Thứ 6, 22/11/2024, 05:05[GMT+7]

Thái Thụy: Bảo đảm an toàn nuôi trồng thủy sản mùa mưa bão

Thứ 7, 26/08/2023 | 16:56:42
6,060 lượt xem
Nuôi trồng thủy sản (NTTS) được coi là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế biển của huyện Thái Thụy. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn sản xuất, phòng tránh thiệt hại cho các hộ NTTS luôn được các cấp, ngành trong huyện đặc biệt quan tâm khi bước vào mùa mưa bão.

Hộ nuôi tôm công nghiệp huyện Thái Thụy thu hoạch tôm tránh thất thoát trong mùa mưa bão.

Ông Vũ Văn Của, thôn Bạch Đằng, xã Thái Thượng hiện có 3,5ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Để bảo vệ diện tích tôm nuôi, trước những ảnh hưởng của môi trường, 5 năm gần đây, ông đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng ao nuôi kiên cố, lắp đặt các máy móc, thiết bị để chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Nhờ vậy, tôm vẫn sinh trưởng tốt trong điều kiện nền nhiệt độ thấp, mưa nhiều. 

Ông Vũ Văn Của cho biết: Mặc dù những năm gần đây những diện tích nuôi tôm công nghiệp cho sản lượng khá cao song tôi cũng như nhiều hộ nuôi khác vẫn thấp thỏm lo âu mỗi mùa mưa bão bởi nguy cơ nước dâng cao tràn vào ao đầm gây thất thoát thủy sản, hay khi thời tiết mưa nhiều làm thay đổi đột ngột của môi trường ao nuôi gây hại cho tôm, cá. Do vậy, ngay trước mỗi mùa mưa bão, tôi đã chủ động tháo dỡ bạt bóng che phủ cho ao nuôi để tránh gió lùa gây tốc bạt che, thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết để tiến hành thu hoạch tôm khi đạt kích cỡ thương phẩm, đồng thời có biện pháp bảo vệ tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ nuôi trồng. Ngoài ra, trong mùa mưa bão thời tiết thay đổi đột ngột tác động mạnh đến môi trường ao nuôi, dễ khiến cho tôm nuôi yếu, mắc bệnh và chết. Vì thế, để hạn chế thiệt hại, tôi thường xuyên theo dõi sự thay đổi môi trường nước trong ao để điều chỉnh kịp thời bằng hóa chất, vôi bột, chế phẩm sinh học.

Xã ven biển Thái Thượng hiện có gần 250ha NTTS nước lợ nằm ngoài đê biển, trong đó có hơn 30ha nuôi tôm công nghiệp hàng năm chịu tác động trực tiếp của các cơn bão. Toàn bộ diện tích NTTS ngoài đê biển của xã được phòng hộ bởi 4km đê bao nhưng hiện nay đê đã xuống cấp và quá thấp so với đê biển nên không thể ngăn được nước dâng mỗi khi có bão đổ bộ vào. Ngoài ra, hệ thống cống tiêu thoát nước và kênh dẫn nước trong khu NTTS nhiều năm không được nạo vét, bồi lắng, đặc biệt tại cống số 1 và số 4 cấp thoát nước cho khu nuôi trồng mặc dù đã được tu sửa xong do xây dựng đã lâu, địa chất yếu dẫn đến hỏng hóc khi có thiên tai. Điều này đang gây ra nhiều khó khăn trong việc bảo đảm an toàn vùng NTTS của địa phương trước những tác động của mưa bão. 

Ông Phạm Đức Thiết, Chủ tịch UBND xã cho biết: Bước vào mùa mưa bão, xã đã đôn đốc, hướng dẫn các hộ NTTS thường xuyên kiểm tra ao đầm, tu sửa những nơi xung yếu bảo đảm vững chắc; chuẩn bị sẵn sàng máy móc, thiết bị, hóa chất như máy bơm, máy sục tạo ô xy... để sử dụng khi cần thiết nhằm bảo đảm giá trị kinh tế, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, mưa lớn gây ra. Khuyến cáo các hộ nuôi trồng tiến hành thu hoạch thủy sản đạt kích cỡ trước khi xảy ra mưa bão. Về lâu dài, để bảo đảm an toàn cho vùng NTTS, địa phương cũng đề nghị cấp trên đầu tư cải tạo, nâng cấp 4km đê bao và hệ thống cống, kênh dẫn nước vùng NTTS để người dân yên tâm và mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích nuôi trồng.

Hộ nuôi tôm công nghiệp tại xã Thái Thượng (Thái Thụy) chăm sóc và bảo vệ tôm nuôi.

Toàn huyện Thái Thụy hiện có 4.270ha NTTS, trong đó: nuôi nước mặn (ngao) 1.315ha, nuôi nước lợ 1.385ha và nuôi nước ngọt 1.570ha. Những tháng đầu năm, nhờ thực hiện tốt công tác cải tạo ao đầm, bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy hải sản, nhất là xử lý kịp thời dịch bệnh đốm trắng trên tôm nước lợ đã góp phần đưa lĩnh vực NTTS của huyện đạt được kết quả tích cực. Tổng sản lượng NTTS của huyện trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 28.000 tấn, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2022, đạt trên 50% kế hoạch năm; trong đó, sản lượng NTTS nước lợ đạt gần 26.000 tấn, NTTS nước ngọt đạt hơn 2.300 tấn. 

Ông Lê Văn Hoan, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Hiện nay đang trong mùa mưa bão, thời tiết, nhiệt độ thay đổi tạo điều kiện cho dịch bệnh phát tán, lây lan, ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của thủy sản. Ngoài ra, mưa bão còn gây nguy cơ tràn bờ, thất thoát thủy sản, do đó để tránh thiệt hại, UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, địa phương, các HTX NTTS trên địa bàn tích cực đôn đốc, hướng dẫn các hộ nuôi trồng chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc và bảo vệ thủy sản. Theo đó, đôn đốc các hộ nuôi tiến hành thu hoạch đối tượng nuôi thủy sản đã đạt kích cỡ thương phẩm nhằm tránh rủi ro, thất thoát; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp chủ động phòng tránh. Ngoài ra, UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng phối hợp với chính quyền địa phương rà soát những điểm có nguy cơ ngập úng cao, hướng dẫn các hộ NTTS thực hiện các biện pháp tiêu úng, xử lý môi trường nước, kỹ thuật chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh trước, trong và sau mưa lớn xảy ra. Đối với những vùng NTTS ngoài đê dễ bị ảnh hưởng của nước thủy triều dâng khuyến cáo các hộ có biện pháp bảo vệ như tôn cao bờ, tu sửa cống đầu mối, nạo vét kênh mương chính, mương nhánh dẫn nước vào ao nuôi; nếu chưa kịp xử lý thì nên di chuyển thủy sản chưa đạt kích cỡ thương phẩm vào ao nuôi phía trong có bờ cao hơn đỉnh triều trong nhiều năm. Đối với diện tích nuôi ngao ngoài bãi triều, hướng dẫn người dân tiến hành tu sửa chân vây, chòi canh, vệ sinh và san phẳng bãi nuôi; sau bão cần huy động nhân lực để cào, san thưa những chỗ ngao bị dồn để ngao phát triển bình thường...

Hộ nuôi tôm công nghiệp tại xã Thái Thượng chủ động đắp cao và phủ bạt trên bờ ao nuôi nhằm phòng, chống sạt lở khi mưa bão xảy ra. 

Trần Tuấn