Thứ 3, 23/07/2024, 09:37[GMT+7]

Khẩn trương tiêu rút nước bảo vệ sản xuất nông nghiệp

Thứ 7, 30/09/2023 | 07:23:29
665 lượt xem
Từ ngày 25/9 đến 7 giờ ngày 29/9, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, lượng mưa trung bình các nơi phổ biến khoảng 300mm, nơi cao 465mm. Mưa to kèm dông khiến nhiều diện tích lúa, cây màu bị đổ, ngập. Để khắc phục tình trạng này, ngành nông nghiệp đang khẩn trương tổ chức tiêu thoát nước.

Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, nông dân khẩn trương ra đồng buộc dựng lúa bị đổ.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến 8 giờ ngày 29/9 toàn tỉnh có khoảng 4.266ha lúa bị nghiêng đổ, trong đó Thái Thụy 2.300ha, Kiến Xương 550ha, Vũ Thư 250ha, Hưng Hà 350ha, Quỳnh Phụ 320ha, Đông Hưng 220ha, thành phố Thái Bình 276ha. 3.600ha cây màu bị ảnh hưởng, tập trung ở các huyện: Vũ Thư 1.500ha, Hưng Hà 800ha, Quỳnh Phụ 480ha...

Chỉ một tuần nữa, 6 sào lúa TBR225 của gia đình chị Trịnh Thị Hiền, xã Trung An (Vũ Thư) cho thu hoạch. Tuy nhiên, đợt mưa lớn kéo dài đã làm 2 sào bị đổ, ngập dưới nước. Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, chị Hiền ra đồng buộc dựng tránh bông lúa lên mộng. Chị chia sẻ: Vụ mùa này lúa tốt, bông dài, mẩy hạt, năng suất dự kiến trên 2 tạ/sào. Cũng vì bông lúa nặng nên gặp mưa, gió lớn dễ đổ gãy. Ngoài việc tháo rút nước mặt ruộng, tôi tập trung buộc dựng tránh cho bông thóc ngập lâu trong nước, lên mộng ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng gạo.

Vụ mùa năm nay là vụ sản xuất nhiều khó khăn với các “đại điền” như anh Phạm Văn Phòng, xã Phú Châu (Đông Hưng). Anh cho biết: Đầu vụ thời tiết nắng nóng kéo dài, đồng ruộng chân cao thiếu nước, cây lúa đẻ nhánh kém. Đến giờ, chuẩn bị được thu hoạch thì lại mưa lớn kéo dài. Ruộng nhà tôi không bị đổ, ngập trong nước nhưng do mưa liên tiếp trong nhiều ngày bông lúa ngậm nước, hạt thóc nảy mầm ngay trên bông.

Hiện nay, lúa mùa trà sớm đã chín, bắt đầu cho thu hoạch; lúa mùa đại trà đang ở giai đoạn vào mẩy đến chắc xanh. Do đó, việc ngập, lúa bị ngâm trong nước nhiều ngày sẽ mọc mầm, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Các cây rau màu, nhất là diện tích rau màu vụ đông vừa được gieo trồng cây non, thân yếu, dễ bị dập, úng khi bị mưa lớn. Vì vậy, để hạn chế thiệt hại cho diện tích cây trồng bị ngập, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương và đơn vị thủy nông đang nỗ lực thực hiện các biện pháp tiêu thoát nước trong thời gian nhanh nhất. Theo đó, các cống tiêu trên địa bàn tỉnh đã mở, các trạm bơm tiêu bằng động lực tại những vùng có cây trồng ngập úng đã và đang vận hành hết công suất. Tại những vùng có nguy cơ ngập úng, việc tiêu nước đệm trên các trục kênh tiêu cũng được thực hiện và duy trì ngay từ những ngày đầu mưa đến nay. Ngày 28/9, 19/23 trạm bơm tiêu qua đê được kích hoạt với tổng công suất trên 514.850m3, đến sáng ngày 29/9 do tiêu tự chảy tốt mực nước trong đồng hạ, còn 15 trạm bơm vận hành với 97 máy, tổng công suất gần 390.000m3.

Trạm bơm Đông Tây Sơn thuộc hệ thống thủy lợi Nam Thái Bình vận hành hết công suất từ ngày 28/9.

Ông Nguyễn Khả Hoạt, công nhân quản lý cống Tam Lạc (thành phố Thái Bình) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của công ty, ngay từ ngày 25/9 chúng tôi đã tiến hành mở cống hạ thấp mực nước trong đồng để phòng úng. Trong suốt những ngày mưa, chúng tôi trực 24/24 giờ tại cống, thường xuyên kiểm tra mực nước nội đồng và mực nước ngoài sông Trà Lý, mở tối đa cống để tiêu nước nhanh nhất.
Ông Vũ Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình cho biết: Tính đến hết ngày 28/9, lượng mưa trung bình đo được tại các điểm trên hệ thống xấp xỉ 300mm. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và ngành nông nghiệp, Công ty đã mở 68 cống tiêu, triệt để tiêu nước trong hệ thống trước khi có mưa lớn. Tuy nhiên, do lượng mưa lớn, liên tiếp trong nhiều ngày khiến một số diện tích bị ngập cục bộ. Công ty đã cho rà soát, khoanh vùng, ngay từ sáng ngày 28/9 đã kích hoạt 5 trạm bơm; đến chiều ngày 28/9, 11 trạm bơm tiêu qua đê tại các huyện Vũ Thư, Kiến Xương và thành phố Thái Bình với tổng số 69 máy bơm được vận hành hết công suất để tiêu nước cho lúa, cây màu và các khu vực trũng thấp. Khó khăn lớn nhất là hiện đang ở kỳ triều kém, việc tiêu tự chảy gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, có kế hoạch vận hành các trạm bơm tiêu phù hợp bảo đảm an toàn cho sản xuất nông nghiệp.

Hiện diện tích lúa mùa cơ bản trỗ bông xong, trong đó 150ha lúa mùa trà sớm đã thu hoạch chủ yếu ở huyện Hưng Hà. Toàn tỉnh đã trồng được 7.200ha cây vụ đông. Ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương khẩn trương áp dụng các giải pháp tiêu nước, đặc biệt là vùng trồng cây vụ đông và khu vực lúa bị đổ; huy động nhân lực dựng lúa lên, cột thành chùm tránh hiện tượng lúa nảy mầm trên bông, tháo cạn nước mặt ruộng tạo thuận lợi cho việc thu hoạch lúa. Tạm dừng việc gieo trồng cây vụ đông ưa ấm, bảo quản tốt lượng cây giống đã ươm bầu chờ thời tiết thuận lợi mới tiến hành gieo trồng; bổ sung thêm hạt giống cây vụ đông ưa ấm để gieo trồng vào khu vực thiệt hại do mưa úng khi thời vụ còn cho phép.



Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày