, địa phương đã nhận định rõ những hạn chế lớn về lĩnh vực môi trường như: Hệ thống thu gom, xử lý rác thải còn thiếu số lượng, kém hiệu quả; chưa đảm bảo được tỷ lệ không gian, cảnh quan môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch đẹp và an toàn...

Để khắc phục, huyện đặt ra những giải pháp rất cụ thể trong triển khai thực hiện, bao gồm: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của huyện phối hợp với các xã trong thực hiện hiệu quả phong trào “Ngày thứ 7 nông thôn mới”, “Ngày Chủ nhật xanh”, cùng nhân dân dọn vệ sinh môi trường nơi công cộng, trồng hoa các tuyến đường nông thôn, vẽ tranh tường tạo cảnh quan; triển khai xây dựng các điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt, lắp đặt gần 400 thùng rác công cộng gắn với tuyên truyền thực hiện phân loại rác tại từng hộ gia đình; tiếp tục đầu tư nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung...

Còn tại huyện Bình Liêu, lời giải cho bài toán về môi trường nông thôn được đặt ra cho cả năm 2022 là phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh. Trong đó, phương pháp tuyên truyền, vận động phải được tăng cường hơn so với trước đây, phát huy trách nhiệm nêu gương, bám sát địa bàn dân cư của từng cán bộ, đảng viên. Đồng thời, huyện cũng sẽ tranh thủ sự hỗ trợ, đồng hành sát sao của các ngành, địa phương trong tỉnh để có thêm nguồn lực cho việc xóa 100% nhà tiêu chưa hợp vệ sinh; xây dựng mô hình thu gom, tái chế, xử lý rác thải sinh hoạt có hiệu quả; quản lý, duy tu thường xuyên các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt tập trung...

Một tuyến đường hoa tại thôn Đài Mỏ, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn.

Bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngay từ đầu năm, Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cũng rất khẩn trương vào cuộc để hỗ trợ các địa phương hoàn thành chương trình xây dựng NTM, đặc biệt là với tiêu chí về môi trường. Cụ thể là việc phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân trong từng thôn, bản nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nền nếp vệ sinh tại gia đình và cộng đồng dân cư, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, hoạt động tự quản về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng...

Đặc biệt, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng 847 nhà tiêu hợp vệ sinh cho người dân tại Bình Liêu và Ba Chẽ. Theo kế hoạch, việc kêu gọi kinh phí hỗ trợ, huy động nguồn lực xong trước ngày 30/4. Việc vận động nhân dân triển khai xây dựng xong trước ngày 30/9. Mức hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/nhà tiêu hợp vệ sinh; dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ là gần 3,4 tỷ đồng.

Quảng Ninh đặt mục tiêu năm 2022 hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Để đạt được điều này, điều kiện cần là các địa phương đã được công nhận NTM, NTM nâng cao trước năm 2021 phải nâng cấp các tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025.

Riêng 4 địa phương cuối cùng chưa "về đích" là Hạ Long, Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu phải gấp rút hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu để được công nhận đạt chuẩn NTM trong năm nay. Cùng với đó là huyện Đầm Hà, Tiên Yên cũng hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu để được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Theo baoquangninh.com.vn