Oai linh thạch khuyển
“…Cái thủa cha ông gạo tiền không có
Nhưng lại nuôi chó đá giữ hồn…”
(Con chó đá - Phùng Khắc Bắc)
Theo dòng chảy của lịch sử và văn hóa, chó cũng có vị trí riêng trong đời sống tâm linh của người Việt. Hình tượng chó đã được khắc trên một số đồ đồng Đông Sơn như dao găm, rìu. Cao hơn nữa, chó được đưa lên làm linh vật phục vụ thờ cúng tâm linh, thế kỷ XIII, XIV xuất hiện bát hương đốt trầm có hình tượng chó có dạng nửa tô nửa đĩa. Vì luôn phải đối mặt với thiên tai, địch họa nên ông cha ta từ xa xưa cần một linh vật vừa gần gũi thân thuộc nhưng không kém oai linh để trấn yểm xua tà ma ác quỷ, canh gác phần âm và hình tượng con chó đá được dựng lên như thế.
Người phương Tây dùng danh xưng “ngài” xưng hô với ai đó để biểu lộ sự kính trọng. Người Việt cũng dùng từ “ngài” hoặc “ông” - ngài thạch khuyển, ông chó đá, khi gọi như muốn gửi gắm vào đó lòng sùng kính, tin tưởng và hy vọng vào một linh vật gần gũi với cuộc sống của mình. Từ hoàng thành, lăng tẩm của vua chúa đến cổng làng, đình làng hay ngay trước cửa những mái rạ nghèo của người dân, chó đá luôn lặng lẽ đứng dầm mưa dãi nắng, trơ gan cùng tuế nguyệt bảo vệ âm phần, canh giữ yên lành cơ nghiệp cho gia chủ. Nhiều nơi chó đá được người dân sùng kính đặt lên bệ thờ, suy tôn làm thành hoàng, thần miếu như ở làng Địch Vỹ, làng Trung Hiền thuộc huyện Đan Phượng (Hà Nội), nhiều làng dọc bên bờ sông Hồng thuộc đất Khoái Châu (Hưng Yên), đền Cẩu Nhi (Hà Nội)…
Trong Hồng Đức quốc âm thi tập, một tuyển tập thơ Nôm nổi tiếng thế kỷ XV của nhị thập bát tú trong Hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông làm chủ bút có 2 bài thơ vịnh chó đá. Đây được coi là những tác phẩm thành công nhất khi viết về chó đá trong nền văn học Việt Nam với những câu thơ bất hủ:
“…Mặc khách thị phi giương tráo mắt,
Những lời trần tục biếng vào tai.
Một lòng thờ chúa, nghìn cân nặng,
Bền vững ai lay cũng chẳng dời”.
Hay:
“… Cắn kẻ tiểu nhân, nào đoái miệng,
Chào người quân từ, chẳng phe đuôi.
Phỏng trong sức ấy ngàn cân nặng,
Dấu nhẫn ai lay cũng chẳng dời”.
Không xa lạ vương giả như rồng, như phượng, không thanh cao thoát tục như hạc, như rùa nên chó không có mặt trong “tứ linh”. Nhưng cũng chính vì lẽ đó, chó có đời sống riêng của mình trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt và văn hóa làng xã Việt Nam. Chất phác mà trung thành, nhẫn nại nhưng luôn toát lên vẻ lạc quan, chó đã được khắc tạc, tôn thành linh vật. Hình tướng, diện mạo của thạch khuyển cũng phản ánh kinh tế của địa phương hoặc gia chủ. Làng giàu, nhà giàu buôn bán, chạy chợ thường thuê thợ đá từ các làng đá nổi tiếng vùng Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Huế… đẽo tạc. Chó đá có đầy đủ bộ phận mắt, mõm, tai, đuôi, chân rõ móng, cổ có thêm sợi dây buộc đồng tiền hoặc có vết lõm nhỏ trước bụng để nhét tiền vào như hình thức “trả công”, thành ngữ “tiền buộc cổ chó” cũng phản ánh điều đó. Nhà nghèo, phải chạy ăn từng bữa nên cũng chỉ ở mức đại khái đặt làm một khối đá nhỏ nghiêng theo dáng một con chó đang ngồi canh giữ nhà, khối đá đó nhìn từ xa hao hao giống hình hài của con chó là được. Thạch khuyển miền Trung mõm thường được tạc hướng lên như vọng nhìn ra biển, thạch khuyển miền Bắc, nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ thường có thế chầu, cúi xuống hiền từ. Tùy thời kỳ lịch sử, thạch khuyển cũng có dáng hình khác nhau, thời Lê, mõm thạch khuyển được nghệ nhân tạc hơi tầy, nhưng sang triều Nguyễn, có sự giao lưu, pha trộn văn hóa phương Tây, mõm thạch khuyển được tạc dài hơn. Ngày tết, thạch khuyển thường được gia chủ tắm rửa, quấn giấy hồng điều hoặc buộc dây vải đỏ, dây tiền vào cổ, dâng lễ lạt hương khói như sự tri ân với hy vọng năm mới thêm bình an, hạnh phúc. Tuy là vật vô tri vô giác, dù giàu nghèo, chẳng ai đem so sánh chó đá của nhau bởi trong đời sống tinh thần, thạch khuyển là linh vật có tính thần, tính thiêng được gửi gắm vào đó những hy vọng an lành.
Chúng tôi đi tìm thạch khuyển đứng gác trước cổng làng, cổng đình ở Thái Bình khó như mò kim đáy bể bởi cuộc sống và kiến trúc đã có nhiều đổi thay. Đình An Để, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) có lẽ là một trong ít nơi còn sót lại một “ngài thạch khuyển” đang ngày đêm canh gác âm phần. Khi được hỏi về thạch khuyển, ánh mắt của ông Đặng Đình Viễn, thủ nhang của ngôi đình thiêng như sáng lên, câu hỏi như quay ngược thời gian, làm sống lại những ký ức của ông Viễn hơn nửa thế kỷ với tuổi thơ gắn liền cùng thạch khuyển. Ngày đó, đình An Để còn nguy nga, bề thế, ông nội cậu bé Viễn làm thủ nhang, sớm hôm hương khói trong ngôi đình thiêng. Trên gò đất cao giữa ao đình có thờ một “ngài thạch khuyển” được tạc bằng đá xanh, gò đất ấy cũng là điểm hẹn của bọn trẻ trong làng ra ao đình tắm mát mỗi chiều hè. Rồi một ngày, chẳng hiểu vô tình hay hữu ý, ai đó đã xô pho thạch khuyển xuống ao đình làm tiếc nuối cả một quãng tuổi thơ của ông Viễn. Giờ đã ở tuổi lục tuần, mấy lần xuống ao tìm kiếm nhưng chưa thấy pho thạch khuyển, ông Viễn vẫn hy vọng “ngài” còn ở đó và một ngày nào đó đưa được “ngài” về đình. Hiện bên cửa đình vẫn còn một pho thạch khuyển nhỏ do người dân cúng tiến, ngày tuần, ông thủ nhang già vẫn kính cẩn hương khói để “ngài” canh giữ âm phần nơi linh thiêng.
Tìm về nhà ông Trần Văn Thảo, xóm Dinh, xã Tân Bình (thành phố Thái Bình), một người đam mê sưu tầm cổ vật lâu năm, trong vườn sinh vật cảnh, chúng tôi may mắn được tận mắt chiêm ngưỡng hàng chục pho thạch khuyển. Ông Thảo chia sẻ: Mỗi lần đi giao lưu, sưu tầm cổ vật ở các địa phương, dù ít gặp nhưng nếu thấy tượng thạch khuyển tôi đều cố đưa về. Trong nhà ông Thảo chủ yếu lưu giữ những pho thạch khuyển nhỏ, bởi theo ông, những pho lớn, bề thế, đầy đủ chi tiết, hình hài, có niên đại cao thường được các nhà sưu tầm có điều kiện không tiếc hàng trăm triệu đồng săn lùng, mua bằng được nên ngày càng hiếm gặp. Với ông Thảo, mỗi pho thạch khuyển ngoài hình hài khác biệt, tuy vô tri vô giác đều có một đời sống riêng chất chứa cả trăm năm lịch sử từ mỗi vùng miền. Trước một pho thạch khuyển, ngoài việc chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật được tạo tác từ đá, ta còn học được tính trung thành, nhẫn nại, sự lạc quan, yêu đời khi đối mặt trước sóng gió của cuộc sống.
Đời sống ngày càng sung túc, diện mạo làng quê có nhiều đổi thay. Qua thời gian, cây đa, bến nước, sân đình ở nhiều vùng, trước ảnh hưởng của “đô thị hóa” giờ đã nhường chỗ cho nhiều công trình khác hướng tới tiện nghi, hiện đại. Sự xô bồ, vồn vập của cuộc sống mưu sinh khiến con người có nhiều điều phải lo toan, hy vọng vào những nơi xa xăm trong đời sống tâm linh hơn là gửi gắm vào chó đá. Nhưng thạch khuyển vẫn lặng thầm đứng trong cô tịch nhìn vật đổi sao dời, vẫn có một vị trí nhất định trong đời sống tinh thần của người Việt, làm trọn vai trò của linh vật canh gác qua tháng năm dãi dầu mưa nắng.
Minh Hưng
Tin cùng chuyên mục
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 16.09.2024 | 21:16 PM
- Thiếu Văn Sơn - Chân dung một người cầm bút 03.06.2024 | 17:14 PM
- Ghé thăm ngôi đình hơn 130 tuổi nơi Bác Hồ trò chuyện cùng người dân Thái Bình 19.05.2024 | 17:35 PM
- Liên hoan Bé làm quen với làn điệu chèo truyền thống quê hương 19.04.2024 | 15:43 PM
- 37 thí sinh, nhóm thí sinh dự thi vòng bán kết cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình 07.04.2024 | 17:52 PM
- Khánh thành ngôi chính điện chùa Vĩnh Gia 17.03.2024 | 20:09 PM
- Hưng Hà: Dâng hương tưởng niệm 790 năm ngày Đức Thái Tổ Trần Thừa băng hà 27.02.2024 | 16:14 PM
- Đại lễ giỗ tổ họ Trần Việt Nam 23.02.2024 | 15:53 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam