Thứ 2, 25/11/2024, 13:05[GMT+7]

Doanh nghiệp Việt tiết kiệm chi phí nhờ mã nguồn mở

Chủ nhật, 25/08/2024 | 15:08:07
1,964 lượt xem
Ứng dụng mã nguồn mở ngày càng được doanh nghiệp Việt quan tâm, trong đó có đơn vị tăng tốc phát triển gấp 2-3 lần, giảm chi phí 30%.

Ông Khương Văn Chiện, đại diện Viettel IDC, tại sự kiện mã nguồn mở ngày 24/8 ở Hà Nội.

Tại hội nghị thường niên về cơ sở hạ tầng mở OpenInfra Days ngày 24/8 ở Hà Nội, ông Khương Văn Chiện, Phó giám đốc Trung tâm giải pháp và dịch vụ số của Viettel IDC, nhận định xu hướng sử dụng mã nguồn mở ngày càng tăng, khi 95% tổ chức tiếp tục duy trì hoặc tăng cường trong năm qua.

Dẫn thống kê của các đơn vị nghiên cứu thị trường, ông cho biết châu Á, Âu, Mỹ là những nơi mã nguồn mở được ưu chuộng. Ông lấy ví dụ Viettel IDC đang sử dụng mã nguồn mở cho khoảng 70% sản phẩm, như Cloud Server, Private Server.

Theo ông Chiên, chi phí là lợi ích lớn nhất mã nguồn mở mang lại cho doanh nghiệp, giúp các đơn vị làm Data Center có thể giảm 30% chi phí so với mua các phần mềm thương mại, giảm 50% sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp, trong khi khả năng tiếp cận và cập nhật công nghệ mới tăng gấp ba.

"Thay vì tự phát triển phần mềm có thể mất 2-3 năm, với nguồn mở, các doanh nghiệp có thể chỉ mất một năm và có thể làm chủ công nghệ", ông cho hay.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, mã nguồn mở tại Việt Nam và thế giới chủ yếu được sử dụng bởi những đơn vị, ngành có chuyên môn về công nghệ thông tin, trong khi những ngành như bán lẻ ít quan tâm sử dụng.

Trước đó, tại một hội nghị về mã nguồn mở hồi tháng 4 tại Việt Nam, chuyên gia mã nguồn mở đến từ Pháp Alexander Zapolsky cũng đánh giá Việt Nam có mức độ quan tâm đến mã nguồn mở cao, đặc biệt với các lập trình viên trẻ khi bắt đầu sự nghiệp. Chuyên gia này cũng cho rằng Việt Nam nên thúc đẩy cách làm này, đặc biệt trong thời đại AI, nhằm có được chủ quyền kỹ thuật số, giảm phụ thuộc vào nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, việc phổ biến mã nguồn mở cũng yêu cầu kinh phí cao, để các đơn vị có thể chuyển dịch.

Còn theo ông Khương Văn Chiện, bên cạnh lợi ích, việc sử dụng mã nguồn mở cũng cần một số lưu ý, như quan tâm đến các rủi ro về an toàn thông tin, khó khăn khi lựa chọn sản phẩm phù hợp để sử dụng, và cần đội ngũ công nghệ thông tin có năng lực, trình độ.

Theo chuyên gia của Viettel IDC, với đặc thù của mã nguồn mở, khi cộng đồng càng lớn, các lợi ích sẽ càng tăng. Hiện cộng đồng nguồn mở thế giới có khoảng 31 triệu thành viên và liên tục tăng. Nói cách khác, khi có một vấn đề cần giải quyết sẽ có 31 triệu thành viên hỗ trợ. Nhiều ông lớn như Google, Microsoft cũng tham gia cung cấp các công cụ cho cộng đồng này.

Ngoài ra, bản thân các thành viên cũng có thể đóng góp ngược lại cho cộng đồng. Viettel cho biết họ đứng thứ 132 thế giới về số Commit (cam kết gửi các thay đổi mới nhất của mã nguồn đến kho lưu trữ) và 104 về số Reviews trên các dự án của OpenStack.

"Để phát triển cộng đồng nguồn mở, sẽ không thể hoàn toàn đứng từ phía một cá nhân, mà cần sự chung tay của tất cả đơn vị liên quan", ông nói.

Tại sự kiện, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, đánh giá việc ứng dụng OpenStack vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng hạ tầng CNTT tại Việt Nam. Hầu hết công ty đang ứng dụng mã nguồn mở hiện tập trung ở các doanh nghiệp lớn hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông như VNPT, Viettel, FPT.

Theo vnexpress.net