Thứ 6, 11/10/2024, 06:51[GMT+7]

Bill Gates: 'AI không nghiệt ngã, cũng không màu hồng'

Thứ 5, 13/07/2023 | 16:13:47
1,735 lượt xem
Tỷ phú Mỹ Bill Gates tin AI là tương lai của nhân loại, nhưng xã hội sẽ phải học cách sử dụng một cách hiệu quả.

Bill Gates tại một sự kiện hồi tháng 6. Ảnh: GatesNotes

"Tương lai của AI không nghiệt ngã như một số người nghĩ, nhưng cũng không phải màu hồng", Gates mở đầu bài viết dài 3.000 từ trên blog GatesNotes ngày 11/7. "Rủi ro là có thật, nhưng tôi lạc quan rằng AI có thể kiểm soát bằng cách quản lý chúng hiệu quả".

Tỷ phú Mỹ cũng nêu một loạt sự tiến bộ do AI mang lại, so sánh công nghệ này với sự ra đời của ôtô, máy tính, smartphone và Internet - những thứ từng gây lo ngại ban đầu nhưng cuối cùng giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.

Chẳng hạn, nhắc đến sự ra đời của máy tính cách đây nhiều thập kỷ, Gates cho biết các giáo viên khi đó đã rất lo lắng vì công cụ này có thể khiến học sinh trở nên lười biếng, nhưng lịch sử cho thấy điều này không chính xác.

"Nó cũng giống như cách học sinh dùng AI để viết bài luận bây giờ", Gates viết. "Giáo viên cần nắm lấy công nghệ AI như công cụ hỗ trợ và thiết kế bài giảng rõ ràng để học sinh ứng dụng vào học tập, giống như cách hướng dẫn tìm kiếm trên Google trước đây".

Tuy nhiên, lĩnh vực ông lo ngại nhất là việc làm. Theo tỷ phú Mỹ, con người cần thay đổi trong tương lai vì AI. "Công nhân sẽ cần được hỗ trợ và cần đào tạo lại khi thế giới chuyển dịch công việc sang AI", ông nói. "Đó là vai trò của chính phủ và doanh nghiệp. Họ cần đưa ra giải pháp kiểm soát và quản lý tốt hơn để người lao động không bị bỏ lại phía sau".

Theo một khảo sát đầu tháng 7 do tổ chức nghiên cứu Censuswide thực hiện, nhiều công nhân, thậm chí những người giữ vị trí giám đốc điều hành, cảm thấy lo sợ trước viễn cảnh AI thay thế công việc của họ. Một kết quả khác do Checkr thực hiện tháng 5 cho thấy 79% trong số 3.000 người được hỏi cảm thấy lo lắng về việc AI sẽ đe dọa nguồn thu nhập và công việc của họ.

Trong khi đó, theo nghiên cứu từ Goldman Sachs, các phần mềm ứng dụng AI tạo sinh như ChatGPT có thể tác động đến 300 triệu việc làm. Những người này không hẳn bị mất việc, nhưng phải chia sẻ công việc với AI.

"Tôi không nghĩ tác động của AI lớn như Cách mạng công nghiệp , nhưng chắc chắn tương đương sự ra đời của PC. Các ứng dụng xử lý văn bản không loại bỏ công việc văn phòng, nhưng chúng thay đổi cách làm việc văn phòng mãi mãi", nhà đồng sáng lập Microsoft nói. "Người sử dụng lao động và nhân viên phải thích nghi".

Bên cạnh đó, tỷ phú Mỹ lo deepfake và thông tin sai lệch do AI tạo ra có thể tác động đến cuộc sống người dân, phá hoại nền dân chủ. Công nghệ có thể được sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch không mới, nhưng AI có thể khiến con người dễ tin hơn so với các công cụ trước đây như máy đánh văn bản, máy in laser, email và mạng xã hội.

"AI ngày nay cho phép hầu như bất kỳ ai cũng có thể tạo âm thanh và video giả mạo, tức deepfake. Chúng khiến bạn dễ tin tưởng hơn nhiều so với việc nhận một email hay cuộc gọi lừa đảo", Gates tiếp tục.

Người đồng sáng lập Microsoft cũng đánh giá nguy cơ AI tạo các cuộc tấn công mạng nhằm vào cá nhân, tổ chức, chính phủ một cách tinh vi hơn. AI sẽ đẩy nhanh quá trình này bằng cách giúp tin tặc viết mã độc nhanh và hiệu quả chỉ trong thời gian ngắn, hoặc sử dụng thông tin công khai như tên, địa chỉ, nơi làm việc và bạn bè, sau đó phát triển các cuộc tấn công lừa đảo "theo cách tinh vi hơn hiện nay".

Một vấn đề khác được Gates đề cập là "ảo giác" - thuật ngữ nói về thông tin có vẻ tin cậy nhưng thực tế thiếu chính xác hoặc bịa đặt. AI trong tương lai có thể khiến con người phải vận động trí não nhiều hơn để phân biệt đâu là thật.

Gates cũng đặt một loạt câu hỏi về mô hình AI trong tương lai. "Xã hội cần phải tính đến những câu hỏi sâu như điều gì sẽ xảy ra nếu một siêu AI thiết lập mục tiêu của riêng mình, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng xung đột với nhân loại, hay con người có nên tạo ra một siêu AI không.

Trước đó, Gates là một trong những người nổi tiếng ủng hộ AI. Tỷ phú dự đoán AI có thể được sử dụng như một công cụ để cải thiện năng suất công việc cho con người, giúp giảm sự bất bình đẳng toàn cầu, cũng như các vấn đề về chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Dù vậy, ông cho rằng sự phát triển AI đặt ra những câu hỏi khó về lực lượng lao động, hệ thống pháp luật, quyền riêng tư, sự thiên vị. Ông cũng lưu ý về mối đe dọa "con người được trang bị AI", đồng thời kêu gọi các chính phủ hợp tác để đặt ra giới hạn cho các công ty tư nhân đang theo đuổi công nghệ này.

Theo vnexpress.net