Mua điện thoại, TV qua sàn - không dành cho 'tay mơ'
Thùy Dương (Hà Đông, Hà Nội) mua TV 43 inch với giá 5 triệu đồng trong đợt giảm giá trên một sàn thương mại điện tử, rẻ hơn gần hai triệu đồng so với ở cửa hàng điện máy. Sản phẩm được quảng cáo mới nguyên hộp, bảo hành đầy đủ và khi nhận, chị cũng không thấy có gì bất thường.
Tuy nhiên, sau một tuần, người bạn đến chơi phát hiện TV là hàng trưng bày, đã được sử dụng gần 200 tiếng. Gian hàng chị mua chối bỏ trách nhiệm, còn tổng đài của sàn thương mại điện tử nói đã quá hạn khiếu nại nên không thể hỗ trợ yêu cầu đổi trả. "Tôi sẽ không mua sản phẩm công nghệ đắt tiền trên mạng thêm lần nào nữa", chị nói.
Trong bình luận gửi đến VnExpress, một số độc giả cho biết người dùng hoàn toàn có thể mua đồ điện tử qua sàn thương mại điện tử với giá tốt hơn ngoài cửa hàng, tuy nhiên cần có kiến thức nhất định về đồ công nghệ, cũng như lưu ý một số quy định của sàn.
Người dùng chỉ được sàn bảo vệ ít ngày
Đa số sàn thương mại điện tử hiện nay không cho đồng kiểm (nhận hàng kiểm tra rồi mới thanh toán). Người mua được yêu cầu quay video khi mở hàng, thử nghiệm sản phẩm. Nếu có vấn đề, họ cần gửi khiếu nại trong ba ngày tới các sàn như Shopee, Lazada, hoặc 7 ngày với các gian hàng chính hãng có đăng ký kinh doanh kể từ khi nhận hàng.
Theo chuyên gia công nghệ Nguyễn Minh Tiến, người dùng phổ thông thường ít để ý tới các quy định. "Trường hợp nhờ nhận hộ, thời gian mở hàng chậm hoặc phát hiện lỗi quá ba ngày đều không được giải quyết. Một số không nắm rõ, khi nhận sản phẩm giả, nhái thì đánh giá một sao, cũng vô tình làm mất quyền khiếu nại đổi trả", ông Tiến cho biết.
Theo đại diện Shopee và Lazada, tiền của người mua được sàn làm trung gian giữ lại trong thời gian trên. Nếu không có vấn đề phát sinh, tiền sẽ được chuyển cho bên bán. Có nghĩa, các sàn chỉ có trách nhiệm hỗ trợ trong vài ngày.
Giá rẻ nhưng trải nghiệm mua sắm kém
Khi đến siêu thị, cửa hàng điện máy, người dùng có thể xem, sử dụng sản phẩm. Khi mua, họ cũng được bóc hộp và kiểm tra trực tiếp. Đây là những trải nghiệm quan trọng, nhất là với các mặt hàng như đồ công nghệ có giá trị cao.
"Nếu sản phẩm có lỗi, mua tại cửa hàng sẽ được giải quyết tại chỗ. Còn khi qua sàn thương mại điện tử, người dùng phải gửi khiếu nại, kiểm tra có đúng lỗi hay không, đóng gói hàng gửi trả khá mất thời gian", ông Tiến nói.
Những người dùng thường xuyên mua sắm trực tuyến cho biết thường chỉ chọn các sản phẩm đã biết rõ hoặc đã trải nghiệm từ trước. "Tôi mua TV, điện thoại và robot hút bụi trên sàn với giá rẻ. Tuy nhiên, tôi tìm hiểu về chúng, xem đánh giá hoặc ra cửa hàng trải nghiệm rồi mới về săn giá rẻ trên sàn", độc giả Thành Vũ cho hay.
Người dùng thường dựa vào uy tín của cửa hàng, đọc nhận xét của những người mua khác để quyết định đặt hàng. Tuy nhiên, một số chủ gian hàng trên Shopee, Lazada cho biết những sàn này vẫn chưa kiểm soát được tình trạng gian lận lượt mua, lượt đánh giá sản phẩm để lừa người tiêu dùng. "Có bên dùng công cụ sao chép shop của tôi, sau đó làm giả lượt mua, đánh giá nhưng vẫn tồn tại thời gian dài", ông Phạm Minh Hải, chủ một cửa hàng đồ điện tử thông minh trên Shopee, nói.
Ai cũng có thể bán hàng
Do đặc thù là "chợ online", bất cứ ai cũng có thể lập gian hàng trên Shopee hay Lazada mà không cần đăng ký kinh doanh. Đây là lý do một số sản phẩm có giá rẻ nhưng đi kèm chế độ bảo hành, hậu mãi không đúng cam kết.
"Tôi mua robot hút bụi cam kết bảo hành 12 tháng nhưng đến tháng thứ 4 bị lỗi, họ viện đủ lý do hỏng do người dùng và từ chối sửa", độc giả Tuấn Thành phản ánh.
Chuyên gia Minh Tiến khuyến cáo, đồ công nghệ giá trị cao khác biệt so với sản phẩm tiêu dùng thông thường là có tỷ lệ lỗi, hỏng hóc, do đó chính sách hậu mãi rất quan trọng. "Người dùng có thể vui vì mua được một món hàng giá rẻ nhưng cần đảm bảo nếu gặp vấn đề, họ vẫn được hỗ trợ xử lý", ông Tiến nói.
Hiện Shopee và Lazada đều có hệ thống riêng với tên gọi Mall do các công ty có pháp nhân bán hàng chính hãng. Sản phẩm từ gian hàng Mall có thời gian hỗ trợ lâu hơn và thường do các thương hiệu hoặc hệ thống, đại lý lớn vận hành. "Tuy nhiên, giá trên Mall thường cao hơn so với gian hàng thông thường, do đó nhiều người vẫn tìm đến các shop để có lợi hơn về chi phí", ông Tiến cho hay.
Theo vnexpress.net
Tin cùng chuyên mục
- Nokia chuẩn bị triển khai 5G tại Việt Nam 24.09.2024 | 13:58 PM
- Sinh động các chương trình trực tiếp tại Fanpage Báo Tuyên Quang online 03.01.2023 | 08:16 AM
- Thực hiện quy định về chuẩn hóa thông tin thuê bao di động 31.03.2023 | 16:13 PM
- Hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10Chuyển đổi số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn 09.10.2022 | 21:42 PM
- Sở Thông tin và Truyền thông: Diễn tập ứng phó sự cố an toàn thông tin mạng năm 2022 04.10.2022 | 17:30 PM
- Hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng internet an toàn và hiệu quả 05.08.2022 | 08:27 AM
- Người dùng nên cập nhật Chrome 92 ngay để vá 9 lỗ hổng nghiêm trọng 21.08.2021 | 15:47 PM
- UBND tỉnh nghe báo cáo dự thảo đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 21.07.2021 | 19:16 PM
- Thiết bị đầu tiên chuyển suy nghĩ thành câu nói 19.07.2021 | 09:47 AM
- Tại sao không gộp các ứng dụng chống dịch thành một 'super app' 19.07.2021 | 09:48 AM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng