Thứ 3, 07/05/2024, 12:59[GMT+7]

Mấy suy nghĩ về văn hóa đọc

Chủ nhật, 16/04/2023 | 07:35:15
9,364 lượt xem
Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa, văn hóa đọc là hoạt động của con người thông qua đọc sách, báo, tài liệu để tiếp cận thông tin, tri thức một cách chính xác và khoa học. Hiểu theo một cách đơn giản thì văn hóa đọc là thái độ của cá nhân đối với tri thức sách vở. Văn hóa đọc góp phần to lớn vào việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức, hình thành và phát triển nhân cách con người.

Mục đích cuối cùng của phát triển văn hóa đọc là phát triển thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc cho mọi thành viên trong xã hội. Nhưng yếu tố quan trọng và quyết định để đi được đến đích cuối cùng đó chính là cách ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của các quan chức và cơ quan quản lý nhà nước. Một số nhà nghiên cứu còn khẳng định 10 lợi ích của văn hóa đọc, trong đó có những lợi ích rất quan trọng đó là: làm giàu kiến thức; vốn từ ngữ được mở rộng, khả năng thuyết trình được nâng cao; tăng cường kỹ năng tư duy, phân tích, nhận xét đánh giá; kỹ năng viết tốt hơn... Đọc sách, báo vốn là thế mạnh của chính nó. Một cách thưởng thức văn hóa sang trọng, có chiều sâu là cách tốt nhất để làm giàu tri thức và ngôn từ của con người. Đi liền với đọc sách là những thuộc tính suy ngẫm, so sánh, tìm tòi tra cứu; là cơ sở hữu ích cho việc điều chỉnh hành vi và cách ứng xử của con người phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

Sinh thời Bác Hồ từng căn dặn: Bất luận làm việc gì cũng phải đọc. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý, lãnh đạo phải đọc để quản lý lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành một thời lượng thích hợp để nắm bắt thông tin tổng hợp qua sách báo. Theo nhiều tài liệu được công bố, mỗi ngày Bác đọc chừng 25 tờ báo trong nước và quốc tế. Người còn ghi tóm tắt những thông tin vào cuốn sổ nhỏ, hoặc cho cắt dán những bài cần thiết để làm tư liệu.

Ảnh minh họa.

Trước đây, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp nhận thông tin, văn hóa và tri thức. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, tại nhiều hiệu sách và ở những nơi công cộng thường xuất hiện những bức tranh cổ động về văn hóa đọc có kèm theo câu nói của các lãnh tụ như: Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau, học nhân dân... hoặc bằng các câu văn vần như: Chim không có cánh sao bay/Người không đọc sách biết ngày nào khôn... để cổ vũ động viên mọi người tham gia đọc sách, báo. Việc đọc sách, báo đã trở thành phổ biến trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thời đó, báo ngày, báo tuần còn hạn chế, tại các bảng tin ở những nơi công cộng, nhà chức trách thường dán các báo: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, báo ngành, báo địa phương để người dân có cơ hội được tiếp cận những thông tin trong nước và quốc tế. Trên bàn làm việc của cán bộ, công chức nhà nước và lực lượng vũ trang, ngoài tài liệu chuyên môn còn có cả sách về chính trị, văn học, lịch sử, sách người tốt việc tốt... để tranh thủ đọc nhằm nâng cao kiến thức toàn diện, đồng thời cũng là thú vui thư giãn sau những lúc làm việc căng thẳng.

Từ khi các phương tiện nghe, nhìn xuất hiện và tỏ ra có nhiều ưu thế hơn, hấp dẫn hơn đang có xu hướng cạnh tranh lấn át văn hóa đọc. Một bộ phận người dân nhất là thanh thiếu niên thích khám phá những thông tin khác lạ, giật gân nhằm thỏa mãn sự tò mò, hiếu kỳ đã bị cuốn hút vào những trang thông tin điện tử, mạng xã hội rất ít hữu ích cho cuộc sống thậm chí tiêu cực, xấu độc. Từ đó làm nhận thức sai lệch, dẫn đến lệch chuẩn trong hành vi ứng xử và phát triển nhân cách con người.
Thực tế hiện nay không ít cán bộ, công chức có biểu hiện ngại đọc sách, báo kể cả sách chính trị. Cá biệt, có cán bộ được cấp đến ba, bốn tờ báo ngày, gồm báo Đảng, báo ngành, báo địa phương nhưng vẫn có hiện tượng: “Nhìn tập báo còn nguyên nếp gấp, là biết ngay anh chẳng đọc bao giờ”. Lý do thì nhiều và xem ra cũng có phần có lý. Nhưng có một thực tế, nếu không thường xuyên đọc sách, báo thì không cập nhật kiến thức toàn diện về mọi mặt của đời sống xã hội, không có lượng “thông tin có dư, thông tin nén chặt” thì rất khó có sự sáng tạo, quyết đoán trong xử lý công việc.

Vậy làm thế nào để khôi phục và chấn hưng văn hóa đọc? Làm thế nào để văn hóa đọc giữ vai trò chủ đạo vốn có trong việc truyền bá và tiếp thu tri thức một cách sâu sắc hệ thống mà văn hóa nghe, nhìn tuy có thế mạnh trong việc thông tin và giải trí nhưng không thể có được, là câu hỏi lớn đối với các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý về văn hóa và của mọi cán bộ, đảng viên.

Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam và nhân ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), thiết nghĩ cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, triển khai thực hiện nghiêm túc Thông báo kết luận số 173-TB/TW, ngày 6/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 1862/QĐ-TTg, ngày 4/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; theo đó yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên và các cấp ủy thực hiện nghiêm túc việc mua, đọc và làm theo báo Đảng, có hình thức phù hợp để sử dụng hiệu quả các tài liệu, báo chí của Đảng. Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách, báo đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển rộng rãi phong trào đọc sách trong nhân dân; hình thành thói quen đọc sách, báo trong từng gia đình, trường học, cơ quan tổ chức và cả cộng đồng.

Khép lại bài viết này, xin được nhắc lại lời nhắn gửi của nhà bác học Lê Quý Đôn về việc đọc sách được lưu truyền đến ngày nay: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng, không bằng sử sách một vài pho”.

Nguyễn Văn Hán
Cựu chiến binh thành phố Thái Bình

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày