Chủ nhật, 19/05/2024, 07:01[GMT+7]

Người con ưu tú làng Son

Thứ 4, 31/08/2022 | 17:38:39
16,404 lượt xem
Năm 2009, với sự giúp đỡ của Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Thái Bình tiếp nhận một số tài liệu, hiện vật về đồng chí Nguyễn Khang, người con của làng Son, xã Quang Minh, huyện Kiến Xương đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 tại Hà Nội. Đây là những hiện vật quý về thế hệ cách mạng tiền bối đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và là niềm tự hào của quê hương Thái Bình.

Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đình Son, thôn Nguyên Kinh, làng Son, xã Quang Minh, huyện Kiến Xương, nơi Chi bộ Kênh Son từng họp bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945.

Quang Minh (gồm hai xã Quang Hưng và Minh Hưng sáp nhập) thuộc huyện Kiến Xương là địa bàn có phong trào cách mạng từ rất sớm. Ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, xã đã có tổ chức cơ sở đảng, làng Son thành lập chi bộ đảng sớm nhất và là địa bàn hoạt động tích cực của các chiến sĩ cộng sản trong xã. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, lớp lớp thanh niên ưu tú của xã đã tìm đến với Đảng, tham gia hoạt động cách mạng và trưởng thành. Hiện toàn xã có 39 người được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu lão thành cách mạng, 13 bà mẹ được truy tặng và phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, làng Son được Xứ ủy Bắc Kỳ chọn làm địa điểm đặt cơ quan ấn loát tài liệu tuyên truyền cách mạng của cả Xứ ủy và Tỉnh ủy Thái Bình. Nguyễn Khang là thanh niên ưu tú trong làng sớm giác ngộ cách mạng, ông là người đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ, được Xứ ủy tin tưởng, tuyển chọn làm nhiệm vụ biên tập, soạn thảo và in ấn các tài liệu tuyên truyền cách mạng. Với tinh thần cách mạng, ông bỏ dở sự học ở Thành Nam về làng tham gia kháng chiến.

Cái tên Nguyễn Khang được chọn đặt cho một tuyến phố trung tâm thành phố Hà Nội. Ông tên khai sinh là Nguyễn Văn Đệ, sinh năm 1919 tại thôn Nguyên Kinh, làng Son, xã Minh Hưng, nay là xã Quang Minh, huyện Kiến Xương trong một gia đình thuộc tầng lớp trung nông. Thuở thiếu thời, ông được gia đình gửi sang quê ngoại ở làng Hành Thiện (Nam Định) học chữ. Vốn thông minh, hay chữ, Nguyễn Khang là trò giỏi của trường. Tại đây, ông đã được tiếp cận lớp thanh niên có tư tưởng yêu nước, tiến bộ, từ đó trong ông nung nấu ý chí cách mạng đập tan xích xiềng quân xâm lược, giải phóng quê hương, đất nước, 26 tuổi đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa quy mô lớn ở Hà Nội.

Từ làng Son, phong trào cách mạng lan rộng, nhiều lớp đàn anh trong làng giác ngộ lý tưởng cách mạng đã tác động tích cực đến lập trường, tư tưởng của Nguyễn Khang. Đáp lại, ông cũng hòa theo lớp đàn anh tham gia hoạt động cách mạng với quyết tâm giải phóng quê hương khỏi lầm than nô lệ. Thời điểm năm 1937, Mặt trận Bình dân Pháp lên nắm chính quyền đã ban bố mở rộng quyền tự do, dân chủ cho các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Nguyễn Khang trở thành người soạn thảo, biên tập và ấn loát tài liệu tuyên truyền cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ. Được Đảng tin cậy giao nhiệm vụ, Nguyễn Khang đã mang hết nhiệt huyết cách mạng và năng lực của mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đến năm 1939, tình hình quốc tế có chiều hướng thuận lợi đối với phong trào cách mạng của nước ta, thời cơ chuẩn bị cho cuộc cách mạng lớn đang dần chín muồi, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định điều động Nguyễn Khang lên Hà Nội, hoạt động trong “Đoàn Thanh niên xã hội và phản đế”, đây là điều kiện để hạt giống đỏ của Thái Bình thâm nhập sâu vào quần chúng, từ đó có kế hoạch tham mưu cho Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo phong trào cách mạng tại Hà Nội. Không lâu sau đó, vào những năm 1940 - 1941, ông được giao các nhiệm vụ: Phụ trách Đoàn Thanh niên phản đế Hà Nội, Bí thư Ban Chấp hành và Bí thư Đảng đoàn Thanh niên phản đế liên tỉnh: Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây - Bắc Ninh. Ông cũng được chỉ định tham gia Thường vụ Thành ủy Hà Nội, phụ trách thanh niên, Báo Tiền phong và nhóm thợ Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1942, trong lúc đang làm nhiệm vụ tại Hà Nội, ông đã bị địch vây bắt và đưa về giam tại nhà tù Hỏa Lò. Năm 1943, ông bị thực dân Pháp đưa ra xét xử, kết án 5 năm tù và 15 năm khổ sai. Ông bị đày đi nhà tù Sơn La. Trong thời gian bị giam cầm, địch tra tấn ông dã man nhưng với khí phách kiên cường của người cộng sản, với lòng trung trinh với Đảng, với phong trào cách mạng, với đồng chí, đồng đội của mình, ông cắn răng chịu đựng những trận đòn tra tấn chết đi sống lại, kiên quyết không khai đường dây hoạt động cách mạng. Dùng cực hình tra tấn nhưng kẻ địch vẫn không làm cho ý chí cách mạng kiên trung của Nguyễn Khang lung lay. Ông cùng các đảng viên khác trong nhà tù xây dựng Chi bộ nhà tù Sơn La, tổ chức các hoạt động đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của bọn cai ngục, vận động tù nhân tương thân tương ái, giúp đỡ nhau vượt qua gian khổ, tin tưởng vào chính nghĩa. Bọn cai tù Sơn La bỗng dưng thấy tù nhân thương nhau như anh em một nhà, bị tra tấn vẫn một lòng tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc, chúng đặt nghi vấn có người tổ chức, vận động và chúng nhằm tới Nguyễn Khang. Chúng nhanh chóng đày ải Nguyễn Khang ra Côn Đảo nhằm cắt đứt mối liên hệ mật thiết của Nguyễn Khang với tù nhân trong ngục tù Sơn La. Lợi dụng sơ hở của địch, Nguyễn Khang đã tìm cách trốn thoát. Ông đã tìm về Xứ ủy Bắc Kỳ và được Xứ ủy đưa về hoạt động bí mật. Tháng 3/1944, Nguyễn Khang tham dự hội nghị cán bộ của Xứ ủy Bắc Kỳ và được Xứ ủy cử giữ chức vụ Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp phụ trách địa bàn Hà Đông - Sơn Tây - An toàn khu của Xứ ủy và làm biên tập viên Báo Cứu Quốc, Báo Hồn Nước. Ngày 11/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, tình thế cách mạng chuyển biến tích cực, thời cơ cách mạng đã đến, Trung ương ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Với cương vị Chủ tịch Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội, thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ, ông kịp thời ra quyết định vào thời điểm quan trọng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại các tỉnh trong địa bàn hoạt động của Xứ ủy Bắc Kỳ. Ông trực tiếp là người vạch kế hoạch và chỉ huy cuộc đánh úp tước vũ khí của quân Pháp tại đồn Bản (Yên Nhân) làm cho kẻ địch hoảng loạn. Trong điều kiện mỏng về lực lượng, khó khăn về vũ khí, đạn dược nhưng với tinh thần dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, bám sát, nắm chắc tình hình, thời cơ cách mạng, ông vừa là chỉ huy cao nhất vừa là người trực tiếp tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội, tạo tiền đề cho phong trào khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương còn lại mà đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân.

Hồi ký của đồng chí Trường Chinh, cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có đoạn viết: “Về đến Hà Nội mấy hôm sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, tôi đến ngay trụ sở Thành ủy nghe Ủy ban khởi nghĩa (lúc ấy gọi là Ủy ban quân sự cách mạng) báo cáo. Đồng chí Nguyễn Khang, Ủy viên Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa trình bày. Qua báo cáo tôi nhận thấy Thành ủy đã nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, của Bác, đã biết nắm chắc thời cơ, phân tích đúng tình hình, so sánh lực lượng, biết sử dụng sức mạnh áp đảo của quần chúng, buộc quân Nhật phải nhường bước cho cách mạng giành chính quyền… Lúc ra về, tôi nhìn một lượt các đồng chí trong Thành ủy, đều là những người ở lứa tuổi 20, đồng chí Nguyễn Khang khi ấy 26 tuổi, cách mạng và tuổi trẻ đã hòa với nhau trong một mùa thu lịch sử và cách mạng đã làm cho cả dân tộc ta hồi sinh và trẻ lại”.


Quang Viện