Thứ 5, 21/11/2024, 20:13[GMT+7]

Công ty TNHH IRIS OHYAMA Nhật Bản tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thái Bình

Thứ 2, 21/12/2020 | 18:21:29
8,874 lượt xem
Chiều ngày 21/12, UBND tỉnh tiếp và làm việc với Công ty TNHH IRIS OHYAMA Nhật Bản do ông Chijiiwa Teruyuki, Tổng giám đốc Chi nhánh tại Việt Nam dẫn đầu đến nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thái Bình.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với Công ty TNHH IRIS OHYAMA Nhật Bản. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 2212_cong_ty_trach_nhiem__mixdown.mp3

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Chijiiwa Teruyuki cảm ơn tỉnh Thái Bình đã tạo điều kiện cho Công ty tiếp cận và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh. Ông Chijiiwa Teruyuki cũng thông tin thêm về quá trình hình thành và phát triển của Công ty. Theo đó, Công ty TNHH IRIS OHYAMA Nhật Bản được thành lập năm 1958, chuyên sản xuất đồ gia dụng, có trung tâm nghiên cứu tại Osaka, 9 nhà máy tại Nhật Bản, 9 nhà máy tại Trung Quốc, 4 nhà máy tại Mỹ, 1 nhà máy tại Hàn Quốc và 1 nhà máy tại Pháp với trên 1.000 robot trong các dây chuyền sản xuất. Tại Việt Nam, năm 2018 Công ty đã thành lập một chi nhánh ở Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty hiện có trên 23.000 sản phẩm đồ gia dụng với doanh thu luôn tăng trưởng ổn định, dự kiến đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2022. Ông Chijiiwa Teruyuki bày tỏ nguyện vọng được mở rộng sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là tại Thái Bình; mong muốn tỉnh tạo điều kiện với diện tích khoảng 10 - 15ha để đầu tư nhà máy sản xuất tủ lạnh, máy giặt và đồ gia dụng, dự kiến tạo việc làm cho từ 500 - 800 lao động.

Ảnh: Thành Tâm 

Vui mừng và hoan nghênh Công ty TNHH IRIS OHYAMA Nhật Bản đến đến nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thái Bình, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là Khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định chủ trương đầu tư xây dựng khu công nghiệp đầu tiên trong Khu kinh tế Thái Bình đó là Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái với tổng diện tích hơn 580ha, đồng thời bố trí ngân sách trung ương để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trong Khu kinh tế. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Khu kinh tế Thái Bình có vị trí địa lý rất thuận lợi, giáp thành phố Hải Phòng, thuộc tam giác tăng trưởng kinh tế trọng điểm phía Bắc Việt Nam (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), tiếp cận trực tiếp hệ thống giao thông quốc gia, cách sân bay Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 25km, cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) khoảng 30km; là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành với 25 phân khu khu công nghiệp, cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 8.000ha. Do đó, khi đầu tư vào Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái trong Khu kinh tế Thái Bình, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều lợi thế, đó là thuận lợi về giao thông, hạ tầng hiện đại, đầu tư cuốn chiếu theo từng khu vực, hưởng nhiều chính sách ưu đãi, có nguồn nhân lực dồi dào và tỉnh sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái là nhà đầu tư rất có kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm làm việc với các đối tác Nhật Bản, có thể đàm phán để có giá thuê đất hợp lý và được hỗ trợ tối đa về quy trình, thủ tục khi đầu tư vào tỉnh. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cam kết tỉnh Thái Bình sẽ dành diện tích đủ lớn trong Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái để Công ty TNHH IRIS OHYAMA Nhật Bản đầu tư dự án sản xuất; sẽ ưu tiên tối đa để các nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là Khu kinh tế Thái Bình. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng thông tin thêm về các khu công nghiệp của tỉnh để Công ty TNHH IRIS OHYAMA Nhật Bản nghiên cứu và có lựa chọn tốt nhất.

 Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày