Thứ 2, 08/07/2024, 15:26[GMT+7]

Những hạn chế công nghệ 'kinh điển' chưa có lời giải

Thứ 2, 08/07/2024 | 08:03:00
442 lượt xem
Màn hình xanh chết chóc, mất kết nối, cạn pin... là vấn đề đã quen thuộc với người dùng thiết bị di động 20 năm qua, nhưng chưa được cải thiện.

Giao diện "màn hình xanh chết chóc" trên hệ điều hành Windows. Ảnh: Unsplash

Theo XDR, tiến bộ công nghệ đã thay đổi cuộc sống con người, nhưng vẫn còn những hạn chế xuất hiện từ cách đây hai thập kỷ vẫn chưa được nhà phát triển khắc phục. Có những lỗi khách quan nhưng cũng có những vấn đề cố tình được tạo ra.

Thời lượng pin

Trong khi smartphone và các thiết bị điện tử khác không ngừng phát triển, công nghệ pin hầu như không có cải tiến đáng kể trong vài chục năm qua. Ở thời kỳ đầu, pin trên điện thoại, laptop không phải vấn đề lớn, như với những mẫu điện thoại "cục gạch" của Nokia, Motorola với pin dài cả tuần.

Qua thời gian, ngày càng nhiều tính năng tích hợp, thiết bị mỏng hơn trong khi màn hình lớn hơn, đòi hỏi nhiều năng lượng hơn nhưng công nghệ pin lại không theo kịp tốc độ phát triển của toàn ngành. Người dùng phải sạc hàng ngày và pin thường bị chai sau vài năm.

Dung lượng pin trên chiếc iPhone 14 Pro Max chỉ còn 92% sau 10 tháng sử dụng. Ảnh: Ngọc Trung


Dung lượng pin trên chiếc iPhone 14 Pro Max chỉ còn 92% sau 10 tháng sử dụng.

Những gì nhà sản xuất di động đang làm là tối ưu hóa hiệu suất để kéo dài thời gian dùng pin. Tuy nhiên, căn cơ của vấn đề là công nghệ nào sẽ giúp pin có thể sử dụng cả tuần. Một số giải pháp đã được công bố nhưng vẫn dừng lại sau cánh cửa phòng thí nghiệm.

"Cá mập cắn cáp"

Internet đã được phủ sóng khắp nơi, từ wifi đến 5G tốc độ cao. Tuy nhiên, kết nối Internet vẫn bị phụ thuộc nhiều vào những sợi cáp quang mỏng manh dưới đáy biển. Các tuyến cáp ngầm, được mệnh danh là "siêu xa lộ thông tin của thế giới", chịu trách nhiệm truyền tải hơn 90% lưu lượng truy cập Internet.

Thống kê của TeleGeography cho thấy, trung bình mỗi năm có hơn 100 vụ cáp ngầm bị đứt. Đồng nghĩa trung bình cứ ba ngày lại có một sự cố đứt cáp ở đâu đó trên thế giới, khiến giai thoại "cá mập cắn" được lan truyền. Rắc rối nằm ở chỗ dù công nghệ đã rất tiến bộ, quy trình sửa chữa cáp ngầm vẫn vô cùng khó khăn.

Ngoài ra không phải nơi nào cũng có kết nối mạng. Vẫn còn nhiều nơi là "vùng trũng" của Internet do việc kéo cáp đến đó quá tốn kém. Internet vệ tinh có thể giải quyết vấn đề nhưng chi phí để dùng công nghệ này lại là một thách thức lớn với người dùng ở vùng sâu vùng xa.

Cùng gọi nhưng không thể kết nối

Hai người gọi nhau cùng lúc và cả hai bên đều báo máy bận đã quen thuộc đến mức được mặc định là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là lỗ hổng lớn mà công nghệ chưa giải quyết được. Nếu một người đang cố gắng gọi cho người kia và ngược lại, tại sao cuộc gọi đó không thể kết nối luôn?

Xác suất một người thấy cuộc gọi đến nhưng không kịp nghe nên gọi lại, trong khi đầu bên kia báo máy bận vì chính người đó cũng đang cố liên lạc không phải hiếm xảy ra. Dù vậy, các nhà mạng vẫn chưa tìm được giải pháp phù hợp cho vấn đề xưa cũ này.

Thiết bị quá nhiệt

Các nhà sản xuất cố nhồi nhét ngày càng nhiều tính năng, công nghệ vào trong một thiết kế chật hẹp khiến chúng dễ gặp tình trạng quá tải nhiệt. Đây là thách thức lớn mà người dùng từ smartphone, tablet đến những mẫu PC cao cấp đều khó tránh khỏi. Kết quả là thiết bị thường bị treo, nguy hiểm hơn có thể gây cháy nổ.

"Màn hình xanh chết chóc"

Người dùng Windows không còn xa lạ với giao diện "màn hình xanh chết chóc" mỗi khi thiết bị lỗi phần cứng và bộ nhớ. Đến Windows 10, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục, chỉ đơn giản được đổi tên sang "màn hình đen chết chóc" (Black Screen of Death - BSOD), tức chỉ khác màu nền. Đến thế hệ Windows 11, Microsoft lại đổi thành màu xanh lá. Có nghĩa, lỗi đã xuất hiện dai dẳng từ Windows 3 và chỉ được thay màu để trông khác đi.

Khó sửa chữa

Một nghịch lý là công nghệ càng phát triển, tuổi thọ của những thiết bị hiện đại càng ngắn và khả năng sửa chữa ngày một khó, hầu như không còn những sản phẩm "10 năm vẫn chạy tốt". Có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan liên quan đến việc này. Đầu tiên, các bộ xử lý càng tiên tiến sẽ càng khiến việc sửa chữa phức tạp hơn. Nhưng cũng có một thực tế là nhà sản xuất đang làm cho giá sửa thiết bị quá cao. Việc bảo hành tốn nhiều thời gian và phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn phức tạp khiến nhiều người nghĩ đến việc mua mới hơn là mang đi sửa phần cứng bị hư hỏng.

Những sợi dây cáp

Khi cần mượn cáp để sạc pin hay kết nối truyền dữ liệu, người dùng sẽ phải hỏi nhau xem máy dùng cổng gì như USB, microUSB, USB-C, Lightning... USB-C đang dần trở thành chuẩn chung để truyền tải điện năng, dữ liệu, hiển thị và kết nối âm thanh. Tuy nhiên, số lượng tiêu chuẩn USB-C khác nhau cũng đang tạo ra nhiều rắc rối cho người dùng. Dù có thể sạc điện thoại, laptop bằng cáp USB-C bất kỳ, người dùng vẫn không có được tốc độ tiêu chuẩn vì còn phụ thuộc vào định mức, độ dài và chất lượng của cáp.

Theo vnexpress.net