Thứ 5, 25/04/2024, 21:05[GMT+7]

Bài 5: Công tác cán bộ nhìn từ vụ án Việt Á

Thứ 4, 28/09/2022 | 11:17:32
362 lượt xem
Chưa bao giờ Đảng ta lại quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực như giai đoạn hiện nay. Cùng với chỉ đạo của Trung ương, các cơ quan chức năng và các tỉnh, thành đã vào cuộc với phương châm “dọc ngang thông suốt, trên dưới đồng lòng”. Chỉ riêng đại án Việt Á, trong một thời gian ngắn đến nay đã có đến hơn 100 người bị khởi tố để điều tra, trong đó có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng. Vụ án Việt Á để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm về công tác cán bộ.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Bộ Chính trị tổ chức - Ảnh: Phạm Cường.

Tham nhũng, tiêu cực nguy cơ tồn vong chế độ

Ông Bùi Văn Cường - Tổng thư ký Quốc hội cho biết, khi Ban Chấp hành Trung ương tổ chức phiên họp bất thường để thi hành kỷ luật hai ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất nghẹn ngào khi phát biểu. Không nghẹn ngào sao được khi đồng chí của mình vấp ngã, khi sự phấn đấu rèn luyện gần cả cuộc đời lại bị gục ngã trước “kim tiền”...

Điều đó cho thấy rõ, Tổng Bí thư luôn thường trực sự quyết liệt, giữ đúng nguyên tắc của Đảng nhưng lại rất nhân văn, nhân ái. Tất cả vì lợi ích của Đảng, của nhân dân và nhân ái, nhân văn với những người biết sửa sai và tự vươn lên, tự gột rửa.

Trong một lần tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư nhấn mạnh đến quyết tâm trong phòn,g chống tham nhũng: “Trong công tác phòng, chống tham nhũng không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông. Phải bằng luật pháp. Phải “nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp. Giao cho anh quyền thì cũng phải có cái roi, cái đòn để anh không thể, không dám và không muốn tham nhũng”:

Từ trước, dư luận nói nhiều đến “vùng cấm”. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi còn sống đã từng nhấn mạnh với báo chí rằng, có người nói chỉ tắm từ vai trở xuống nhưng đã tắm thì phải gội đầu. Riêng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì nói cụ thể hơn là không có vùng cấm và xử lý bất kỳ người đó là ai.

Nghị quyết Đại hội Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII tháng 01/1994 xác định bốn nguy cơ: Tụt hậu về kinh tế, chệch hướng XHCN, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tới nay, cả 4 nguy cơ đã được Đảng chỉ ra vẫn đang tồn tại, thậm chí có phần gay gắt, phức tạp hơn. Tham nhũng đã trở thành quốc nạn, là một trong 4 nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ thì không thể không làm.

Có thể thấy rõ thời gian gần đây, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, làm rất quyết liệt, nhưng nhân văn, nhân đạo, rất có lý, có tình, tâm phục, khẩu phục. Ông đau xót khi phải thi hành kỷ luật đồng chí của mình. “Tôi đã nói không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót. Các đồng chí thấy khi nào tôi nói về vấn đề này cũng đều rất xúc động. Bác Hồ đã nói cưa đi một vài cành cây sâu để cứu cả cái cây. Xử lý một vài người để cứu muôn người. Vấn đề này là vấn đề rất chiến lược nhưng làm phải có lý, có tình. Cho nên phải xây dựng luật, phải có tổ chức".

Tính nhân văn, nhân đạo chính là vì cái chung. Lợi ích riêng phải nằm trong lợi ích chung, đó chính là “lợi ích hài hoà”. Không ai có thể tách khỏi cái chung mà chỉ nghĩ đến riêng mình.

Tổng Bí thư thường nhấn mạnh đến tính nhân văn, nhưng nhân văn không đồng nghĩa với buông lỏng kỷ luật. Tính nhân văn phải đặt trong mối quan hệ hài hoà giữa lợi ích chung- riêng.

“Cắt vài cành để cứu một cây” là thông điệp vừa kiên quyết nhưng cũng rất nhân văn, nhân đạo. Ai cũng hiểu chỉ cắt khi không còn cách thức nào khác. Vì thế, nhiều lần Tổng Bí thư nói rằng, danh dự mới là điều thiêng liên cao quí nhất và đề nghị mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa).

Sai phạm của các ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long, Phạm Xuân Thăng… trong vụ đại án Việt Á cụ thể ra sao, các cơ quan tố tụng đang tiến hành sẽ làm rõ. Nhưng có thể nói các ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long, Phạm Xuân Thăng… đã tự tước đi quyền của người đảng viên, đánh mất đi “điều thiêng liêng cao quí nhất là danh dự của mình”, đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương thoái hoá, tự  diễn biến, tự chuyển hóa làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng thì không thể thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật.

Quy trình rất nhiều nhưng không nắm được cán bộ?

Nhiều ý kiến có chung nhận định, vụ đại án kit xét nghiệm Việt Á cho chúng ta thấy rõ ràng hơn những tồn tại trong công tác cán bộ đã được nhận diện từ lâu. Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương là người có tới 30 năm công tác tại Ban Tổ chức Trung ương, khi đề cập tới việc các Ủy viên Trung ương Đảng cùng hàng loạt cán bộ ở nhiều tỉnh, thành bị khai trừ Đảng, khởi tố do liên quan tới đại án Việt Á, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng: Lỗi không phải ở quy trình công tác cán bộ. “Công tác cán bộ có thể nói ngày càng chặt chẽ hơn. Nghĩ ra cái gì cho nó kín kẽ, dân chủ, khách quan hơn là chúng ta đã làm hết rồi” -  ông Hà nói.

Minh họa: nguồn Báo Lao động. 

Thực tế trong những năm qua, với quan điểm cán bộ là “then chốt của then chốt”, rất nhiều văn bản, quy định, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ được ban hành nhằm ngăn chặn những lỗ hổng trong công tác cán bộ. Năm 2018, tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã ban hành Nghị quyết 26 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ với những quan điểm, mục tiêu mới và toàn diện. Trong đó, Nghị quyết 26 đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

Đại hội XIII của Đảng là Đại hội đầu tiên chúng ta triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ mà Nghị quyết 26 đặt ra. Các quy trình về công tác cán bộ với “3 vòng, 5 bước” được thực hiện một cách chặt chẽ. Thế nhưng, sau Đại hội XIII chỉ 6 tháng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam bị Bộ Chính trị cách toàn bộ chức vụ trong Đảng cả 3 nhiệm kỳ (2010 - 2015, 2015 - 2020 và 2020 - 2025). Ngay sau đó, ông Nam bị khởi tố, bắt tạm giam do hàng loạt sai phạm từ năm 2012 khi còn là Phó chủ tịch UBND tỉnh này. Và tới nay, cùng lúc 3 Ủy viên Trung ương Đảng là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương bị khởi tố, bắt tạm giam. “Điều đó cho thấy là để đánh giá một cán bộ là cực kỳ khó khăn, không phải đơn giản”, ông Nguyễn Đức Hà nêu rõ.

Cùng vấn đề này, ông Lê Vĩnh Tân - nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong lần trả lời chất vấn tại Quốc hội cuối năm 2019 cũng thừa nhận “chúng ta làm rất chặt quy trình 5 bước, 3 vòng” nhưng lại “không nắm được cán bộ”. “Chúng ta làm rất nhiều quy trình, rất nhiều thủ tục, rất nhiều tiêu chuẩn, nhưng chúng ta chọn không đúng người, không hiểu được người, không hiểu được cán bộ”, ông Tân nói.

Thực tế, tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc, thậm chí sai người, sai việc đã được Nghị quyết 26 của Trung ương Đảng chỉ ra. Vấn đề ở chỗ vì sao quy trình thì rất đúng, rất đủ, thậm chí rất chặt chẽ, nhưng việc chọn cán bộ vẫn sai sót?

Từ đại án Việt Á, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng: Việc chọn cán bộ hiện còn bó hẹp, chưa rộng rãi và công khai nên không tránh được sai sót. “Nếu giải quyết được việc lựa chọn người rộng rãi hơn, công khai hơn, minh bạch hơn thì chắc chắn người tài sẽ xuất hiện”, ông Vân nói, và phân tích việc chọn người một cách máy móc, bị ràng buộc bởi quá nhiều tiêu chí mà lại trong một khuôn khổ hẹp thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu.

Theo ông Vân, việc chọn đúng người để giao các trọng trách của Đảng, Nhà nước là vấn đề quan trọng.“Chọn người đúng là gì? Là người đó phải biết vị trí của mình cần phải làm gì. Đó là người phải có nhận thức đúng đắn và hiểu biết pháp luật để vận hành ngành mình cho đúng mục tiêu quản lý của nhà nước, đúng đường lối của Đảng. Nếu anh ngồi tới ghế bộ trưởng mà không biết vận hành bộ máy đúng pháp luật thì đừng leo lên ghế ấy nữa”, ông Vân nói.

Dù cho rằng vấn đề nằm ở nhận thức, sự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, chứ không phải ở quy trình, song ông Nguyễn Đức Hà nhận xét: Việc những trường hợp có sai phạm từ cách đây cả chục năm như ông Trần Văn Nam vẫn vượt qua các quy trình để vào Trung ương cho thấy tính chiến đấu, phê bình và tự phê bình của các tổ chức đảng còn yếu. “Tình trạng nể nang, né tránh, sợ cấp trên, sợ lãnh đạo là có, nên những trường hợp sai phạm cả chục năm như thế nhưng không biết, không phát hiện ra được”, ông Hà nhìn nhận.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam  cũng nêu vấn đề: Những sai phạm của các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long lại xảy ra ngay trước thềm Đại hội XIII và trong bối cảnh cả nước đang gặp muôn vàn khó khăn vì dịch bệnh. Ông Nguyễn Thanh Long lần đầu được bầu vào Trung ương Đảng, còn ông Chu Ngọc Anh đã từng có 1 khóa Ủy viên Trung ương dự khuyết, 1 khóa là Ủy viên chính thức trước khi tái cử Trung ương Đảng khóa XIII. “Cũng phải xem xét lại công tác tổ chức cán bộ của chúng ta vừa qua, sao lại để lọt những con người như thế?”, ông Túc nói.

Ông Túc đề xuất công tác cán bộ phải làm chặt chẽ hơn. “Không chỉ trong Đảng mà phải thăm dò ý kiến của dân nữa. Hiện mình làm công tác tổ chức nhiều khi chỉ ở trong Đảng với nhau thôi. Trong khi đó, có những người dân người ta biết rất rõ cán bộ có những hạn chế, khuyết điểm nào”, ông Túc nói.

Một điểm đáng lưu ý, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức nhà nước hiện vẫn “chưa thỏa đáng”. Theo quy định hiện hành, chủ tịch UBND tỉnh, bộ trưởng lương cũng chỉ 14 - 15 triệu đồng/tháng. Ai cũng biết các ông chủ tịch tỉnh, bộ trưởng không thể sống bằng lương. Khi công chức phải sống bằng những khoản thu nhập ngoài lương thì khó mà đảm bảo họ và cả vợ con họ có thể vượt qua những cám dỗ. Ông Nguyễn Túc cho rằng, nói gì thì nói vẫn phải tăng lương cho công chức. “Lương bộ trưởng hiện cũng chỉ 15 triệu trong khi một vụ như Việt Á tiền hoa hồng lên tới hàng trăm tỉ đồng thì khó mà tránh được những cán bộ tặc lưỡi, hay nhắm mắt đưa chân”, ông Túc nói.

Theo ông Túc, vụ án Việt Á là một điển hình của sự liên minh, thâu tóm móc ngoặc. “Đáng lưu ý là gần đây tham nhũng đang lan vào cả đội ngũ trí thức, những ngành, lĩnh vực mà người dân cả nước tôn trọng gọi bằng thầy, là lĩnh vực giáo dục và y tế”, ông Túc nói và cho rằng, để hạn chế được tham nhũng thì cùng với giám sát quyền lực, cùng với công tác cán bộ, phải làm sao để cán bộ ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, ngăn chặn sự tha hóa, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của nhiều cán bộ hiện nay.

Đại dịch COVID-19 chính là ngọn lửa thử vàng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên từ cấp trung ương đến cơ sở và phép thử của ngọn lửa này đã làm một loạt cán bộ, công chức mờ mắt, gục ngã trước kim tiền. Điển hình của phép thử này là trường hợp của các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và Phạm Xuân Thăng đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, vi phạm về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng…

Có người đặt câu hỏi là cái gì chi phối con người ta hành động như vậy? Cái gì vượt qua cả lương tâm, trách nhiệm của một Ủy viên trung ương là bộ trưởng, bí thư tỉnh… để họ hành động kiểu như vậy? Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, gọi đúng tên sự vật, hiện tượng, không vòng vo, né tránh. Không làm được điều này sẽ rất khó rút ra được cái gì đáng giá trong công tác cán bộ.

Vậy thì sự thật như thế nào, thực tiễn cán bộ lãnh đạo đang ra sao? Những cơ quan, những lĩnh vực nào đang dễ có nguy cơ sinh ra tiêu cực, tham nhũng nhất? Chí ít, nếu nhận diện được những vấn đề này thì việc xem xét, bố trí cán bộ lãnh đạo ở đây có thể sẽ tốt hơn, ít gây ra tiêu cực, tham nhũng trong tương lai và đi kèm là những thay đổi trong cơ chế, thể chế quản lý có liên quan.

Tới đây, các cơ quan phụ trách nhân sự của Đảng và Nhà nước sẽ phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm từ các vụ kỷ luật một loạt cán bộ, công chức lãnh đạo ở trung ương và địa phương thời gian qua để từ đó bố trí cán bộ lãnh đạo trúng hơn, đúng hơn./.

Theo dangcongsan.vn