Chủ nhật, 05/05/2024, 12:56[GMT+7]

Kỳ vọng những vấn đề sau chất vấn sẽ được giải quyết triệt để Bài 4: Tập trung xây dựng hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Thứ 6, 11/08/2023 | 08:16:00
2,539 lượt xem
Tại kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa XVII, đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn đồng chí Phạm Tùng Lâm, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh nội dung: Huyện Tiền Hải và huyện Thái Thụy nằm trong Khu kinh tế (KKT) Thái Bình, đến nay KKT chưa hoàn chỉnh điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung và đồ án quy hoạch phân khu nên ảnh hưởng trực tiếp tới công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao của các xã và sự phát triển của các doanh nghiệp trong KKT.

Giao thông trong khu công nghiệp Liên Hà Thái (Khu kinh tế Thái Bình) được đầu tư đồng bộ.

Giải pháp và lộ trình khắc phục tình trạng trên để tạo điều kiện cho các địa phương và các doanh nghiệp trong KKT; kết quả thu hút đầu tư vào KKT và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua, giải pháp trong thời gian tới?

Đồng chí Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh cho biết: KKT Thái Bình có tổng diện tích tự nhiên 30.583ha thuộc 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển. Trong quá trình thực hiện quy hoạch chung xây dựng KKT đã phát sinh những bất cập, chồng lấn giữa các quy hoạch, giữa quy hoạch với thực địa, vấn đề thực tiễn phát sinh và các yếu tố mới. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh đã phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, bổ sung, cập nhật các nội dung theo văn bản đề nghị của các sở, ngành và 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải để hoàn thiện dự thảo đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung KKT Thái Bình. Đến nay, Ban cùng đơn vị tư vấn đã hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch, báo cáo UBND tỉnh và đã trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với các đồ án quy hoạch chung đô thị, quy hoạch nông thôn mới các xã nằm trong KKT đã được 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch theo thẩm quyền; quá trình lập, thẩm định phê duyệt các quy hoạch của 2 huyện, Ban cùng các sở, ngành đã tham gia, thỏa thuận 7 quy hoạch huyện Thái Thụy, 9 quy hoạch huyện Tiền Hải; phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, đơn vị tư vấn lập quy hoạch đã tổ chức làm việc với 2 huyện để cùng rà soát, thống nhất, thỏa thuận cập nhật những nội dung phù hợp vào nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung KKT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những nội dung không phù hợp, không thống nhất sẽ không cập nhật vào nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung KKT.

Trong khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung KKT chưa được phê duyệt, để giải quyết bất cập nêu trên, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh đề nghị các huyện nghiên cứu nội dung triển khai đồng thời các quy hoạch theo Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội: Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Trong thời gian tới, Ban sẽ phối hợp các sở, ngành, UBND 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải bám sát tiến độ thực hiện, tham mưu UBND tỉnh giải trình (nếu có) trong quá trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung KKT.

Về kết quả thu hút đầu tư vào KKT và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phạm Tùng Lâm cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 khu công nghiệp đã được thành lập với diện tích quy hoạch 2.227ha và KKT Thái Bình với diện tích 30.583ha. Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của người dân, việc xây dựng và phát triển KKT đã được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt. Tỉnh đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 đối với 11 khu chức năng; hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 700ha đất để bàn giao cho nhà đầu tư hạ tầng làm cơ sở thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, kế hoạch phát triển KKT; tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối với thành phố Hải Phòng. Đến nay, KKT Thái Bình đã và đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đã thu hút được dự án hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái, khu công nghiệp Hải Long và một số dự án sản xuất công nghiệp có quy mô khá lớn như dự án sản xuất chân cắm ram của Công ty Lotes 120 triệu USD, dự án sản xuất điện thoại, máy tính bảng, thiết bị thông minh của Công ty Compal 260 triệu USD; dự án sản xuất thiết bị làm vườn của Công ty TNHH Greenworks 200 triệu USD... Hiện đang triển khai thủ tục đầu tư đối với dự án hạ tầng khu công nghiệp VSIP và có nhiều nhà đầu tư đang nghiên cứu đầu tư vào KKT. Tổng vốn đầu tư thu hút vào KKT đến nay khoảng 39.000 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD), trong đó vốn đầu tư FDI đạt hơn 1 tỷ USD, cao hơn tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh cả giai đoạn 2020 trở về trước, góp phần đưa Thái Bình xếp thứ 15, 16 của cả nước về thu hút FDI năm 2021, 2022 (nằm trong top 10 của cả nước về thu hút FDI cấp mới năm 2022).

Để đạt được mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 KKT Thái Bình thu hút đầu tư được 5 tỷ USD, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tham mưu thực hiện đồng bộ các giải pháp về thu hút đầu tư. Trong đó, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng KKT, đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh bảo đảm tiến độ hoàn thành các tuyến đường giao thông kết nối như đường ven biển, đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua Thái Bình), đường thành phố Thái Bình đi cồn Vành, các tuyến đường trục trong KKT. Tiếp tục thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho nhà đầu tư, đặc biệt là các dự án giao thông quan trọng, dự án hạ tầng khu công nghiệp tạo mặt bằng sạch sẵn sàng thu hút đầu tư. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư vào KKT và các khu công nghiệp; chủ động tiếp xúc với các nhà đầu tư là những tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, các tổ chức xúc tiến thương mại, tổ chức ngoại giao, đại sứ quán Việt Nam tại các nước phát triển để tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại vào KKT và các khu công nghiệp. Phối hợp với nhà đầu tư hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nghiên cứu dự án; đôn đốc, thúc đẩy nhà đầu tư sớm quyết định đầu tư và triển khai dự án. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới cách thức hỗ trợ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn hỗ trợ 100% thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đồng thời đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục để khởi công dự án với thời gian nhanh nhất. Quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; bảo đảm sẵn sàng nguồn nhân lực để hỗ trợ cung ứng lao động cho nhà đầu tư; chú trọng xây dựng công trình hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu của chuyên gia, người lao động.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý.

(còn nữa)
Mạnh Cường - Thu Hiền



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày