Thứ 7, 30/11/2024, 14:29[GMT+7]

Thị trường công nghệ xanh toàn cầu dự báo đạt 74,64 tỷ USD vào 2030

Thứ 2, 27/06/2022 | 14:41:58
502 lượt xem
Theo thống kê của Research and Market, quy mô thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu được định giá 13.2 tỷ USD vào năm 20201 và dự kiến đạt 74,64 tỷ USD vào năm 2030, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 21,9% từ 2021 đến 2030. Báo cáo tập trung vào triển vọng tăng trưởng, những hạn chế và xu hướng của công nghệ xanh toàn cầu.

Công nghệ xanh bao gồm các giải pháp thân thiện với môi trường mang lại hiệu quả kinh tế và bền vững xã hội. Hiện, chính phủ các quốc gia trên thế giới đang đầu tư cho công nghệ xanh hướg đến mục tiêu bảo vệ môi trường và khắc phục các tác động tiêu cực đến môi trường trong quá khứ. Điều này tạo ra triển vọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường công nghệ xanh.

Trong báo cáo của Research and Market, thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu được khảo sát dựa trên yếu tố về nền tảng công nghệ, tính ứng dụng và khu vực.

Về yếu tố công nghệ, thị trường được phân chia thành Internet of Things (IoT), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và phân tích, kỹ thuật số kép, an ninh mạng và blockchain. Theo khảo sát, yếu tố công nghệ IoT dẫn đầu thị trường vào năm 2021 và được dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng.

Yếu tố thúc đẩy sự phát của phân khúc công nghệ IoT là sự phát triển của cách mạng trong kết nối, góp phần hạn chế ô nhiễm và phát thải, giảm khai thác đồng thời giảm thiểu chi phí vận hành và tiêu thụ điện năng. Mảng phân tích và trí tuệ nhân tạo cũng được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ cao nhất trong giai đoạn 2021-2030, do sự gia tăng áp dụng trí tuệ nhân tạo và phân tích giữa các ngành công nghiệp khác nhau trên toàn cầu.

Xét theo tính ứng dụng, công nghệ xanh được áp dụng vào nhiều lĩnh vực gồm công trình xanh, quản lý khí thải carbon, giám sát và dự báo thời tiết, theo dõi ô nhiễm không khí và nước... Trong đó, công trình xanh được dự báo là phân khúc có khả năng sinh lời cao nhất trong thị trường. Công trình xanh là sự kết hợp giữa kiến trúc và và quá trình vận hành thân thiện với môi trường, tận dụng tối ưu tài nguyên trong suốt toàn bộ chu kì hoàn thành của một toà nhà: từ lúc lên kế hoạch thiết kế, xây dựng, hoạt động, bảo trì, cải tạo và phá huỷ.

Công nghệ IoT dẫn đầu thị trường vào năm 2021 và được dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng. Ảnh: Research and Market

Công nghệ IoT dẫn đầu thị trường vào năm 2021 và được dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng. 

Đồng thời, báo cáo của Research and Markets khảo sát thị trường gồm châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và LAMEA (gồm Mỹ Latin, Trung Đông và châu Phi). Thị trường công nghệ xanh và bền vững phát triển mạnh tại Bắc Mỹ vào 2020 và vẫn sẽ duy trì vị trí dẫn đầu thị trường công nghệ xanh trong thời gian dự báo. Điều này được lý giải do việc áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng ở Bắc Mỹ và sự gia tăng các sáng kiến của chính phủ nhằm giảm lượng khí thải carbon.

Tuy nhiên, châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn từ 2021 đến 2030, do sự xuất hiện của công nghệ xanh, vốn nổi lên như một phương pháp đổi mới sinh thái trong khu vực.

Theo đánh giá của Enable Startup, quy mô thị trường và mức độ tăng trưởng mang đến tiềm năng lớn cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ xanh tại châu Á. Tại Đông Nam Á, nhiều ý tưởng khởi nghiệp ứng dụng công nghệ xanh được ra đời giải quyết các bài toán về môi trường và kinh tế.

Một số mô hình nổi bật tại Đông Nam Á phải kể đến Verdigris Technologies, Sensorflow là các ứng dụng sử dụng công nghệ tiên tiến như AI, điện toán đám mây để giải quyết vấn đề về năng lượng. Too Good To Go là ứng dụng điện thoại thông minh miễn giúp các cửa hàng và nhà hàng bán thực phẩm dư thừa.Ý tưởng này có thể hoàn toàn phù hợp để áp dụng ở các nước Đông Nam Á, vì hơn 50% tổng lượng rác thải trong khu vực đến từ rác thải thực phẩm. Bên cạnh đó, nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề môi trường ngày càng được cải thiện, đặc biệt là trong nhóm Millennials và Gen Z.

Theo vnexpress.net