Thứ 6, 10/01/2025, 16:21[GMT+7]

Lý do hơn triệu sim chưa chuẩn hóa dù bị khóa

Thứ 5, 13/04/2023 | 11:42:46
2,591 lượt xem
Khoảng 75% trong số 1,67 triệu thuê bao đang bị khóa một chiều vẫn chưa cập nhật thông tin, dù còn ba ngày nữa sẽ đến hạn khóa hai chiều.

Một khách hàng đang chuẩn hóa thuê bao.

Cục Viễn thông cho biết tính từ 1/4 đến 11/4, có 394.000 thuê bao thực hiện chuẩn hóa thông tin trùng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được mở khoá. Hơn 1,2 triệu thuê bao còn lại, bị khóa một chiều từ 31/3 và có nguy cơ bị khoá hai chiều nếu không chuẩn hoá trước ngày 15/4.

Theo Cục Viễn thông cũng như các nhà mạng, đợt chuẩn hoá nhận được sự ủng hộ của người dùng. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp chưa thực hiện chuẩn hóa vì cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Chủ thuê bao "xác định bỏ sim"

Một trong những lý do được đề cập là chủ sim không mặn mà với việc giữ số. Trước khi khoá một chiều, các nhà mạng đều gửi tin nhắn trong năm ngày, mỗi ngày ít nhất một lần từ 15/3. Một số nhà mạng thực hiện cả việc gọi điện thông báo. "Tuy nhiên nhiều chủ thuê bao không phản hồi, hoặc biết nhưng không đi cập nhật", đại diện một nhà mạng cho biết.

Tình trạng này được ghi nhận ở các chủ thuê bao sở hữu nhiều sim, trong đó có những sim chỉ là là sim phụ, sim data, hoặc sử dụng dưới dạng không chính chủ. "Tháng trước tôi nhận được tin nhắn chuẩn hoá. Nhưng đây không phải sim chính chủ, xác định mua dùng hết khuyến mãi thì bỏ nên không cần cập nhật", Mạnh Tân (Ba Đình, Hà Nội) nói.

Thời gian qua, tình trạng sim không chính chủ, tức đã kích hoạt bằng tên cá nhân, tổ chức khác, được bán tràn lan và là một trong những nguyên nhân khiến sim rác tồn tại dai dẳng. Việc những người đang sở hữu loại sim này xác định bỏ thuê bao sẽ giúp giảm sim rác. Đây cũng là một trong những mục tiêu của cơ quan quản lý trong đợt chuẩn hoá này nhằm làm sạch thị trường.

Hàng tồn trên kênh

Tương tự sim không chính chủ, sim "hàng tồn" đã được kích hoạt sẵn, nhưng chưa có khách mua và vẫn nằm trong kho số của các đại lý. Nhiều sim số đẹp, có giá hàng trăm triệu đồng, cũng nằm trong nhóm này.

Thực tế, đây là loại sim vi phạm quy định của Luật Viễn thông về đăng ký thông tin thuê bao. Tuy nhiên vì nhiều lý do, chúng vẫn tồn tại trên thị trường. Do sim chưa được đưa vào sử dụng, các chủ đại lý không thể biết hàng nghìn sim mình đang nắm giữ có nằm trong diện chuẩn hoá hay không, hoặc biết nhưng không thể hợp thức hoá việc sở hữu, không thể cập nhật thông tin.

Cuối tháng 3, một số đại lý sim cho biết họ đứng trước nguy cơ mất hàng trăm đầu số, với giá trị có thể lên tới vài trăm triệu đồng do không đăng ký thông tin chính chủ. Đến 15/5, thuê bao chưa cập nhật thông tin sẽ bị thu hồi số.

Gặp khó khăn khi chuẩn hóa

Tại cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 6/4, một số nhà mạng nói quá trình chuẩn hóa cũng gặp một số thách thức như thuê bao rải rác ở nhiều nơi, trong đó có cả ở khu vực vùng sâu vùng xa, chưa tiếp cận được thông tin. Một nhóm người dùng không rành sử dụng điện thoại, không thường xuyên đọc tin nhắn nên cũng không nắm được thông báo.

"Trong số 400.000 thuê bao chưa chuẩn hóa của chúng tôi, có 20% ở vùng sâu vùng xa", ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Viettel Telecom, nói.

Ngoài ra, các nhà mạng cũng ghi nhận những trường hợp như người dùng đang ở nước ngoài, hoặc đang gặp các vấn đề cá nhân nên không thể đến điểm giao dịch chuẩn hoá. Để khắc phục, một số nhà mạng xây dựng các công cụ "selfcare" trên ứng dụng di động hoặc website, để người dùng có thể chuẩn hoá từ xa.

Cục Viễn thông khuyến nghị những trường hợp này nên sớm cập nhật thông tin hoặc gọi điện đến tổng đài của nhà mạng để được hỗ trợ, vid sau 15/4, các sim này sẽ bị khoá hai chiều và chủ sim buộc phải đến điểm giao dịch để được chuẩn hoá và mở khoá.

Theo vnexpress.net