Thứ 7, 06/07/2024, 17:28[GMT+7]

Để thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến Kỳ 1: Tạo chuyển biến trong thanh toán không dùng tiền mặt

Thứ 4, 06/07/2022 | 22:37:21
1,541 lượt xem
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chú trọng phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) như: thanh toán điện tử, thẻ ATM, E-banking, smart banking, internet banking, thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS)… đến mọi khách hàng. Trong thời kỳ công nghệ số, thực hiện quyết liệt và mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TTKDTM càng trở nên cần thiết và hữu ích.

Thanh toán học phí qua máy POS tại Trung tâm Ngoại ngữ Polo (phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 26 chi nhánh ngân hàng, 85 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động, 8 chi nhánh cấp huyện và thành phố, 91 phòng giao dịch, 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô, 44 quỹ tín dụng nhân dân mở rộng địa bàn sang 62 xã và 260 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, phường, thị trấn. Với quy mô rộng khắp trong toàn tỉnh đồng thời với đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), do đó có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu thực hiện các giao dịch thanh toán của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn. 

Bà Phan Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh triển khai kịp thời, đầy đủ các cơ chế, chính sách, quy định của Nhà nước, của Ngân hàng Nhà nước về lĩnh vực thanh toán, đặc biệt là TTKDTM. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh còn tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tích cực phối hợp với ngành ngân hàng triển khai thực hiện đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để khuyến khích khách hàng thanh toán trên các kênh giao dịch ngân hàng điện tử đồng thời thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, hạn chế tập trung đông người, ngoài việc triển khai các chương trình khuyến mại thì các TCTD trên địa bàn tỉnh còn quan tâm phát triển nhiều dịch vụ với các tính năng vượt trội giúp khách hàng có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi, dễ dàng, thuận tiện như: gửi tiền online, chuyển tiền không cần nhớ số tài khoản, thanh toán bằng mã QR, thanh toán các loại hóa đơn, dịch vụ...; chú trọng nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, bảo đảm thuận tiện cho người sử dụng nhưng an toàn, bảo mật; đẩy nhanh phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử. 

Bên cạnh phát triển TTKDTM trong khu vực nhà nước, thời gian qua, việc thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng được đẩy mạnh. Đến hết tháng 5/2022, trên địa bàn tỉnh có 1.890 đơn vị ký hợp đồng trả lương qua tài khoản với gần 9 triệu lao động được trả lương qua tài khoản, trong đó có 1.418 đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước với gần 1,7 triệu lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Các TCTD trên địa bàn thực hiện TTKDTM đối với 7 loại dịch vụ công gồm: thu thuế, phí, tiền điện, nước, học phí, viện phí, viễn thông, bưu chính và chi trả an sinh xã hội; giai đoạn 2018 - 2021 thực hiện thanh toán 1.225.397 món với tổng giá trị 25.754 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5%/năm. Việc đẩy mạnh TTKDTM đối với các dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội thông qua các TCTD trên địa bàn đã góp phần giúp doanh nghiệp và nhân dân tiếp cận các hình thức thanh toán hiện đại, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thanh toán bằng tiền mặt. 

Nhân viên Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình hướng dẫn khách hàng sử dụng app Vietcombank Digibank trên điện thoại di động.

Triển khai tích cực các giải pháp, dịch vụ TTKDTM đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến hết tháng 6/2022, toàn ngành đã mở gần 1,4 triệu tài khoản, phát hành trên 1,6 triệu thẻ thanh toán các loại với tổng doanh số thanh toán ước đạt 862.000 tỷ đồng, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm 2021; lắp đặt 195 máy ATM, 910 máy POS tại hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại và các điểm kinh doanh, mua sắm với số tiền được giao dịch đạt gần 9.000 tỷ đồng. Ngoài các phương thức thanh toán qua thẻ, các TCTD trên địa bàn cũng triển khai phương thức thanh toán thông qua các app ứng dụng trên điện thoại thông minh như internet banking, mobile banking và các ví điện tử như: ViettelPay, ZaloPay, Ví MoMo..., qua đó không chỉ giúp người dân từng bước thay đổi thói quen không sử dụng tiền mặt mà còn tiết kiệm được thời gian, chi phí và bảo đảm an toàn. 

Chị Nguyễn Thị Diên, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Polo, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình
Trung tâm Ngoại ngữ Polo được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2015. Trung tâm hiện có 10 cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 300 học viên. Khi dịch Covid-19 xuất hiện, Trung tâm quyết định sử dụng dịch vụ POS của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thái Bình làm kênh thanh toán chính trong việc thu học phí của học viên. Việc sử dụng dịch vụ POS trong thanh toán học phí đã mang lại nhiều tiện ích cho cả học viên và Trung tâm, giúp Trung tâm tiết kiệm được nhân sự trong việc thu tiền mặt, tránh tình trạng thu phải tiền giả, tiền rách, đặc biệt là tiết kiệm thời gian mang tiền mặt đến ngân hàng để nộp vào tài khoản của Trung tâm; đồng thời, khi sử dụng dịch vụ POS đã hỗ trợ Trung tâm rất nhiều trong việc thanh toán lương, thưởng cho nhân viên và thanh toán các khoản chi phí khác. Dịch vụ POS rất dễ sử dụng và trong quá trình sử dụng Trung tâm luôn nhận được sự hỗ trợ từ phía ngân hàng.

Chị Trần Thị Hiền, thôn Thái Phú Thọ, xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư 
Là địa phương xa trung tâm nên trước đây mỗi khi thực hiện các giao dịch rút tiền từ tài khoản tôi đều phải đến ngân hàng mà gần nhất là ở xã Vũ Tiến - cách xã Hồng Phong 7km. Chính vì thế, khi Quỹ Tín dụng nhân dân Hồng Phong triển khai ứng dụng ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking trên điện thoại di động tôi đã đăng ký sử dụng ngay từ ngày 1/4. Tôi thấy đây là dịch vụ rất phù hợp và cần thiết bởi thông qua ứng dụng tôi có thể thanh toán được tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, chuyển tiền... một cách nhanh chóng và tiện lợi; đặc biệt, việc sử dụng các dịch vụ này hoàn toàn miễn phí nên đã góp phần động viên, khuyến khích khách hàng.

Anh Nguyễn Đức Đạt, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình 
Do công việc chính của tôi là bán hàng online nên việc sử dụng ứng dụng Vietcombank Digibank của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã đem lại rất nhiều tiện ích cho tôi như: chuyển tiền nhanh 24/7, tiết kiệm online, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, thanh toán QR Pay, đặt vé máy bay/ khách sạn, mua sắm trực tuyến... Đặc biệt, với dịch vụ gửi tiết kiệm online đã giúp tôi có thể gửi được tiết kiệm ngay trên điện thoại di động mà không phải đến trực tiếp ngân hàng.  

(còn nữa)

Minh Hương