Thứ 7, 27/04/2024, 09:55[GMT+7]

Quảng Bình: Thích ứng với biến đổi khí hậu từ chương trình nông thôn mới

Thứ 4, 22/02/2023 | 10:44:16
1,545 lượt xem
Hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp của người dân thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu (BĐKH). Vì vậy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp, ngành đã xây dựng nhiều giải pháp và mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH nhằm đảm bảo các tiêu chí về xây dựng NTM.

Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH nhằm đảm bảo các tiêu chí về xây dựng NTM.

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương đánh giá, để thích ứng với BĐKH, trong quá trình xây dựng NTM, nhiều địa phương đã có những cách làm và phương thức đa dạng. Trong đó, việc xây dựng và phát triển các HTX để huy động sức mạnh tập thể được coi là phù hợp hơn cả.

HTX đóng góp vào tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM

Chính vì vậy, cần ưu tiên hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX kiểu mới thích ứng với BĐKH hiệu quả ở mỗi vùng, cho mỗi hệ thống canh tác nông nghiệp để nhân rộng.

Đồng thời, phát triển các mô hình cộng đồng, HTX nông nghiệp ứng phó với thiên tai, BĐKH, mô hình làng sinh thái, mô hình làng nông nghiệp thích ứng với BĐKH, mô hình NTM gắn với bảo vệ môi trường.

“Tuy nhiên, để xây dựng NTM thích ứng với BĐKH đạt được mục tiêu đề ra, thì cần có nhiều nỗ lực trong nhận thức, tổ chức thực hiện của chính quyền cơ sở và người dân. Bởi lẽ, còn phụ thuộc vào chất lượng của khâu quy hoạch, nên các địa phương phải tính toán và xác định phương thức tổ chức thực hiện sao cho phù hợp. Lồng ghép các nội dung về thích ứng với BĐKH vào tiêu chí xây dựng NTM cần phải thực hiện đồng bộ ở các địa phương”, ông Sơn nhấn mạnh.

Tại Quảng Bình, hiện nay, BĐKH đang tác động lớn đến quá trình sản xuất nông nghiệp của người dân. Thiên tai có tần suất cao hơn và mức độ khốc liệt hơn, trong đó có thể kể đến như: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, cát bay cát lấp, rét đậm rét hại, lốc tố, sạt lở đất...

Để giảm thiểu rủi ro do thời tiết cực đoan mang lại, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được các HTX hướng đến.

Bà Trần Thị Ánh Hương, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Hải Nam, TP. Đồng Hới chia sẻ: HTX hiện đang có các sản phẩm chính là bột tía tô, rượu dâu tằm và rượu sim. Nguyên liệu sản phẩm là từ các thành viên HTX. HTX kiểm soát chất lượng và thu mua về để sản xuất và đóng chai.

Ngoài ra, HTX cũng đang nhận thi công các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho các địa phương trên địa bàn tỉnh. Nhận thấy đây là hướng sản xuất ưu điểm, vừa giảm được rủi ro do thời tiết, vừa cho hiệu quả kinh tế cao, HTX đã đầu tư diện tích 1ha để xây dựng nhà màng và hệ thống tưới nước tự động, từ đó trồng xen canh cây dâu tằm và cây tía tô nhằm chủ động đầu vào và kiểm soát chất lượng tốt hơn.

Xây dựng NTM trong điều kiện khắc nghiệt

Cùng với đó, tỉnh Quảng Bình cần hỗ trợ sản xuất cho người dân, HTX bằng cách trợ giúp giống, một số vật tư đầu vào phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng, hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Nhiều HTX đã giúp bà con thành viên từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Ngoài ra, để góp phần vào tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, cũng cần ưu tiên hỗ trợ HTX nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng với BĐKH gắn với tổ chức sản xuất quy mô lớn, cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu nông sản, phát triển đa dạng mô hình liên kết giữa HTX với doanh nghiệp, giữa HTX với hộ nông dân, mô hình chuỗi giá trị nông sản khép kín của HTX nông nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp, nông thôn, mô hình thích ứng BĐKH.

Nhờ đó, các mô hình HTX thích ứng với BĐKH ở Quảng Bình đã dần hình thành trong thời gian qua và đạt được những hiệu quả nhất định.

Tại HTX Tâm An, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, anh Nguyễn Ngọc Cương. Giám đốc HTX chia sẻ, vùng này là đất cát nghèo chất dinh dưỡng, thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của BĐKH, nên trồng cây cao su hiệu quả không cao, anh đã nghiên cứu và đưa ra quyết định chuyển sang trồng cây ăn quả và đưa công nghệ cao vào sản xuất.

Đất ở đây cằn cỗi, kém dinh dưỡng, không thể sản xuất độc canh, nên HTX đưa cây ổi và giống cây na Thái Lan, Đài Loan, vú sữa vào sản xuất xen canh. Đặc biệt, để ứng phó với khí hậu khắc nghiệt, HTX đã đầu tư 100 triệu đồng để xây dựng hệ thống tưới nước phun sương. Vì vậy, vào mùa hè, số diện tích cây ăn quả này vẫn phát triển xanh tốt và cho năng suất cao. Bên cạnh đó, do đặc điểm đất cát dễ bị xói mòn, rửa trôi nên HTX giữ một lớp cỏ trên bề mặt đất. Chính vì vậy, trong mùa mưa, đất vẫn giữ được chất dinh dưỡng tốt cho cây.

"Hiện, cây na Thái Lan, Đài Loan, vú sữa và ổi của vườn đều phát triển rất tốt. Do được chăm sóc và trồng theo mô hình an toàn nên đầu ra cho cây ổi và cây na Thái Lan là các cửa hàng rau sạch ở Quảng Bình và một số tỉnh phía Nam. Trung bình mỗi năm, từ vườn cây ăn quả này, gia đình tôi lãi khoảng 250 triệu đồng trở lên", anh Cương cho hay.

“Có thể thấy, HTX là lực lượng cốt lõi để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo đà cho xây dựng NTM bền vững. Thời gian qua, các HTX đã chung sức thực hiện phong trào thi đua “HTX chung sức xây dựng NTM”, đặc biệt là những nỗ lực hoàn thành tiêu chí số 17 – tiêu chí môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng NTM. Nhiều HTX đã giúp bà con thành viên từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp họ đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất, áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình canh tác, giảm thiểu tác hại của môi trường”, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương nói.

Theo vnbusiness.vn