Thứ 3, 23/07/2024, 07:26[GMT+7]

Khăn áo hầu cõi thiêng

Thứ 2, 19/03/2018 | 08:41:15
9,319 lượt xem
Tương truyền cõi Nam Giao đất rộng, dân đông cần có bậc “Mẫu nghi” chăm sóc, việc này vốn trước đã được giao cho tiên nữ Quỳnh Cung, cư dân Thái Bình tự thuở khai cơ mở vận đã được hưởng ân đức bậc đại tiên nữ nên bao đời nay vẫn phụng thờ ngài.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ do đội hầu đồng đền Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ thực hiện.

Theo lời kể của các bậc cao niên ở các xã vùng cửa sông trên địa bàn tỉnh ta như cửa Tuần Vường nơi giao lưu giữa sông Hồng và sông Trà Lý (thuộc địa phận xã Hồng Lý, Đồng Thanh, tam tỉnh huyện Vũ Thư), cửa Luộc và các làng ven sông Luộc, cửa Tuần Tranh (giao lưu giữa sông Luộc và sông Hóa địa phận xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ) và nhất là các làng ven sông Trà Lý… vẫn còn lưu giữ truyền thống văn hóa tục thờ thánh Mẫu mà ở đó cứ mỗi khi xuân về làng mở hội đền, miếu, phủ thì ở những địa phương này lại có hầu đồng và hát văn.

Nghi lễ hầu bóng nói chung và nghi lễ hầu đồng của nhiều địa phương ở tỉnh ta khá phong phú nhưng đáng chú ý là trang phục của các giá chầu. Giá chầu bà thường rất đẹp vì đó là hóa thân của các Mẫu, như trang phục của chầu Đệ Tam với khăn áo màu trắng, cầm quạt trắng lấp lánh tượng trưng cho miền Thoải Phủ. Trang phục của các giá Quan Lớn, Quan Hoàng lại vô cùng uy nghi, đẹp đẽ giống trang phục các vị quan trong triều đại phong kiến. Nghi thức hầu đồng đóng vai trò quan trọng tạo nên một buổi hầu đầy thăng hoa, bay bổng, chính là thủ tục để mời các vị thánh thần nhập vào các thanh đồng mang màu sắc tâm linh huyền bí. Các nghi thức này cần phải được chuẩn bị và thực hiện một cách cầu kỳ, cẩn thận. Hầu dâng và cung văn là những vị trí phục vụ không thể thiếu trong một nghi thức hầu đồng. Hầu dâng giúp ông đồng hay bà đồng các công việc như thắp hương, dâng các đồ trang phục, thay lễ phục sau mỗi giá đồng; người giúp việc thường ngồi bên cạnh “ông đồng, bà cốt” trước bàn thờ thánh. Trang phục của họ thường là áo dài, quần trắng và khăn xếp. Còn cung văn là những người chơi nhạc và hát không thể thiếu cho việc trình diễn của các thanh đồng ở mỗi giá đồng khi “thánh nhập”. Để giao hòa giữa thần linh và đời thực, ngoài âm nhạc thì “khăn áo” hầu đồng cũng đóng một vai trò quan trọng, rất được chú ý. Chuẩn bị cho nghi thức hầu đồng “khăn áo” phải thích hợp cho từng vị thánh, vị thần nhập đồng. Màu sắc của “khăn áo” cũng phải phù hợp với màu sắc của từng phủ. Ví như màu đỏ Thiên Phủ, màu vàng Địa Phủ, màu xanh Nhạc Phủ và màu trắng Thoải Phủ… Nghi lễ trong hầu đồng cũng rất đặc sắc và đa dạng từ lễ vật, trang phục tới biểu diễn. Hầu đồng có 36 giá, tức là có 36 vị thánh thường nhập vào các thanh đồng. Thường có hai hoặc bốn phụ đồng (được gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng) đi theo thanh đồng để chuẩn bị trang phục, lễ lạt... Trong một buổi lên đồng thường có nhiều “giá”, mỗi lần thay giá, người ta lại phủ lên “cậu” một tấm khăn lụa đỏ, sau đó bỏ ra và lúc này thanh đồng đang ở một “giá” mới và phải thay trang phục, khăn chầu, cờ quạt, đồ hầu dâng... sao cho tương xứng với “giá” này. 

Hầu đồng thực sự là một buổi trình diễn nghệ thuật dân gian mà người ta quen gọi là thực hành nghi lễ. Sân khấu trước cửa ngài khi thì thanh đồng hóa thân thành một vị tướng, khi thì là một quan lớn uy nghiêm oai vệ, lúc lại hóa thân thành một cô gái đang tung tăng nhảy múa. Điệu múa của thanh đồng cũng được thay đổi theo đặc điểm của “giá”. “Giá” quan thường múa cờ, múa kiếm, long đao, kích; giá các chầu bà thì múa quạt, múa mồi, múa tay không; giá ông Hoàng thì có múa khăn tấu, múa tay không, múa cờ; giá các cô múa quạt, múa hoa, chèo đò, múa thêu thùa, múa khăn lụa, múa đàn, múa tay không... Nhưng “ồn ào” nhất trong lễ hầu đồng là khi các vị thánh phát lộc và phán truyền. Lộc thánh phát bằng tiền “dương” hoặc các lễ vật, phẩm vật (hoa quả, bánh trái, vật dụng...) mà theo quan niệm dân gian đã là cõi thiêng thì “một miếng lộc thánh hơn gánh lộc trần”, ai cũng hồ hởi muốn tận hưởng. Âm nhạc của lễ hầu đồng rộn rã, những câu hát ngả nghiêng, nghi lễ hát văn là nét đặc sắc nhất của hầu đồng, là nhạc lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu. Chầu văn mang nặng tính dân gian, truyền khẩu là chính vì vậy hát văn có nhiều làn điệu, có nhiều dị bản cả về ca từ lẫn giai điệu.

Khi “khăn chầu, áo ngự” lung linh kết hợp với hương khói và không khí phấn khích của dàn nhạc khiến các “cung văn” nhiều khi ngẫu hứng cải biên, thêm bớt hoặc chen vào làn điệu của các thể loại dân ca khác như vọng cổ, quan họ, ca Huế… Mặc dù âm sắc có sự khác biệt nhưng lạ thay đều được người nghe chấp nhận. Bởi lẽ đó mà trong nghi lễ hầu đồng ta vẫn nghe thấy văng vẳng âm hưởng của các làn điệu chèo cổ Thái Bình, tuồng và dân ca ba miền.


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trước đây, thực hành nghi lễ thờ Mẫu tam phủ ở tỉnh ta xuất phát từ tục thờ thủy thần vì đất đai, cương vực của Thái Bình xưa tứ bề là sông nước, cuộc sống bấp bênh chứa đựng nhiều hiểm nguy nên hàng năm người dân thường tổ chức lễ cầu may. Hầu đồng thực chất là một trong những nghi lễ cầu may mắn, hay nói khác đi là thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ. Còn quan niệm “tốt lễ dễ kêu” chỉ là chuyện nhân thế bởi xưa kia cuộc sống khó khăn, lễ dâng chỉ toàn cây nhà lá vườn nên khi phát lộc chỉ có mấy quả ổi xanh, chuối chín ép… Nghi lễ thực hành thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mới có hơn một năm nhưng hiện nay ở không ít lễ hội có hầu đồng đã xuất hiện lệch lạc trong tư duy “tốt lễ dễ kêu” và hầu đồng bị biến tướng, cần chấn chỉnh. Có những canh hầu với chi phí vô cùng tốn kém, phát lộc bằng tiền mệnh giá cao…
 

Bà Nguyễn Hồng Vân, nguyên Giám đốc Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh

Hầu bóng (hầu đồng) là nghi lễ tôn vinh các nhân vật có thật trong lịch sử và công trạng của họ với đất nước thông qua hình thức hát xướng và là loại hình diễn xướng dân gian bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Mẫu (Chúa Liễu Hạnh) hoặc thờ thánh (Đức Thánh Trần Hưng Đạo), là nơi thể hiện niềm tin của con người vào thần thánh và sự giao hòa giữa con người với thần linh mà ở đó âm nhạc (hát chầu văn) là yếu tố nghệ thuật nâng rước làm cho nghi lễ thêm huyền ảo. Hầu đồng, hát văn là phần không thể thiếu của tín ngưỡng tâm linh. Từ lâu nó đã thuộc về nét đẹp văn hóa Việt. Nó chan hòa trong đó những giá trị văn hóa, đạo đức, tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc. Ở nhiều di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh ta, hầu đồng là hoạt động không thể thiếu trong những ngày hội, ngày húy kỵ, như ở đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ), đền Tiên La (Hưng Hà) và đền Tam Tòa (Thụy Trường, Thái Thụy)…
 

Cung văn Nguyễn Thị Anh Thơ, đội hát văn đền Tiên La (Hưng Hà)

Hát chầu văn trong hầu đồng rất khó. Nó đòi hỏi người cung văn phải linh hoạt để vừa có thể chuyển lời, giọng và nhạc cho ăn khớp. Điều đáng chú ý là khi hát hầu đồng, cung văn phải hát sao cho thể hiện tâm lý tình cảm của các nhân vật đang hầu nên giọng hát phải uyển chuyển. Cung văn phải vừa đánh nhịp vừa hát được, hát hầu bóng thường kéo dài từ 6 - 8 tiếng nên cần có hai ba cung văn hát thay đổi nhau. Có những cuộc hầu đồng yêu cầu hai cung văn phải hát song ca, nghi lễ liên tục thay đổi bắt buộc các cung văn phải luôn luôn hát thay đổi mà vẫn phải ăn nhịp với nghi lễ.


Quang Viện