Thứ 6, 22/11/2024, 03:54[GMT+7]

Thời điểm lý tưởng tận dụng “dân số vàng” (tiếp theo và hết) Kỳ 3: Tận dụng thời cơ, bứt phá phát triển

Thứ 4, 21/08/2024 | 08:42:32
12,933 lượt xem
Dù đang trong thời kỳ “dân số vàng” nhưng tốc độ già hóa dân số cũng đang diễn ra nhanh chóng. Nếu chúng ta không tận dụng triệt để thời kỳ có lực lượng lao động dồi dào này để bứt phá phát triển thì đó sẽ là sự lãng phí đáng tiếc.

Ngoài lao động phổ thông, khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Thụy) còn thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc.

Thời gian diễn ra chu trình “dân số vàng” đồng nghĩa với chừng ấy thời gian đất nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế. Cơ hội “dân số vàng” được phát huy khi tỷ lệ lao động có việc làm cao, của cải vật chất làm ra nhiều, cuộc sống của người dân ngày càng trở nên ấm no và đủ đầy. Theo số liệu thống kê của Chi cục Dân số - KHHGĐ, hết năm 2023, dân số Thái Bình gần 2 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi từ 15 - 64 tuổi chiếm trên 66%. 

Bà Đoàn Thanh Hằng, Chi cục phó Chi cục Dân số - KHHGĐ chia sẻ: Nếu không phát huy tối đa lợi thế “dân số vàng” chúng ta có nguy cơ rơi vào tình trạng chưa kịp làm giàu đã già, nhất là khi nước ta đang có tốc độ già hóa dân số nhanh. Cơ hội vàng sẽ bị bỏ lỡ nếu không tăng tốc đầu tư vào con người với đội ngũ lao động có trình độ và có kỹ năng bởi cơ cấu “dân số vàng” không xuất hiện nhiều lần trong quá trình phát triển của một cộng đồng dân cư. 

Để biến thời kỳ “dân số vàng” thành cơ hội vàng phát triển kinh tế - xã hội, việc sử dụng nguồn lao động hiệu quả là hết sức quan trọng. Muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nắm bắt được cơ hội, tận dụng được thời cơ cần phải có những đột phá quan trọng về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

Ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Lao động việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá trong mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Nhằm chủ động nguồn lao động qua đào tạo, cung ứng cho doanh nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo lao động để thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình. Khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn theo từng cấp trình độ, vị trí công việc, ngành nghề cần sử dụng; khảo sát năng lực đào tạo thực tế và ngành nghề thế mạnh của một số cơ sở đào tạo chất lượng cao trong khu vực. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng tổ chức ngày hội việc làm, các phiên giao dịch việc làm để tư vấn, kết nối cung - cầu lao động cho doanh nghiệp và người lao động. Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính ở mức cao nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tuyển dụng lao động kỹ thuật trong nước và chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài theo nhu cầu của doanh nghiệp. 

Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu (khu công nghiệp Tiền Hải) hiện có 650 lao động làm việc, tạo ra khoảng 40 triệu sản phẩm/năm.

Thực tế cho thấy tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của tỉnh đạt khoảng 75,7%, trong đó số có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 25,8%. Những năm gần đây, Thái Bình đẩy mạnh và thực hiện linh hoạt các hoạt động đào tạo nghề, kết nối cung - cầu lao động cho doanh nghiệp và người lao động để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển Khu kinh tế và các KCN, tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh để nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm bền vững cho người lao động. Mặc dù vậy, một số doanh nghiệp khi đầu tư vào Thái Bình cho rằng tay nghề của người lao động của địa phương vẫn còn ở mức thấp, chưa có đầy đủ kỹ năng và đáp ứng được yêu cầu cao về kỹ thuật. 

Ông Vũ Văn Quảng, chuyên viên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tiền Hải cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Để tháo gỡ cho vấn đề này, theo ông Quảng cần có sự phối hợp, liên kết đào tạo chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người lao động và các cơ sở đào tạo. Người lao động cần phải được đào tạo đúng ngành, đúng nghề, đúng nhu cầu của doanh nghiệp thì mới hiệu quả. 

Cơ hội dân số, nguồn lao động chỉ tạo ra điều kiện còn môi trường, chính sách mới là yếu tố quyết định. Vì vậy, để tận dụng thời kỳ “dân số vàng”, rất cần những giải pháp hiệu quả, sát thực tiễn; để kinh tế tăng trưởng, tỉnh cần quyết tâm thực hiện thành công việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh những ngành tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thu hút người trong độ tuổi lao động làm việc, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động xã hội tiêu cực do tình trạng thiếu việc làm gây ra.

Người lao động huyện Thái Thụy làm việc tại Công ty TNHH Kim Sơn Việt Nam (KCN Liên Hà Thái).

Đỗ Hồng Gia