Thứ 6, 29/03/2024, 06:45[GMT+7]

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới: Làm sao để không 'mặc đồng phục'?

Thứ 2, 27/02/2023 | 09:59:49
1,095 lượt xem
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhiều lần nhấn mạnh câu chuyện không 'mặc đồng phục' cho nông thôn, song thực tế cho thấy từ các tiêu chí được ban hành, hình ảnh nhiều xã nông thôn mới vẫn na ná nhau.

Mỗi địa phương nên có cách thức xây dựng nông thôn mới gắn với bản sắc của mình. (Ảnh minh họa)

Cần giữ gìn đặc thù địa phương

Nếu dừng chân ở một vài xã nông thôn mới (NTM), không ít người phải trầm trồ vì đường xá phong quang, mặt đường trải nhựa nhẵn thín, hai bên vỉa hè xây bó, có hệ thống rãnh thoát nước, cột điện đều tăm tắp đưa điện đến từng thôn… Đây là hình ảnh thường gặp ở các xã NTM nhưng lại khó đọng lại nét đặc thù ở mỗi nơi.

Từ Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, các địa phương sẽ ban hành Bộ tiêu chí của địa phương mình và câu chuyện “mặc đồng phục” không tránh khỏi. Trong chuyến khảo sát mô hình xây dựng NTM tại Hải Dương, Hải Phòng mới đây, câu hỏi được phóng viên đặt ra là “NTM của xã mình có gì đặc thù?”, thì câu trả lời vẫn là tập trung ở đường - điện - trạm - trường. Có chăng điểm khác ở mỗi xã là mức độ áp dụng khoa học công nghệ tại mỗi xã. Chẳng hạn, tại xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn (Hải Dương), Chủ tịch xã khẳng định không xã nào có hệ thống đường và sân bóng như Bạch Đằng, và chỉ cần 1 thao tác, trong 3 giây, điện sân bóng và điện toàn thôn, xã sáng trưng. Hay tại xã Tiên Thắng (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng), người dân đóng góp trang bị Camera ở toàn bộ trục đường chính của xã…

Trên đường từ trung tâm huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) về xã Tiên Thắng - một trong 3 xã NTM kiểu mẫu của Tiên Lãng, quãng đường chỉ khoảng hơn 1 km song rất ấn tượng bởi hình ảnh những chậu cây khá lớn cùng màu xếp san sát trên vỉa hè, cách nhau chỉ 1- 2m, thậm chí có chỗ chiếm hết vỉa hè. Hẳn vào mùa hoa nở, tuyến đường này sẽ tạo nên đặc thù riêng, nhưng hiện tại màu sắc quá nổi, kích cỡ của chậu cây đang khiến cho đoạn đường như được “mặc đồng phục”…

Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về Quy hoạch xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa giai đoạn 2021-2025 tổ chức mới đây cho biết, trong giai đoạn vừa qua, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đạt được những kết quả nổi bật, cả nước có 93,6% số xã đạt tiêu chí quy hoạch, là một trong những tiêu chí có kết quả khá cao trong Bộ tiêu chí NTM và có khoảng 1/3 số huyện đã có quy hoạch xây dựng vùng huyện.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM TW, một trong những tồn tại trong công tác quy hoạch là chưa quan tâm đến việc giữ gìn kiến trúc nông thôn, đặc biệt là vùng miền, thiếu không gian, kiến trúc đặc trưng, có hiện tượng đồng về cảnh quan, kiến trúc, khu vực nông thôn. Chưa có nhiều những nghiên cứu, những xây dựng mô hình kiểu mẫu về quy hoạch phù hợp với đặc trưng của từng vùng, miền và địa phương.

Nâng cao chất lượng xây dựng, thực hiện quy hoạch

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về Quy hoạch xây dựng NTM, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đưa ra ví dụ về quy hoạch của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) với sự nghiên cứu bài bản về cảnh quan nông thôn. Từ làng bản của người Thái, làng rèn đúc nông cụ, bảo tồn sinh vật cảnh, rừng nguyên sinh…Hay nhà người H’Mông làm bằng gỗ nhưng lợp tranh, riêng ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái lại có nét độc đáo riêng biệt là toàn bộ nhà được làm bằng gỗ pơmu.

“Chúng ta đừng lấy tư duy đô thị để quy hoạch nông thôn, đừng lấy cách chúng ta quản lý cách quy hoạch ở đô thị để áp dụng cho nông thôn. Như thế chúng ta sẽ không thành công”- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy một số địa phương chỉ đến khi hoàn thành thủ tục công nhận huyện NTM mới tiến hành xây dựng và phê duyệt quy hoạch vùng huyện, nên quy hoạch còn nặng về hình thức, để đủ theo yêu cầu của tiêu chí chứ chưa thực sự là công cụ trong tổ chức và quản lý không gian gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hay quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về cách sản xuất, các vấn đề xã hội như lao động, việc làm, văn hóa, lối sống ở nông thôn, các áp lực về môi trường, an ninh trật tự… trong khi chưa có quy định đặc thù trong xây dựng NTM ở các khu vực ven đô, khu vực quy hoạch phát triển thành đô thị.

Mới đây, theo Chỉ thị 04/CT – TTg của Thủ tướng về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống có nhiều chỉ tiêu được điều chỉnh trong đó đến 2030 đạt tối thiểu 80% điểm dân cư nông thôn thôn được ban hành quy chế quản lý kiến trúc.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 cần đặt ra những vấn đề cụ thể hơn, trong đó cần nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện các quy hoạch gắn với việc thực hiện Bộ tiêu chí NTM các cấp, để đảm bảo đáp ứng mục tiêu của quy hoạch.

Đại diện Viện Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) đề xuất, trong giai đoạn tiếp theo của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cần tiến hành xây dựng những mô hình NTM kiểu mẫu gắn với đặc thù từng vùng, miền, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng trên địa bàn nông thôn. Các tỉnh, huyện cần xem xét, khảo sát kỹ, lựa chọn những khu vực phù hợp để triển khai mô hình NTM kiểu mẫu. Khu dân cư và vườn NTM kiểu mẫu nên được đánh giá theo các tiêu chí: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; bảo tồn không gian nông thôn truyền thống theo vùng, miền; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; sản phẩm từ vườn; môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan:

“Nông thôn mới chính là sức sống mới…”

Đánh giá về kết quả đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, nhờ quy hoạch xây dựng NTM mà cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn đã được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở các địa phương…

Bộ trưởng cũng cho biết Nghị quyết 19-NQ/TW đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: “Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa” là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện “Xây dựng NTM phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân”.

Bộ trưởng lưu ý, cần tránh tạo xung đột giữa thành thị và nông thôn, không nên “mặc đồng phục” cho đô thị ở nông thôn. Cần nhìn lại cách tiếp cận NTM hiện nay. “Xây dựng NTM không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn, mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn. Nông thôn mới chính là sức sống mới, mà sức sống mới ở đây là sức sống của cộng đồng…”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo baophapluat.vn