Thứ 5, 26/12/2024, 21:05[GMT+7]

Hồng Việt: Đất anh hùng không ngừng đổi mới

Thứ 2, 14/08/2023 | 08:09:18
18,461 lượt xem
Trong những ngày tháng tám lịch sử, về xã Hồng Việt (Đông Hưng) ai cũng cảm nhận được sự đổi thay của vùng quê cách mạng xưa kiên cường chống giặc ngoại xâm, nay đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao. Nơi đây cũng nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh, cây giống mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho địa phương, tạo diện mạo nông thôn khang trang, đời sống nhân dân sung túc.

Đường nông thôn mới xã Hồng Việt được bê tông rộng rãi, luôn tràn ngập sắc hoa.

Với người dân Hồng Việt, chợ Hôm Hưng, đình Đông, đình Quán, đình Bá Thôn, con đường cộng sản... không chỉ là tên đất, tên làng mà còn là địa chỉ đỏ cách mạng, niềm tự hào của các thế hệ nơi đây. 

Đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng cứ đến những ngày thu tháng tám, cụ Lương Thị Hoàng Cầm, 91 tuổi đời, 63 năm tuổi đảng, thôn Đông lại nhờ con cháu đưa ra đình Đông, chợ Hôm Hưng xưa dâng nén tâm nhang, thăm lại địa chỉ đỏ cách mạng, kể cho con cháu nghe truyền thống đánh giặc hào hùng của cha ông. 

Cụ Cầm kể: Chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, tháng 7/1945, cán bộ Việt Minh trong đó có bố tôi đã họp tại đình Đông quyết định chọn chợ Hôm Hưng làm nơi tổ chức cuộc mít tinh tuyên truyền cách mạng đầu tiên trong vùng. Ngày 16/7/1945 đúng vào phiên chợ, cuộc mít tinh được tổ chức, hàng nghìn người trong và ngoài xã nô nức tham gia. Lúc đó tụi trẻ chúng tôi rất háo hức, đội mũ chào mào đi theo đoàn biểu tình, học theo người lớn hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!/Ủng hộ Việt Minh, đả đảo phát xít Nhật và chính phủ Trần Trọng Kim”. Cuộc mít tinh đã thành công, gây tiếng vang lớn trong vùng, tại đây lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh tung bay trước gió, ai cũng náo nức, chờ đợi ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Và khi lệnh tổng khởi nghĩa được phát đi, đêm 19/8/1945 sau hồi trống giục, hội viên Việt Minh cùng nhân dân ở các thôn của Hồng Việt với gậy gộc, giáo mác trong tay tiến về tập trung ở đình Đông, đình Bá Thôn rồi hòa vào biển người tiến về bao vây phủ lỵ Tiên Hưng.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân Hồng Việt tích cực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các đoàn thể quần chúng, tập trung diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, tích cực sản xuất, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, nuôi giấu cán bộ, bộ đội trong nhà. Nhiều cơ quan của khu, của tỉnh, của huyện đã về đây, coi Hồng Việt là nơi an toàn trong những ngày tháng chiến tranh gian khổ. Tổng kết các cuộc kháng chiến, Hồng Việt có trên 1.400 thanh niên xung phong đi bộ đội, có 246 liệt sĩ, 40 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 14 người là cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; 112 thương binh, bệnh binh các hạng... Với những thành tích trong kháng chiến chống Pháp, ngày 16/12/2014, xã Hồng Việt đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, kể từ khi bước vào công cuộc đổi mới đến nay, Đảng bộ, chính quyền xã đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết vượt qua mọi khó khăn đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, trọng tâm là xây dựng NTM, NTM nâng cao và chương trình giảm nghèo bền vững. 

Ông Trần Huy Tưởng, Chủ tịch UBND xã Hồng Việt cho biết: Với lợi thế đất đai màu mỡ, nhân dân cần cù, chịu khó, xã đã quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chủ lực là sản xuất cây giống, cây cảnh, từng bước khẳng định thương hiệu cây giống, cây cảnh Hồng Việt. Tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Kinh tế vườn với trên 100ha đã phát huy thế mạnh, đem lại thu nhập bình quân 280 - 300 triệu đồng/ha/năm. Từ đó xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. 

Anh Phạm Duy Khuynh, thôn Đông chia sẻ: Tôi đã mạnh dạn thuê lại đất 5% của xã trước đây giao cho các đoàn thể cấy nhưng không hiệu quả và ruộng của các hộ không sản xuất tổng diện tích 1,5 mẫu đầu tư thành vườn trồng khoảng 1.500 cây mộc hương, mẫu đơn, đào, nhài Nhật, hoa giấy... Mỗi năm, gia đình thu nhập từ nghề trồng hoa, cây cảnh trên 500 triệu đồng, gấp 10 lần cấy lúa. Nhờ mô hình này gia đình tôi đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, ủng hộ hàng trăm triệu đồng làm đường giao thông nông thôn. Toàn xã có trên 100 cơ sở, hộ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trên 100 cơ sở và gia đình kinh doanh buôn bán, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 60 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,33%.

Để hoàn thành mục tiêu về đích NTM nâng cao năm 2025, cấp ủy, chính quyền xã tập trung huy động mọi nguồn lực thực hiện các tiêu chí, nhất là các tiêu chí về cơ sở vật chất. Từ năm 2021 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đạt trên 49 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 3 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa 45 tỷ đồng. Vừa qua, gần 20 hộ dân thôn Quán Thôn tự nguyện đóng góp ngày công và tiền đổ bê tông đoạn đường dài gần 800m, mở rộng mặt đường 5,5m, tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. 

Chị Đoàn Thị Nhuần, thôn Quán Thôn phấn khởi cho biết: Khi thôn có chủ trương làm đường, gia đình tôi đồng thuận ngay, đóng góp tiền và ngày công cùng các gia đình hoàn thiện con đường. Từ con đường đất nhỏ, hẹp, đi lại khó khăn, giờ được đi trên con đường to đẹp, bê tông sạch sẽ, thuận lợi cả cho việc vận chuyển hàng hóa, nhất là cây giống, cây cảnh đi các nơi tiêu thụ, ai cũng phấn khởi.

Truyền thống yêu nước, cách mạng xưa luôn là tiền đề, điểm tựa để cán bộ và nhân dân Hồng Việt vượt khó, đoàn kết phấn đấu vươn lên thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Trong đó phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2020 - 2025 là  10,2%, đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng và về đích NTM nâng cao.  

Mỗi năm anh Phạm Duy Khuynh thu từ trồng hoa, cây cảnh trên 500 triệu đồng.


Hiếu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày