Thứ 5, 21/11/2024, 23:09[GMT+7]

Một số giải pháp phòng ngừa học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật và bị xâm hại

Thứ 6, 24/05/2013 | 07:45:32
41,380 lượt xem
Những năm qua, do tác động mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế đặc biệt là về kinh tế, văn hóa xã hội, mặt trái của khoa học công nghệ, thông tin, sự giao thoa của các tội phạm trong nước, quốc tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến đạo đức lối sống của một nhóm học sinh, sinh viên.

Học sinh, sinh viên Trường Sư phạm Mầm non với sân chơi văn hóa giao thông. Ảnh: Ngọc Trâm

Mỗi năm toàn quốc có khoảng 3.000 học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đồng thời có hàng nghìn trẻ em bị xâm hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra. Ở Thái Bình mỗi năm trung bình có trên 1.000 vụ phạm tội về hình sự, kinh tế, ma túy, trong đó số vụ do lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên gây ra chiếm tỷ lệ đáng kể.

Qua khảo sát 334 trường học với 195.448 học sinh, sinh viên ở Thái Bình, từ tháng 01/2010 đến tháng 3/2013 có 2.151 em vi phạm pháp luật, trong đó vi phạm về hành chính 2.072 em chủ yếu về trật tự an toàn giao thông, đốt pháo nổ, đánh nhau gây thương tích, trộm cắp, đánh bạc…; bị truy cứu trách nhiệm hình sự 79 em về các tội: giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, môi giới mại dâm, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp tài sản… Số học sinh, sinh viên bị xâm hại do các hành vi vi phạm pháp luật là 265 em, có những vụ đặc biệt nghiêm trọng như hiếp dâm, giao cấu với trẻ em dẫn đến mang thai, làm nhục người khác rồi tung hình ảnh lên mạng.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng có xu hướng gia tăng, với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt đặt ra cho công tác giáo dục, chăm lo thế hệ trẻ trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thường xuyên, đòi hỏi các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình đều phải tích cực vào cuộc, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp công tác phòng chống tội phạm trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, góp phần  kiềm chế các loại tội phạm, giảm thiểu học sinh, sinh viên bị xâm hại. Một số giải pháp phòng ngừa chủ yếu như sau:

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật: Các cấp, các ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Xác định phương châm lấy phòng ngừa là chính, nâng cao chất lượng, áp dụng linh hoạt đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến làm mọi tầng lớp nhân dân trong đó có học sinh, sinh viên nhận thức rõ nhiệm vụ quan trọng cấp bách trong phòng ngừa đấu tranh ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật hoặc bị xâm hại.

Đề cao vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội: Nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em. Tăng cường hoạt động của hội cha mẹ học sinh, phối hợp với nhà trường, đoàn thể chính quyền để quản lý, giáo dục, rèn luyện giúp các em học tập tốt, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội. Nhà trường tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy các môn đạo đức, giáo dục công dân, pháp luật trong các cơ sở giáo dục; chỉ đạo các cấp đoàn, đội duy trì hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tham gia. Chính quyền địa phương tăng cường phối hợp với nhà trường bảo đảm công tác an ninh học đường, tổ chức các cuộc kiểm tra, ký cam kết thu hồi vũ khí, vật liệu nổ; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên vận động các gia đình quan tâm, chăm sóc, quản lý con cái, lắng nghe ý kiến của các em để cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong học tập, quan hệ bạn bè, gia đình, xã hội.

Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực: ngành Văn hóa, thông tin và truyền thông tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở kinh doanh văn hóa phẩm, dịch vụ internet. Ngành Giáo dục và đào tạo đẩy mạnh quản lý cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lối sống; không trù dập, đối xử thô bạo với học sinh, sinh viên; tạo niềm tin và môi trường học tập lành mạnh trong nhà trường. Ngành Công an tăng cường quản lý an ninh trật tự, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có điều kiện vi phạm pháp luật, lợi dụng lôi kéo học sinh, sinh viên tham gia.

Tăng cường  xử lý hành vi vi phạm, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm trong học sinh, sinh viên. Ngành Công an chủ động phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Tòa án nhân dân tăng cường xét xử lưu động các vụ án nhằm răn đe, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa chung cho học sinh, sinh viên.

                                                Liễu Lập
(Sở Tư pháp)

  • Từ khóa